Hãy nuôi dạy một đứa trẻ ngăn nắp
Mấu chốt của việc dọn dẹp là gì?
Bạn có giỏi trong việc dọn dẹp không? Nếu môi trường xung quanh ở nhà hoặc nơi làm việc ngăn nắp, bạn có thể nhanh chóng tìm được các đồ dùng và tài liệu cần thiết khi cần, giúp hiệu quả công việc được cải thiện. Ngoài ra, không gian gọn gàng sẽ tạo cảm giác dễ chịu cho cả bạn và những người khác nữa.
Khi quan sát những người giỏi sắp xếp, tôi nhận thấy họ sẽ “quyết định đặt cái gì ở đâu", “dọn dẹp ngay sau khi sử dụng", và “phân định ranh giới rõ ràng giữa những thứ cần thiết và không cần thiết". Bạn nên thể hiện ba điểm then chốt này khi dạy con mình dọn dẹp.
Hãy định vị mọi thứ
Đầu tiên, xác định vị trí cố định cho đồ vật. Bạn hãy chuẩn bị rổ hay hộp, và ban đầu giúp trẻ quyết định, chẳng hạn như “Hãy xếp khối gỗ vào hộp này", “Đặt ô tô mini vào giỏ này".
Ngoài ra, cũng rất thú vị khi bạn đưa cho trẻ một chiếc hộp rỗng không có mục đích cụ thể. Tôi đưa cho con trai một chiếc hộp và nói: “Hãy đặt những gì con muốn vào đây nhé", rồi để trẻ tự quyết định những gì cần cho vào. Hôm sau, thấy con xếp lộn xộn những thứ không liên quan, tôi bèn hỏi, thì con trả lời với vẻ tự hào rằng: “Đây là chiếc hộp kho báu!". Thế mới thấy, trẻ em cũng có “ý thức phân loại" theo cách riêng của chúng phải không nào!
Hô khẩu hiệu “Dọn dẹp nào"
Tiếp theo, hãy tập thói quen cất đồ vật vào vị trí ngay khi sử dụng xong. Tuy nhiên, điều này cần phải liên tục được nhắc nhở trong một khoảng thời gian dài chừng 10 năm. Người lớn chúng ta đã không ít lần phải hối hận mà thốt lên rằng: “Nếu mình cất nó đi ngay sau khi dùng xong thì đã không phải mất nhiều công tìm kiếm như vậy". Hãy cho con bạn cơ hội để học hỏi từ những sai lầm và hối tiếc của chúng.
Bên cạnh đó, những con búp bê, đồ hàng, dụng cụ, xe hơi và robot mà người lớn cảm thấy lộn xộn, thì trong thế giới tưởng tượng của trẻ em lại có thể mang ý nghĩa là “Mình đang ăn một bữa tối vui vẻ", “Quy hoạch thành phố đang được tiến hành", hoặc “Trận chiến với quái vật, cuối cùng cũng sẽ được giải quyết vào ngày mai!".
Mặc dù không phù hợp với giá trị quan của người lớn, nhưng đó là suy nghĩ của trẻ. Việc dọn dẹp cũng có thể được thực hiện bất cứ lúc nào. Nhân tiện, vào buổi sáng, khi băng qua căn phòng để mở rèm trong lúc ngái ngủ, con trai tôi đã giẫm lên một cái cọc nhỏ hình tam giác trên sàn nhà (có thể là do cố ý đặt) rồi la lên: “Đau quá!" và tỉnh ngủ. Mà chuyện đó cũng không phải lần một lần hai.
Đây là một câu chuyện đáng buồn tại nhà tôi, đã được nhắc nhở và đặt tên là “bẫy khối gỗ".
Dù vậy, tôi vẫn kiên nhẫn và tiếp tục nói với con rằng: “Nếu con dọn dẹp sau khi dùng xong thì tốt biết mấy". Bây giờ, đứa con đang học tiểu học của tôi đã biết chuẩn bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập cần thiết cho buổi học hôm sau, đồng thời dọn dẹp những thứ đã sử dụng ngày hôm đó.
Vứt bỏ những thứ không cần thiết để thấy thoải mái hơn
Cuối cùng là sắp xếp các đồ không dùng đến. Mỗi năm một lần, hãy vứt bỏ những thứ không còn sử dụng hoặc những đồ trở nên cũ vì bạn đã mua cái mới để thay thế. Lúc này, điều nên cố gắng làm là chỉ cho trẻ cách nói “Tạm biệt" hoặc “Cảm ơn vì tất cả" với những đồ vật cần vứt bỏ. Sau đó, khi phân chia các vật dụng cần thiết và các vật dụng bỏ đi, tôi thiết lập một “khung" gọi là “tạm thời bảo lưu". Những vật dụng mà bạn nghĩ là không cần thiết hóa ra lại có thể quan trọng đối với trẻ. Tạm gác lại và cất đi, một năm sau hãy lại hỏi trẻ: “Cái này có còn cần thiết không?".
Hãy nuôi dưỡng khả năng sắp xếp ngăn nắp
Hãy để cho trẻ có quyền đánh giá ngay cả khi cha mẹ chủ động dọn dẹp đồ đạc xung quanh trẻ khi chúng còn nhỏ. Bằng cách đó, bạn sẽ dần xây dựng được những cơ sở hình thành khả năng sắp xếp ngăn nắp như “khả năng lựa chọn" và “khả năng quyết định" ở con trẻ đấy!