Gọn gàng ngăn nắp giúp nâng cao thành tích ?
Không thể học hành với một chiếc bàn bừa bộn
Tôi là giáo viên dạy môn Quốc ngữ ở một trường trung học phổ thông.
Bàn học được sử dụng trong các trường trung học phổ thông của Nhật Bản có kích thước rộng khoảng 60 cm, sâu 40 cm. Mỗi học sinh ngồi một bàn riêng, dưới mặt bàn là ngăn để đồ cao khoảng 15 cm để chứa sách giáo khoa, vở viết. Nhìn vào mặt bàn của các em trong giờ học, chúng ta có thể thấy có những em để sách giáo khoa, vở và bút viết ngăn nắp, trong khi cũng có những em khác để sách giáo khoa và dụng cụ của các môn học khác nhau một cách lộn xộn.
Nhìn vào thực trạng của các em học sinh trung học phổ thông trên lớp trong 15 năm qua, tôi nhận thấy một điều rằng “không học sinh nào có bàn học và đồ dùng cá nhân bừa bộn lại có thành tích cao”. Thoạt nhìn chúng ta có thể nghĩ là việc gọn gàng ngăn nắp và điểm số (kết quả học tập) có vẻ không liên quan nhau. Hãy cùng tôi tìm hiểu thực tế trong giờ học hằng ngày nhé!
Tìm kiếm đồ đạc
Khi tôi yêu cầu các em “Mở sách giáo khoa trang 〇”, những em học sinh có cái bàn bừa bộn sẽ tốn thời gian lôi quyển sách Quốc ngữ từ chồng sách ngổn ngang và lật tìm trang sách được yêu cầu. Còn khi tôi yêu cầu “Hãy lấy tài liệu cô phát trong giờ học trước ra” thì các em tìm chỗ này chỗ kia xem mình đã kẹp tài liệu đó ở quyển sách nào. Thật ra tôi cũng muốn đợi cho đến khi tất cả học sinh của mình đã sẵn sàng tài liệu thì mới bắt đầu. Nhưng một lớp có khoảng 30 đến 40 em và giáo viên là tôi cũng có kế hoạch trong 50 phút giờ học sẽ phải hướng dẫn đến trang nào nên dù có học sinh chưa tìm được tài liệu, tôi vẫn bắt đầu giảng bài.
Cứ như vậy một học sinh có sự ngăn nắp trật tự có thể nghe được những gì phải làm và cách thực hiện. Còn một em học sinh lộn xộn lại bỏ lỡ các hướng dẫn và những điểm quan trọng trong lúc mải mê tìm đồ dùng. Hành động “tìm kiếm" này ngày càng trở nên phiền toái khi nó cứ lặp đi lặp lại. Tất nhiên, học sinh không tìm sách giáo khoa thì sẽ không có sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong giờ học, do đó sẽ không nắm được phần cần ôn tập trước khi thi nên điểm số của các em sẽ không được cải thiện.
Giảm khả năng tập trung
Theo kết quả nghiên cứu đã được báo cáo trong lĩnh vực khoa học thần kinh, “trạng thái lộn xộn gây ra sự giảm tập trung”. Bộ não của chúng ta có xu hướng thích trật tự. Do đó, tình trạng lộn xộn hoặc có những đồ vật không liên quan xuất hiện sẽ khiến não bộ của chúng ta “đứng ngồi không yên”. Trên lớp, học sinh sẽ cần nhớ những điểm quan trọng, tính toán dựa trên các công thức, quy tắc thường xuyên. Vì vậy nếu não không ổn định, các em sẽ không thể thực hiện các hoạt động học tập một cách suôn sẻ được.
Bừa bộn còn dễ gây stress
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu công bố rằng “một môi trường lộn xộn gây căng thẳng cho con người“. So sánh giữa những người sống trong một căn phòng ngăn nắp với những người sống trong một căn phòng bừa bộn thì thấy nhóm những người sống trong nơi không gọn gàng có nồng độ hormone cortisol, là loại hormone được tiết ra giúp cơ thể tránh khỏi căng thẳng, trong máu cao. Đối với những em “học không giỏi”, “không thích học” thì thời gian học (phải học) về cơ bản đã làm các em cảm thấy căng thẳng. Nếu các em còn bừa bộn thì điều đó càng khiến sự căng thẳng tăng cao.
Theo cách này, một môi trường gọn gàng ngăn nắp là rất quan trọng. Hãy giúp con bạn sắp xếp khu vực học tập tại nhà được sạch sẽ và có tổ chức.