Các biểu tượng địa phương Nhật Bản – khu vực Chubu (1)

Mỗi địa phương của Nhật Bản đều ghi dấu những nét đặc trưng từ văn hoá, phong tục đến ẩm thực. 47 địa phương ở Nhật Bản mang những biểu tượng đặc trưng khác nhau. Trong bài giới thiệu các biểu tượng địa phương của Nhật Bản hôm nay, chúng tôi sẽ đưa bạn đến quan khu vực Chūbu, vùng đất trung tâm của đảo chính Honshū và cũng là khu vực trung tâm của Nhật Bản!

1. Tỉnh Niigata

Vùng đất đầu tiên mà chúng ta đến là Niigata. Với đường bờ biển trải dài 330km, Niigata có nhiều ngọn núi bao quanh. Nơi đây được ví như là mô hình thu nhỏ của Nhật Bản với địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam được thiên nhiên ưu ái.

Biểu trưng

Biểu trưng của tỉnh Niigata được quyết định vào ngày 23/8/1938, thời Shōwa. Trung tâm là chữ tân tức sự mới mẻ và vòng tròn tượng trưng cho quy mô phát triển của vùng đất này. Với ý nghĩa đó, biểu hiệu của tỉnh Niigata tượng trưng cho sự hoà hợp, phát triển và hy vọng không ngừng của tỉnh Niigata.

Cờ hiệu

Cờ hiệu của tỉnh Niigata được quyết định vào ngày 27/3/1992. Vòng tròn màu xanh biểu tượng cho sự mênh mông của biển cả, phần màu trắng biểu tượng cho sự phát triển nối tiếp của tỉnh Niigata. Cờ hiệu Niigata thể hiện tính quốc tế, tinh thần tích cực và sự phát triển của văn hoá, kinh tế của Niigata. Bên cạnh đó, chính sự phát triển của Niigata sẽ mở ra và lan toả ra khắp nơi.

Hoa

Bạn có biết loài hoa nào được lấy làm hoa biểu tượng cho tỉnh Niigata không? Câu trả lời chính là hoa tulip. Niigata có đất đai màu mỡ và thời tiết khá thuận lợi, là nơi trồng hoa tulip nhiều thứ 2 tại Nhật Bản. Hàng năm khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều lễ hội hoa Tulip được tổ chức khắp Niigata. Tự hào là nơi có sản lượng hoa cắt cành lớn nhất Nhật Bản và xuất khẩu hoa ra nước ngoài, hoa tulip xứng đáng được lấy làm biểu tượng hoa cho Niigata.

Cây

Hoa trà yuki tsubaki được phát hiện lần đầu tiên ở tỉnh Niigata. Trong tiếng Nhật, yuki có nghĩa là tuyết. Yuki tsubaki có sức sống mãnh liệt, trong cái sương giá của tuyết lạnh mùa đông cây vẫn xanh tươi. Đầu tháng 4 là thời điểm yuki tsubaki nở rộ với màu sắc tươi tắn bắt mắt. Chính bởi sức sống tiềm tàng và vẻ đẹp, loài cây này đã trở thành cây biểu tượng cho tỉnh Niigata.

Chim

Loài chim biểu tượng của Niigata có cái tên thật lạ: toki – cò quăm mào Nhật Bản. Đây là loài chim quý hiếm và có vẻ ngoài tuyệt đẹp ở Nhật Bản với những chiếc lông màu hồng phơn phớt nhẹ nhàng. Loài chim này đã bị tuyệt chủng nhưng vào tháng 10 năm 2003, hai bạn chim toki từ Trung Quốc là YoyoYangyang đã đến Niigata, giúp quá trình tăng trưởng nhân tạo và bảo tồn loài chim này được tiến triển.

2. Tỉnh Toyama

Toyama là vùng đất được cả núi và biển ôm ấp cùng những dãy núi trùng điệp. Đây là một tiểu vùng nằm ở vùng Hokuriku thuộc đảo Honshū. Nơi đây nổi tiếng về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và là một điểm đến du lịch hấp dẫn du khách tại Nhật Bản.

