Bố mẹ giúp con tập diễn đạt ngôn ngữ, suy nghĩ của chính mình khi viết nhật ký chung!
Cuối tuần này đứa con đang học lớp 4 tiểu học của tôi đã được giao một bài tập về nhà là viết nhật ký. Đề bài là viết một bài dài 208 ký tự vào giấy về “những sự kiện và sự việc xung quanh em, chủ đề nào cũng được".
Vì bé nhà tôi đi học mẫu giáo tư thục nên dù không thường xuyên nhưng tôi vẫn cố gắng cùng bé viết “Nhật ký phụ huynh và con (bài tập viết)" từ khi con 4 tuổi.
Hiện tại tôi đang dạy môn quốc ngữ ở trường cấp ba và thường được các em lớp 12 đang chuẩn bị thi chuyển cấp hay đi xin việc làm nhờ sửa bài biết hay chỉ cách viết bài luận. Em nào cũng nói là “Em viết văn tệ lắm nên không biết phải viết như thế nào thì được", “Viết thì em viết rồi mà em không tự tin gì cả".
Các em học sinh ai cũng đã tích lũy được một số kinh nghiệm “nghe", “nói", “đọc" từ thời học tiểu học. Nhưng tôi nghĩ rằng các em có quá ít cơ hội để viết (diễn đạt) “ngôn ngữ của chính mình" và “suy nghĩ của chính mình".
Cũng giống như con trai tôi, trẻ em ở Nhật Bản từ lúc học tiểu học đã được giao bài tập viết nhật ký và được học về cách viết các bài tường thuật hay phát biểu cảm tưởng và các bài phát biểu trong những giờ học quốc ngữ. Tuy nhiên, việc thực hành lại không được lặp đi lặp lại cho đến khi các em không còn phản kháng chuyện viết lách nữa, hay nói cách khác là các em chưa đạt đến mức có thể viết văn “một cách tự nhiên mà không cần ý thức" giống như việc thở hay ăn vậy.
Tuy nhiên, khi trở thành học sinh cấp ba, các em thường sẽ cần phải có kỹ năng viết để biến mong muốn về sự nghiệp sau khi tốt nghiệp của mình thành sự thật. Và ngay cả khi thành người lớn, không kể đến những người dùng có công việc liên quan đến viết lách, ngay cả những người không sử dụng kỹ năng viết cho công việc thì thỉnh thoảng vẫn phải viết “những đoạn văn để cho ai đó có thể đọc được", ví dụ như viết nhận xét hay cảm tưởng về bảng điểm của con cái.
Do đó, việc tăng cơ hội viết cho trẻ từ khi còn nhỏ và giúp trẻ “quen với viết lách" khá là quan trọng. Và chính vì thế, “nhật ký" là một phương pháp vô cùng hiệu quả.
Tôi sẽ mách riêng cho bạn biết cách tôi hỗ trợ con mình nhé.
Đầu tiên, trước khi con viết, tôi biến thành một “phóng viên" để phỏng vấn người sắp sửa viết nhật ký hay viết văn.
Tôi sẽ hỏi những câu như: “Con sẽ viết về điều gì nào?", “Chuyện đó xảy ra khi nào nhỉ?", “Ai đã làm việc đó vậy?", “Làm cùng với ai thế?", “Người đó đã làm điều đó như thế nào?".
Khi đó, hãy nhớ ghi lại những gì đối phương đã trả lời. Khi con còn nhỏ, hãy ghi chú trên những mảnh giấy đã được cắt rời để có thể dễ dàng sắp xếp lại. Nếu con lớn hơn một chút và không bị nhầm lẫn nếu chỉ đánh số thứ tự thì chúng ta có thể viết trên một mảnh giấy liền, ví dụ như sổ tay chẳng hạn.
Khi con chưa quen với việc viết lách thì bố mẹ hãy nghĩ giúp con xem làm sao để sắp xếp những nội dung đã ghi chú (viết theo thứ tự nào). Cách cơ bản nhất là sắp xếp theo thứ tự thời gian, nhưng lần nào cũng làm vậy thì thật nhàm chán, phải không nào? Thế nên, thỉnh thoảng cũng nên đặt những hồi tưởng về những điều thú vị đã xảy ra ở đầu bài viết: “Đã có một chuyện thú vị như thế này". Ngoài ra, cũng đừng bỏ qua các đoạn hội thoại như “Mẹ đã nói rằng… " và hướng dẫn con tập viết về lời nói của ai đó để có thêm sự biến hóa trong phong cách viết.
Sau khi lặp đi lặp lại nhiều lần, con sẽ nắm vững được quy trình “Ghi chú → Suy nghĩ về thứ tự → Viết", và bé sẽ có thể viết được một mình.
Sau này khi đọc lại nhật ký, người viết sẽ sống lại những ký ức rõ ràng của khoảng thời gian cũ đó. Điều này rất có giá trị trong việc nhìn thấy sự trưởng thành của bản thân. Viết nhật ký là việc rất nên làm vì nó giúp trẻ cải thiện kỹ năng viết từng chút một trong vô thức.