Chăm sóc răng miệng khi mang thai
Không thể đánh răng!
Khổ sở nhất trong giai đoạn đầu của thai kỳ chính là ốm nghén. Đó là chuỗi ngày không ngóc dậy nổi vì những cơn đau đầu và buồn nôn. Có vô vàn phiền toái sẽ xảy ra trong suốt khoảng ba tháng ốm nghén này. Và một trong số đó là chuyện đánh răng.
Đồ ăn còn không cho vào miệng được thì bàn chải đánh răng cũng không phải là ngoại lệ. Chuyện mua sắm hay dọn dẹp thì còn có thể nhờ chồng làm chứ đánh răng thì đâu ai làm thay được chứ.
Nhiều nguy cơ từ miệng trong lúc mang thai
Nói chung, bạn nên cẩn thận vì mang thai là thời điểm dễ bị sâu răng. Phụ nữ mang thai thường có xu hướng xa rời việc đánh răng vì nhiều người dù có muốn giữ cho miệng sạch sẽ, nhưng chỉ cần đưa bàn chải vào miệng là buồn nôn ngay.
Mặt khác, chứng thèm ăn do nghén cũng khiến người ta cứ muốn ăn hoài một thứ gì đó. Bà bầu bị nghén kiểu này lại ăn luôn miệng và bỏ qua việc đánh răng luôn. Thế là lại tạo môi trường tốt nhất cho răng sâu phát triển.
Ngoài ra, bà bầu thường gặp phải những vấn đề khác như viêm nướu, nha chu. Nguyên nhân là do khi mang thai, nội tiết tố nữ nuôi vi khuẩn bệnh nha chu tăng lên khoảng 7 lần.
Đi khám nha sĩ
Nếu răng của bạn bị đau do sâu răng, hoặc nếu lợi của bạn bị sưng hoặc dễ bị chảy máu, hãy đến nha sĩ ngay lập tức.
Tuy nhiên, việc đi khám bệnh với bụng to cũng khó. Thế nên, bạn nên nhờ nha sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng của bạn một lần trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Đó là khi bạn còn có thể dễ dàng nằm ngửa để tiếp nhận điều trị của nha sĩ. Đừng quên thông báo với người của phòng khám là bạn đang mang thai nhé!
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, đôi khi cần phải chụp X-quang để phát hiện những bất thường ẩn giấu bên trong.
Nhắc đến X-quang, tôi biết có nhiều người lo lắng về tác hại của bức xạ đối với thai nhi. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng X-quang nha khoa chỉ chiếu xạ từ vùng cổ trở lên, và khi chụp bạn sẽ được gắn tạp dề bảo vệ bằng chì để bảo vệ cơ thể khỏi bức xạ.
Nhân tiện, mức độ phơi nhiễm của toàn bộ khoang miệng bằng chụp ảnh X-quang chỉ bằng 1/10 so với độ phơi nhiễm từ thức ăn. Còn trường hợp chỉ đánh dấu chụp những răng bị nghi ngờ có sâu răng hoặc bệnh nha chu thì mức độ phơi nhiễm còn ít hơn, khoảng 1/30 so với độ phơi nhiễm từ thức ăn. Nếu còn chưa yên tâm thì bạn cứ nói với nhân viên phòng khám là không muốn chụp X-quang.
Thuốc gây mê hay các loại thuốc như thuốc giảm đau cũng làm chị em bồn chồn không kém. Các phòng khám nha khoa sử dụng “thuốc gây tê cục bộ" và nó chỉ có tác dụng ở những chỗ cần gây tê. Không có vấn đề gì khi sử dụng loại thuốc này trong thời gian cố định, nhưng nếu bạn còn lo lắng, hãy yêu cầu điều trị trong phạm vi có thể thực hiện mà không cần dùng đến thuốc tê. Điều này cũng đúng đối với các loại thuốc, vì vậy hãy nhớ hỏi ý kiến nha sĩ của bạn nhé!
Chăm sóc răng miệng hàng ngày
Nếu kem đánh răng có gây buồn nôn thì bạn hãy đánh răng mà không bôi bất cứ thứ gì lên. Việc dùng bàn chải không vẫn có thể loại bỏ các mảnh vụn thức ăn trong miệng. Lỡ mà giống như tôi, đưa bàn chải vào miệng thôi là buồn nôn rồi thì hãy uống nước vào cuối bữa ăn hoặc súc miệng. Làm vậy thôi thì cũng có thể ngăn ngừa sâu răng đấy!
Nhai kẹo cao su 100% xylitol cũng là một cách hay. Những ai ăn liên tục do nghén mà khó đánh răng ngay sau khi ăn thì có thể chuyển sang dùng kẹo cao su chứa xylitol và chọn đồ uống không chứa đường.
Miệng chính là “lối vào" của cơ thể, vì vậy bạn hãy chăm sóc nó thật tốt nhé!