Biểu trưng

Tateyama là một rặng núi nổi tiếng và là một trong những cung đường núi đẹp nhất thế giới. Với niềm tự hào về núi Tateyama hùng vĩ, biểu trưng của tỉnh Toyama nổi bật lên hình ảnh núi Tateyama. Mặt khác, chữ to trong tên gọi Toyama cũng được đặt ngay tại trung tâm của biểu hiệu với ý nghĩa nhấn mạnh sự phát triển trường tồn của Toyama.

Hoa

Tulip cũng là loài hoa biểu tượng của Toyama. Vào cuối tháng 4, bạn có thể ngắm nhìn thảm hoa tulip khoe sắc ở khắp nơi, đặc biệt là vùng núi Tonami. Hoa tulip được chọn là biểu tượng hoa của Toyama từ năm 1954.

Cây

Tateyama sugi là cây tuyết tùng Tateyama. Cây này đã được đặt làm cây biểu tượng cho vùng đất Toyama. Cây tuyết tùng ở Toyama thường mọc và sinh trưởng ở các vùng núi, với khu vực trung tâm là núi Tateyama. Chính bởi sức sống dẻo dai, khả năng chịu đựng giá lạnh và băng tuyết, loài cây này mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và trường tồn.

Chim

Raichō chính là ứng cử viên sáng giá cho tên gọi loài chim biểu tượng của Toyama. Từ raichō (雷鳥, lôi điểu) trong tiếng Nhật mang ý nghĩa là loài chim của tia chớp. Chim raichō là một loài chim trong chi họ trĩ. Loài chim này có tên gọi độc đáo chính bởi sự hoạt bát của chúng từ lúc sáng sớm cho đến khi tối trời, bất chấp hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, mưa bão hay gió lớn để tránh khỏi sự truy đuổi của đại bàng. Raichō thường sinh sống ở vùng núi cao.

Cá cam buri buri là loài cá đặc sản của vùng Toyama vì cá được đánh bắt nơi đây có kích thước to hơn những vùng khác, lượng đạm nhiều và phần thịt săn chắc nên cũng hay được dùng làm nguyên liệu cho món sashimi. Toyama là nơi có mùa đông kéo dài nên món lẩu cá Buri rất được mọi người yêu thích bởi hương vị đậm đà và ấm nóng của từng thớ thịt như đang tan chảy trong miệng người thưởng thức. Mực hotaru ika Trong tiếng Nhật, hotaru ika có nghĩa là mực đom đóm. Vịnh Toyama sâu khoảng hơn 1.200m, là nơi sinh sống của mực đom đóm. Đây là loài mực phát sáng duy nhất trên thế giới mà có thể ăn được. Mực đom đóm là một loại mực ống có chiều dài từ 4 – 6cm và thường sinh sản vào tháng 4 hàng năm. Cái tên mực đom đóm được đặt cho loài mực này bởi vì khi bị kích thích nó sẽ phát ra ánh sáng màu xanh.
Cảnh biển về đêm ở Toyama lung linh hơn bởi ánh sáng từ hotaru ika
Tôm trắng shiro ebi Với màu hồng nhạt trong suốt, tôm trắng shiro ebi được mệnh danh là viên ngọc của Toyama vì đây là một loài tôm quý hiếm sinh sống ở vịnh Toyama. Loài tôm này nổi tiếng với vị thanh và vị ngọt tinh tế nên được dùng nhiều trong món sashimi hoặc sushi, hay đơn giản hơn là ăn kèm với một bát cơm mới nấu nóng hổi. Với những điểm độc đáo như thế, tôm trắng shiro ebi đã được chọn vào một trong những loài hải sản biểu tượng cho Toyama. Tỳ linh Nhật Bản Nihon kamoshika Tỳ linh Nhật Bản là loài động vật có vẻ ngoài nửa giống dê nửa giống linh dương và thuộc lớp thú guốc chẵn, thường sinh sống ở những khu rừng thưa ở Nhật Bản. Đây là loại động vật biểu tượng của Nhật Bản và được bảo tồn tại nhiều khu bảo tồn. Tỳ linh Nhật Bản trưởng thành khi đứng sẽ cao khoảng 81cm và cân nặng 30–45kg. Lông có màu đen pha chút trắng, bộ lông mao rậm rạp đặc biệt là phần đuôi. Thức ăn của chúng là lá, chồi và quả sồi.

