Nguyên nhân & giải pháp khi con luôn tìm lý do ngụy biện?
Tình huống
Tôi nhớ không nhằm thì lúc đó là vào mùa Đông năm con trai tôi được 4 tuổi. Bữa đó tôi thấy thanh phơi đồ trong nhà đã bị rơi và gãy.
Trước đó chỉ có con tôi ở trong nhà. Thằng bé hay chạy nhảy quanh nhà. Chắc hẳn là lần này cu cậu đã đụng trúng giá phơi đồ rồi làm thanh ngang xuống rồi vô tình làm gãy luôn đây mà. Khi tôi hỏi “Tại sao nó lại bị gãy?", thằng bé nói “Do nó bị ngã ạ". Tôi tiếp tục “Thế tại sao nó lại bị ngã?", “Do gió thổi ạ" con tôi trả lời. Vì lúc đó đang là giữa mùa Đông nên điều đó cũng là lẽ thường tình, nhưng tôi đã đóng cửa rất kĩ nên không thể có chuyện gió thổi vào được. Đứa con 4 tuổi của tôi dường như vận dụng hết khả năng và chất xám, những lý do mà cháu nghĩ ra thật sự rất đáng yêu, tôi cũng đã quên mất việc mình nên mắng con và cười phá lên.
Nguyên nhân
Ở những trường hợp này, các lý do của bé khiến ta cười cũng tốt thôi, nhưng cũng có nhiều đứa trẻ luôn ngụy biện bằng vô vàn lý do, lúc nào cũng “nhưng mà", “cơ mà" và chẳng bao giờ ngoan ngoãn nói ra lời xin lỗi. Với tư cách là phụ huynh, ai cũng trăn trở rằng làm sao để con có thể thay đổi tốt hơn. Nhưng hãy nhìn mọi người xung quanh thử xem, người lớn không như vậy sao? Đúng, những người ấy đấy! Viện nhiều lý do như vậy chẳng phải do “vì còn là con nít" đâu, mà chính là do “ý thức bản thân kém" đấy!
“Ý thức bản thân" là việc đánh giá bản thân mình, hay kiểm điểm lại giá trị của chính mình, hay nói cách khác chính là “lòng tự trọng". Những con người cứng đầu như chúng ta hãy cùng nhớ lại những ví dụ ở ngay chính ngôi nhà của mình xem nào!
Giải pháp
Không la mắng mà khuyến khích trẻ nói thật
Thứ nhất, cha mẹ không được quên một điều đương nhiên rằng “ai cũng có thể mắc sai lầm". Nếu nghĩ rằng “ngay cả bản thân mình cũng sẽ mắc sai lầm" thì việc la mắng con cái sẽ được giảm xuống một cách triệt để đúng không nào? Tiếp theo đó, chúng ta đi làm rõ về những tình huống mà cha mẹ cũng không mong muốn chút nào. Với đứa con nói rằng “Thanh phơi đồ rơi là do gió thổi ạ" thì bạn hãy sử dụng những câu hỏi mang tính chất dồn con vào “thế giới lí do" của chính bé như “Ồ thế à, gió mạnh thật nhỉ? Thế con không lạnh à?". Đứa nhỏ trong thâm tâm sẽ cảm thấy “Mình đang làm việc sai", “Mình chắc sẽ bị mắng mất", nên nếu chúng ta bình tĩnh hỏi, con sẽ dần an tâm và nói thật lòng mình rằng “Là do con chạy chơi nên va phải ạ".
Cho con đề ra cách giải quyết
Đến đây, đương nhiên là 80% ta đã giải quyết được vấn đề. Tiếp theo, ta nên nói với con rằng “Con va phải như vậy, không bị thương là tốt rồi. Nhưng để không bị thương thì con cần phải làm gì nào?", hay cho con biết rằng “Sự an toàn của con là điều rất quan trọng" (Từ đó, nâng cao tính ý thức của con). Và cũng cho con suy nghĩ phương án giải quyết. Nếu gói gọn bằng những câu hỏi như “Tại sao con va vào thanh phơi đồ?", “Tại sao lại làm ngã nó?" thì vô hình chung đứa bé sẽ quay lại việc tìm lý do như một phản xạ tự nhiên.
“Thất bại" nghĩa là khi ta cứ để mọi chuyện như vậy mà không hề thay đổi, nhưng nếu ta suy nghĩ được rằng “để không phải thất bại một lần nữa, ta cần làm gì?" thì đó lại là một kinh nghiệm vô cùng quý giá cho sự thành công. Nhiều bà mẹ luôn phiền não “Con nhà tôi cứ lí do lí trấu suốt thôi…", nhưng nguyên nhân của những lí do đó là gì? Có thể lại là chính bạn đó!