Gốm sứ địa phương Nhật Bản – khu vực Chugoku – Shikoku
Tiếp nối chủ đề gốm sứ địa phương, trong bài viết này mời các bạn cùng tìm hiểu về gốm sứ khu vực Chugoku và Shikoku. Hãy khám phá xem liệu một Shikoku giàu truyền thống Phật giáo và vùng Chugoku hoài cổ sẽ mang đến những gam màu nào cho thế giới gốm sứ Nhật Bản nhé!
1. Gốm sứ Bizen (tỉnh Okayama)
Tự hào là một trong sáu lò nung cổ (rokkoyo) của Nhật Bản, gốm sứ Bizen (tỉnh Okayama) từ lâu đã nổi tiếng độc nhất vô nhị. Không sử dụng bất kỳ loại men hay sơn nào, tuỳ thuộc vào trạng thái của lò nung mà quá trình chuyển đổi màu sắc và hoa văn sẽ khác nhau nên mỗi một sản phẩm đều là duy nhất. Đây cũng chính là giá trị đặc trưng của gốm sứ Bizen.
Gốm sứ Bizen sử dụng đất sét Hiyose, loại đất sét nguyên thuỷ có giá trị cao, rất ít nơi có thể khai thác được. Các sản phẩm được nung ở nhiệt độ cao trong một đến hai tuần nên có độ bền rất cao, người ta còn hay nói vui rằng gốm sứ Bizen ném cũng không vỡ.
Vì khả năng giữ nhiệt tốt, cốc Bizen thường được dùng uống bia lạnh hay trà nóng. Kết cấu bề mặt với các lỗ nhỏ li ti thông hơi tốt giúp quá trình chuyển đổi trong hương vị men rượu ngon hơn nên các bình gốm Bizen cũng được sử dụng để bảo quản rượu sake.
2. Gốm sứ Hagi (tỉnh Yamaguchi)
Từ xa xưa, gốm sứ Hagi (tỉnh Yamaguchi) đã được các nghệ nhân trà đạo đánh giá cao về kết cấu mềm mại, mộc mạc, giản đơn nhưng không kém phần trang nghiêm, mang vẻ đẹp wabi – sabi. Đây là nét quyến rũ đầy thu hút của gốm sứ Hagi.
Một điểm đặc biệt của gốm sứ Hagi là tính thấm nước, khi đựng trà nước sẽ thấm qua bề mặt và màu sắc sẽ thay đổi dần dần rất độc đáo. Cũng chính vì vậy mà người ta hay gọi gốm sứ Hagi với cái tên thú vị bảy con quái vật của Hagi.
3. Gốm sứ Iwami (tỉnh Shimane)
Gốm sứ Iwami (tỉnh Shimane) được sản xuất từ thời Edo, bấy giờ sản phẩm chủ yếu là chum lớn với kích cỡ như rùa nước. Trong thời kỳ không có nguồn cung cấp nước như ngày nay, những chiếc chum đựng nước là vật dụng cần thiết hằng ngày của mỗi gia đình. Gốm sứ Iwami sử dụng loại đất sét địa phương Tsunozu chịu được axit và men Kimachi tạo ra màu nâu đậm.
Được nung ở nhiệt độ cao, có độ bền tốt và khả năng chịu axit, kháng muối, chống thấm, các sản phẩm gốm sứ Iwami được tin dùng ở khắp nước Nhật. Gốm sứ Iwami thường được dùng để đựng nước và làm chum muối dưa chua, v.v.. Năm 1994, gốm sứ Iwami được công nhận là nghề truyền thống quốc gia của Nhật Bản.
4. Gốm sứ Otani (tỉnh Tokushima)
Với lịch sử phát triển khoảng 230 năm, gốm sứ Otani là sản phẩm tiêu biểu của thành phố thành phố Naruto, tỉnh Tokushima. Loại đất sét làm gốm Otani rất giàu sắt và có kết cấu cứng, cho ra các sản phẩm mang màu ánh kim nhẹ. Đặc điểm của gốm sứ Otani là sự giản đơn, mang hương vị mộc mạc của đất.
Đối với các sản phẩm gốm có kích thước lớn (khoảng chiều cao của người thợ), người ta sử dụng kỹ thuật quay bánh xe độc đáo bằng chân. Tuy kích thước lớn là vậy nhưng tất cả các quy trình đều được thợ làm thủ công tỉ mẫn nên gốm sứ Otani có độ bền cao và hoa văn tinh tế rất thu hút.
5. Gốm sứ Tobe (tỉnh Ehime)
Gốm sứ Tobe được sản xuất ở thị trấn Tobe, quận Iyo, tỉnh Ehime. Vật liệu sử dụng chủ yếu là các loại đất sét có sẵn ở địa phương.
Nhắc đến gốm sứ Tobe – Ehime người ta sẽ nhớ đến các sản phẩm với hoa văn màu xanh lam được vẽ bằng bút lông đậm và những chiếc bình men ngọc được tạo ra từ tro tự nhiên. Những đường nét vẽ tay tinh tế tạo nên nét thu hút riêng của gốm sứ Tobe.
Trong thời kỳ Edo, gốm sứ Tobe là một trong những sản phẩm đồ sứ trắng nổi tiếng. Đến thời kỳ Minh Trị, số lượng sản xuất tăng nhanh chóng và trở thành trung tâm lớn sản xuất bộ đồ ăn gốm sứ xuất đi khu vực Đông Nam Á.
Các sản phẩm có kiểu dáng đa dạng và độ bền cao, rất thích hợp để sử dụng hằng ngày cũng như rửa bằng máy rửa chén. Ngoài ra, đồ gốm Tobe có khả năng chịu nhiệt tốt nên có thể dùng hâm nóng trong lò vi sóng và khó dẫn nhiệt nên có đựng thức ăn nóng vẫn cầm trực tiếp bằng tay được.
Các sản phẩm gốm Tobe ngày nay có hoa văn và màu sắc sáng tạo vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống ngày xưa, nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng và đặc trưng.
Tổng kết
Gốm sứ tại vùng Chugoku và Shikoku mang đến những gam màu giản đơn, ấm áp gợi nhớ về vẻ đẹp hoài cổ của lịch sử địa phương. Trải qua bao thăng trầm, gốm sứ ở các vùng vẫn giữ vẹn nguyên giá trị và đặc trưng riêng của mình theo thời gian.
Đặc biệt, gốm sứ Nhật Bản còn được xuất hiện ở các lễ hội tôn vinh, giới thiệu vẻ đẹp và lịch sử gốm sứ. Hãy cùng WAppuri khám phá thêm về gốm sứ Nhật Bản ở các vùng địa phương khác trong loạt bài viết nhé!