3. Tỉnh Ishikawa

Tỉnh Ishikawa cũng là một địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản. Chúng ta cùng khám phá biểu tượng của Ishikawa ngay thôi nào!

Biểu trưng

Biểu trưng của tỉnh Ishikawa là đường nét cách điệu từ chữ Hán 石川 tên tỉnh trong tiếng Nhật. Phần màu xanh biểu tượng cho mặt đất, mang ý nghĩa đại diện cho môi trường thiên nhiên trong lành và đầy ưu ái của Ishikawa với thảm cây xanh phong phú, nước sạch, không khí trong lành và biển cả rộng lớn. Biểu trưng của tỉnh được thiết kế từ ngày 1/10/1972.

Khẩu hiệu

Hotto Ishikawa là khẩu hiệu truyền thông, quảng bá du lịch Ishikawa. Khẩu hiệu này gợi nhớ đến những điểm đặc sắc của Ishikawa như sự nồng nhiệt của Ishikawa, sự ấm áp của suối nước nóng, tấm lòng nhiệt tình và hiếu khách hay một Ishikawa đầy thư thái. Đây là một nét độc đáo của Ishikawa so với các địa phương khác vì có biểu tượng truyền thông riêng.

Hoa

Hoa lily đen kuroyuri vinh dự được đài NHK chọn là loài hoa địa phương của tỉnh Ishikawa. Kuroyuri mọc tự nhiên gần Midagahara và Murododaira trên núi Hakusan. Với hình dáng nhỏ nhắn xinh xắn, loài hoa này lại có sức chịu đựng gió tuyết phi thường và khi nở nhìn rất đẹp nên được đông đảo người dân trong tỉnh yêu thích.

Cây

Cây hinoki asunoro, còn được gọi là cây ate, thường mọc ở vùng Hokuriku. Bởi sức bền và đẹp của gỗ cây, ate được sử dụng rộng rãi trong trang trí nội thất, vật liệu xây dựng và vật liệu sơn mài Wajima. Cây ate được chọn là cây biểu tượng cho Ishikawa từ ngày 1/10/1996.

Chim

Thiên nhiên Nhật Bản khá phong phú với nhiều loài động vật thiên nhiên hoang dã. Trong số đó phải kể đến Inuwan, loài đại bàng lớn nhất Nhật Bản sinh sống ở dãy núi Hakusan. Inuwan được chọn là loài chim biểu tượng của Ishikawa vào ngày 1/1/1995 bởi vẻ ngoài uy nghiêm và dũng mãnh, độ dài có thể đạt tới 2m khi sải rộng cánh. Loài chim này tượng trưng cho sự phát triển của Ishikawa.

4. Tỉnh Fukui

Fukui là tỉnh nằm cuối của khu vực Chūbu có phía đông bắc giáp với tỉnh Ishikawa, phía đông nam giáp với tỉnh Gifu là một trong những địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản.

Biểu trưng

Đuợc chọn làm biểu trưng của tỉnh từ tháng 3 năm 1952, đây rõ ràng là hình cách điệu của chữ Fukui (福井). Với hình dáng của những chiếc lá non mọc ra giữa hai chiếc lá, biểu hiệu này chứa đựng mong ước về sự phát triển của tỉnh.

Hoa

Hoa thuỷ tiên suisen là loài hoa đặc trưng cho Ishikawa. Hoa thuỷ tiên sinh trưởng trên bờ biển Echizen hướng ra một vùng biển động vào mùa đông. Đây là một loài hoa đẹp thanh lịch và có hương thơm nhẹ nhàng. Hoa thuỷ tiên thường nở từ cuối tháng 12 đến tháng 2. Trong từ vựng về các loài hoa ở Nhật, cái tên hoa thuỷ tiên gợi nhắc đến sự tôn trọng.

Cây

Cây thông trong tiếng Nhật có gọi là matsu, và đây là một loại cây khỏe, mọc ngay cả ở những vùng tưởng chừng như khô cằn và khó sinh sống như núi đá. Với sức sống tiềm tàng, cây thông là biểu tượng cho tính cách của người dân tỉnh Fukui: mộc mạc và mạnh mẽ.

Chim

Chim tsugumi hay chim hoét lưng hông là một loài chim di cư từ Siberia vượt biển Nhật Bản thường vào cuối mùa thu hằng năm. Tsugumi có kích thước gấp đôi chim sẻ, được chỉ định là loài chim đặc trưng cho Fukui vào tháng 12 năm 1967.

