Hãy khiến “bài tập về nhà” trở thành một phần trong cuộc sống con trẻ!
“Này, con đã làm bài tập chưa đấy?", “Nhớ làm bài tập trước khi đi chơi đấy nhé!"
Nhiều học sinh tiểu học ở Nhật được giao bài tập về nhà làm. Tuy nhiên, thực tế là không có nhiều học sinh chủ động làm bài để tiến bộ, mà người mẹ thường phải thúc giục con cái làm bài tập với những câu nói thường gặp như trên.
Bài tập về nhà của học sinh tiểu học Nhật
Khi vào lớp 1, bài tập về nhà thường là đọc sách giáo khoa môn quốc ngữ (thường gọi là đọc sách – honyomi) và làm cộng trừ bằng thẻ làm toán. “Thẻ làm toán" là một tờ giấy cao 3cm và dài 6cm, các thẻ được nối với nhau bằng một cái móc tròn, trên mỗi tờ viết một bài tập hoặc công thức. Đó là bài tập luyện để trẻ có thể tính nhẩm và trả lời thật nhanh. Hơn thế, từ học kỳ 2 thì trẻ sẽ học Hán tự, nên ngoài 2 loại bài tập trên thì trẻ sẽ có thêm phần “tập viết". “Tập viết" là dạng bài để trẻ nhớ mặt chữ Hán bằng cách đọc hiểu các chữ mẫu mà giáo viên giao cho rồi chép lại vào một cuốn sổ có các ô vuông tập viết chữ.
Tại trường tiểu học mà con trai tôi theo học, họ lấy tiêu chuẩn thời gian học tại nhà tính theo công thức “số lớp x 10 phút". Nghĩa là đối với học sinh lớp 1 thì 1 x 10 phút = 10 phút, nhưng với học sinh lớp 6 thì sẽ là 6×10 phút= 60 phút, cứ lên 1 cấp lớp thì thời gian học tại nhà lại tăng thêm 10 phút. Tất nhiên càng lên lớp trên thì nội dung học lại càng khó, một mình chẳng thể nào giải bài tập số học được. Mà ở nước nào cũng vậy, thường thì trẻ con sẽ dễ cảm thấy nhàm chán đối với những dạng hoạt động mà cứ lặp đi lặp lại, ít có sự thay đổi hơn so với người lớn.
Nếu trẻ nhàm chán với việc làm bài tập ngay từ cấp dưới, thì dần dần chúng sẽ bỏ lơ, và trở thành những đứa trẻ với suy nghĩ là “không làm bài tập thì cũng bình thường thôi". Dữ liệu sau đây tuy đã cũ, nhưng theo một cuộc khảo sát do một công ty giáo dục tư nhân làm vào năm 2008, khi hỏi các học sinh tiểu học từ lớp 5 đến lớp 6 là: “Sau khi đi học về thì các em thường mất bao lâu để làm bài tập về nhà?", thì câu trả lời trung bình là 35 phút. Có đến 14% trên tổng số trẻ trả lời là hoàn toàn không đụng đến bài tập ở nhà, hoặc làm tầm 5-10 phút thôi.
Hãy khiến bài tập về nhà trở thành một phần trong cuộc sống của con trẻ!
Ở nhà tôi thì luôn cho rằng “thời gian để hai mẹ con làm bài tập về nhà" cũng chính là “thời gian để hai mẹ con tâm sự", nên tôi chưa bao giờ nói câu “Làm bài đi con!" cả. Mỗi lần bọn trẻ trở về nhà là một lúc sau chúng sẽ gọi “Mẹ ơi, cùng làm bài tập với con đi!" nên tôi vui lắm!
Làm thế nào để trẻ có thể học tập một cách độc lập thì bạn hãy tham khảo bài “Hãy đáp lại lời trẻ “Bố/Mẹ ơi, nhìn nè!"" nhé!
Với cương vị giáo viên cấp 3 được 12 năm, sau khi quan sát các học sinh, tôi nhận thấy những bạn bỏ làm bài tập từ hồi cấp một, thì luôn vất vả trong việc học bởi vì khi lên cấp hai, cấp ba, chúng vẫn không quen với các kỹ năng làm toán, viết lách hay đọc sách cơ bản, hoặc vốn thậm chí còn không có thói quen học tập.
Nên tập cho trẻ có suy nghĩ “Chưa làm xong bài tập mà đi chơi thì không được!" ngay cả khi bố mẹ không cần phải thúc giục việc làm bài tập, hay nói cách khác, tôi cho rằng hỗ trợ cho trẻ từ lúc còn nhỏ cho đến khi việc làm bài tập ở nhà trở thành một phần trong cuộc sống của chúng là điều hết sức cần thiết!