Bạn đang “nổi giận” (怒る) hay “khiển trách” (叱る) con? Cùng xem sự khác biệt nhé!
Con mãi ngủ nướng, ăn sáng tới cận giờ đi, đổ đồ uống ra bàn, mặc đồ chậm, v.v… Mới sáng sớm, các bà mẹ người Nhật đã phải bực bội ca thán “Sao ngày nào cũng sốt hết cả ruột như vậy?”. Tôi cũng đã từng như thế đấy.
Giờ bình tâm nghĩ lại thì tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể giận dữ đến như vậy. Vốn dĩ tôi đã có thể bình tĩnh suy nghĩ nhưng tại sao ngay lúc con có những hành động và lời nói không hay thì tôi lại lập tức nổi giận và quát mắng như một phản xạ.
Phân biệt “nổi giận” và “khiển trách”
Trong tiếng Nhật, có một từ khá giống với từ “nổi giận” (怒る, đọc là Okoru), chính là từ “khiển trách” (叱る, đọc là Shikaru). Cả hai từ đều được dùng để khi đối phương làm điều gì đó không hay và mình muốn họ đừng làm như vậy nữa. Tuy nhiên, nếu xét về mặt ý nghĩa một cách chặt chẽ thì giữa hai từ có sự khác biệt rõ ràng.
Mấy ví dụ ở đầu bài viết này chính là nổi giận. Đây là hành động bày tỏ cảm xúc tiêu cực ra ngoài khi bản thân cảm thấy không thể chịu đựng nổi những bất mãn, khó chịu trong lòng. Trong khi đó, khiển trách lại là hành động chỉ ra một cách dứt khoát điểm không tốt trong lời nói và hành động của cấp dưới hay người nhỏ tuổi hơn.
Nổi giận
Vậy thì, sau khi nổi giận hay khiển trách, chuyện gì sẽ xảy ra? Giả sử khi con làm đổ đồ uống, nếu nổi giận, các bà mẹ thường hay thốt ra những câu như “Làm đổ là xấu lắm!”, “Lại làm đổ nữa rồi! Con lúc nào cũng làm đổ cả!”. Như thế, con sẽ tiếp nhận những câu nói kiểu này như thế nào? Phải chăng chúng sẽ nghĩ rằng “Mình không tốt, mình làm mẹ giận rồi”, “Mình không ngoan, lúc nào cũng làm đổ cả”, hoặc “Mẹ lúc nào cũng nổi giận cả”.
Khiển trách
Còn nếu đó là khiển trách, câu chuyện sẽ diễn tiến như sau. Người mẹ sẽ nói rằng “Con làm đổ nước khiến bộ đồ ngủ của con và cái bàn đều bị ướt rồi kìa, mẹ cảm thấy không vui”, “Để sữa ở gần mép bàn sẽ dễ bị đổ, nên con để sữa vào giữa bàn nhé!”. Lúc này có thể trẻ sẽ nghĩ “Mình không thích áo quần và xung quanh mình bị ướt, làm đổ sữa là việc không tốt”, hay “Thì ra là có cách để không bị đổ sữa (nếu chịu khó một chút thì sẽ tránh được rắc rối)” v.v…
Bạn hiểu rồi chứ? Khiển trách chính là xuất phát từ việc các bậc phụ huynh thầm mong rằng “Con mình sẽ tốt hơn”, “Con mình sẽ không phải gặp rắc rối”.
Khiển trách với 3 nguyên tắc
Trong mắt chúng ta, con cái mình vô cùng đáng yêu, và như một phần của tình yêu thương, chúng ta luôn mong con mình sẽ không làm những việc không tốt, hay sẽ không nói những lời không hay, và khi ấy, việc khiển trách sẽ có tác dụng hơn việc nổi giận. Mặc dù vậy, nhưng cha mẹ cũng là con người, cũng có cảm xúc của mình, khi con cái cư xử không hay thì việc nổi giận là chuyện hoàn toàn bình thường. Những lúc ấy, để hạn chế việc quá nóng giận mà quát tháo con cái, chúng ta nên luyện tập cách khiển trách (tức là cách chỉnh lại hành vi và lời nói không hay của con trẻ) với một tâm thế bình tĩnh.
Có 3 nguyên tắc cần lưu ý.
- Chỉ la rầy về những hành động/lời nói ở thời điểm hiện tại (Ví dụ: “Không được làm đổ đồ uống đâu đấy”, chú ý: nếu bạn nói “Hôm trước con cũng làm đổ kìa” cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đào bới lại thất bại trong quá khứ của trẻ)
- Chỉ la rầy một chuyện (Ví dụ: “Không được làm đổ sữa đâu đấy”, chú ý: đừng nên để ý đến nhiều hành vi không tốt của trẻ cùng một lúc, như chuyện trẻ chống tay lên bàn lúc ăn, chuyện trẻ kén ăn,…)
- Chỉ la rầy về hành động (Ví dụ: “Làm đổ sữa là không tốt đâu con”, chú ý: đừng phủ nhận nhân cách của trẻ bằng những câu nói kiểu như “Con làm đổ sữa rồi, con hư quá”)
Lý thuyết là vậy nhưng khi thực hiện đôi khi bạn sẽ cảm thấy hơi khó. Nhưng các bậc cha mẹ ơi, hãy chỉ bảo, dẫn dắt con để trong tương lai chúng có thể trở thành người mà ai cũng yêu mến nhé!