Hải sản

Cua Echizen tại khu vực bờ biển Echizen. Do kích thước đáng nể của mình, loài cua này được gọi là vua của các loài cua. Hương vị đậm đà của chúng sẽ đủ làm bạn cảm thấy lưu luyến khi đến Fukui tham quan. Cua Echizen tự hào là loài cua duy nhất được cống cho Hoàng gia Nhật Bản vào dịp năm mới.

5. Tỉnh Yamanashi

Tỉnh Yamanashi nằm ở chính giữa Nhật Bản, sát bên thủ đô Tokyo. Vùng đất Yamanashi nổi tiếng vì là quê hương của núi Phú Sĩ.

Biểu trưng

Vòng ngoài là hình ảnh kết hợp núi Phú Sĩ và gia huy hình thoi của gia tộc Takeda quyền lực ở vùng này xưa kia, tượng trưng cho quê hương tươi đẹp. Bên trong là ba chữ nhân (人)thể hiện sự hòa hợp và hợp tác giữa thiên thời, địa lợi và nhân hoà. Quả là một biểu trưng với ý nghĩa tốt đẹp.

Cờ hiệu

Cờ hiệu của Yamanashi được chọn từ năm 1966, sử dụng màu nho nhã nhặn biểu trưng cho mặt đất, hình ảnh bên trong tượng trưng cho sự hòa hợp và hợp tác của những người dân hiền hậu trong tỉnh với núi Phú Sĩ làm nền bao quanh tượng trưng cho sự trong lành, mộc mạc và thuần khiết của thiên nhiên. Biểu tượng cờ hiệu là kết tinh cho tinh thần hoà hợp giữa thiên nhiên và con người.

Hoa

Hoa Fuji sakura và núi Phú Sĩ phía xa
Hoa Fuji sakura thường nở từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Đây là những bông hoa e ấp nở và tươi đẹp dẫu phải chịu đựng gió, tuyết khắc nghiệt của núi Phú Sĩ. Fuji sakura tượng trưng cho đất nước Nhật Bản, cho sự kiên nhẫn và kiên cường mạnh mẽ bung nở dẫu hoàn cảnh không thuận lợi.

Cây

Cây phong kaede là một loài cây được trồng nhiều ở Yamanashi. Khi mùa thu đến, kaede thay màu lá đỏ để chuẩn bị vượt qua mùa đông giá lạnh. Đặc biệt, nhiệt độ khoảng 6 – 7 độ C là thời gian lá bắt đầu chuyển màu đỏ. Cảnh sắc mùa thu sẽ thêm lãng mạng và thi vị với sắc lá đỏ.

Chim

Bạn có bao giờ nghe đến cái tên chim chích bụi Uguisu chưa? Đó là một là loài chim thuộc bộ sẻ, họ chích bụi và là loại chim châu Á. Uguisu có màu nâu xám và có chiều dài khoảng 15,5cm. Lông mày màu xanh xám, khoé mỏ cong lên. Loài chim này thường xuất hiện và cất tiếng hót vào lúc thời tiết sang xuân ấp áp. Tuy nhiên, tiếng kêu uguisu lại có tần số thấp. Trong thơ ca Nhật Bản, hình ảnh chim chích bụi khá quen thuộc.

Động vật

Tỳ linh kamoshika cũng được chọn là động vật đại diện cho sự kiên nhẫn và nỗ lực vì nó sống trong thiên nhiên khắc nghiệt của vùng núi Takayama. Tại tỉnh Yamanashi, tỳ linh kamoshika sinh sống trên dãy Alps Nhật Bản phía Nam, Okuchichibu, núi Phú Sĩ, v.v. và được chọn là động vật biểu tượng cho Yamanashi từ năm 1964. Chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm và tìm hiểu hết biểu tượng của 5 địa phương ở Nhật Bản tại khu vực Chūbu. Trong những bài viết tiếp theo, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu thêm biểu tượng của các địa phương khác nữa. Bạn nhớ đón xem thêm nhiều thông tin du lịch của đất nước Nhật Bản xinh đẹp qua chuyên mục Tham quan du lịch nhé!