Ăn dặm là gì?
1. Nghi thức Okuizome ở Nhật Bản
Ở Nhật Bản, có một nghi thức truyền thống gọi là “Okuizome" (nghĩa là “bữa ăn đầu đời").
Nghi thức này lâu đời đến nỗi chỉ có thể truy tìm nguồn gốc của nó đến khoảng 1000 năm trước thôi. Trong nghi thức này, người ta sẽ đút thức ăn cho em bé khi được 100 ngày tuổi với mong muốn em bé sẽ trưởng thành khỏe mạnh.
Ngày xưa có nhiều trẻ em mất ngay sau khi sinh do điều kiện dinh dưỡng và vệ sinh kém. Do đó các thành viên trong gia đình muốn cảm tạ thần linh về “sự biết ơn khi em bé đã có thể trải qua 100 ngày vô sự" và dành một khoảnh khắc để cầu nguyện cho sự trưởng thành của đứa bé từ nay về sau.
Nói là “đút thức ăn cho em bé" nhưng không phải là cho em bé ăn đồ ăn như người lớn đâu. Chỉ là giả vờ như cho em bé ăn thôi. Còn đồ ăn thì cả gia đình sẽ cùng nhau ăn. Đây là một trong những sự kiện trong đời một người, là dịp mà mọi người quây quần quanh em bé và cùng chụp hình kỷ niệm.
2. Thời điểm để bắt đầu cho bé ăn dặm
Vậy khi nào thì em bé ăn được giống như người lớn luôn?
Thông thường thì răng sữa bắt đầu mọc khi em bé được khoảng 3 tháng tuổi.
Sau đó hầu hết những đứa trẻ sẽ mọc hết 20 chiếc răng khi được 3 tuổi, lúc đó thì đã có thể yên tâm cho bé ăn như người lớn được rồi. Nhưng trẻ 1 tuổi rưỡi cũng đã có thể cắn và nhai những thức ăn có độ cứng cỡ như thịt viên rồi nên bạn cũng có thể cho thêm vào bàn ăn của trẻ những món gần giống đồ ăn của người lớn.
Để được như thế, bạn cần thực hiện các bước để dạy trẻ “ăn" từng chút một. Đó chính là vai trò của “ăn dặm".
Tại Nhật Bản, các chuyên viên tư vấn sức khỏe thường hướng dẫn bắt đầu cho trẻ ăn khi trẻ được khoảng 5 đến 6 tháng tuổi. Lúc này trẻ đã cứng cổ và có thể giữ được đầu rồi. Trẻ cũng có thể lẫy và ngồi, biết giữ vững thân người nên có thể giữ nguyên tư thế khi đang ăn.
Ngoài ra, sự tò mò đối với môi trường xung quanh của trẻ cũng trở nên mạnh mẽ hơn nên khi nhìn thấy người lớn đang ăn hoặc uống, trẻ cũng sẽ chóp chép miệng hoặc chảy nước dãi, thể hiện sự hứng thú đối với đồ ăn.
3. Cách tiến hành
Khi thấy những dấu hiệu trên, bạn hãy nhẹ nhàng áp đầu một chiếc thìa vào môi dưới của trẻ. Nếu thấy trẻ liếm thìa hay cố đưa thìa vào miệng thì đó chính là dấu hiệu bé muốn nói “Con đã sẵn sàng để ăn rồi đấy". Khi bé nhà tôi được 4 tháng tuổi, tôi đã thử cho con uống sữa bằng thìa.
Con tôi đã chịu uống mà chẳng do dự gì cả nên tôi đã cho con tôi lặp lại thói quen nuốt những gì được đưa vào miệng thay vì “mút" từ bình sữa.
Tuy nhiên, một số bé thể hiện sự khó chịu như là đẩy thìa bằng lưỡi và quay mặt đi. Trong trường hợp này, đừng nôn nóng và hay thử lại sau một thời gian nhé.
Và khi nói đến “ăn dặm", mọi người thường có xu hướng nghĩ tới “cai sữa" hay “dứt sữa". “Ăn dặm" là chế độ ăn trong quá trình chuyển sang thức ăn dành cho trẻ em bằng cách bổ sung dinh dưỡng ngoài sữa mẹ và sữa công thức. Do đó, không nên ngưng cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức ngay lập tức. Vẫn cứ để trẻ tiếp tục lấy dinh dưỡng chính từ sữa mẹ hay sữa công thức như từ trước đến giờ, đồng thời, cho trẻ ăn những thứ mềm và có vị nhạt.
Có thể nói rằng “ăn dặm" chính là “môn học về thức ăn cho trẻ", giúp trẻ tăng cường trải nghiệm về hương vị và xúc giác một cách từ từ và cẩn trọng.