Phân biệt các dạng khiếm thính ở trẻ
“Khiếm thính" là gì?
Khi còn là giáo viên của một ngôi trường chuyên biệt, tôi đã có dịp gặp gỡ các bạn học sinh trung học mắc bệnh “khiếm thính thần kinh giác quan" (hay nói đơn giản là điếc vĩnh viễn).
Có 2 loại khiếm thính: khiếm thính dẫn truyền (do bị tổn thương ở tai trong) có thể chữa khỏi, và khiếm thính thần kinh giác quan tương đối khó chữa.
“Khiếm thính dẫn truyền" là tình trạng mất thính lực mà chúng ta có thể trải nghiệm thử bằng cách lấy tay che tai lại hoặc đeo nút bịt tai. Dạng khiếm thính này xảy ra khi có một số vật cản nằm trên đường dẫn âm thanh từ tai giữa đến ống tai ngoài gây khó khăn cho việc nghe.
Còn đối với “khiếm thính thần kinh giác quan" thì là do có tổn thương ở đường dẫn truyền thần kinh từ tai trong đến não. Tổn thương này không những khiến cho người bệnh cảm thấy âm thanh xung quanh mình rất nhỏ, mà còn khiến cho âm thanh xung quanh họ bị bóp méo đi, dẫn đến việc họ không thể nghe được mọi người xung quanh mình nói gì.
Khiếm thính có thể do bẩm sinh nhưng cũng có dạng khiếm thính do mắc phải, và học sinh của tôi là bị khiếm thính bẩm sinh. Từ khi còn là một đứa bé sơ sinh, có vài người họ hàng nói rằng họ gọi tên em nhưng em không ngoảnh lại, lúc ấy bố mẹ đã đưa em đến bác sĩ tai mũi họng. Và em được chẩn đoán mắc bệnh khiếm thính chỉ vài tháng sau khi sinh.
Cũng ví dụ trên, đối với trẻ nhỏ, đôi khi chúng ta không biết được đâu là nguyên nhân khiến trẻ không có phản ứng với âm thanh, có thể trẻ nghe thấy âm thanh nhưng không hiểu nên không phản ứng lại (khả năng phản ứng phụ thuộc và tỷ lệ thuận với khả năng hiểu), hoặc có thể trẻ không nghe thấy nên không phản ứng (sống trong một thế giới không có âm thanh nên dù có muốn phản ứng lại cũng không thể phản ứng được).
Phát hiện khiếm thính cũng không hề dễ
Đối với những người mắc bệnh điếc bẩm sinh, việc “khó nghe" hoặc “không nghe thấy" là điều đương nhiên, việc có thể nghe thấy rõ ràng hầu như là một trải nghiệm họ chưa từng có. Vì vậy mà họ không thể nói rằng mình không nghe rõ được. Không chỉ vậy, trẻ em có xu hướng phán đoán, học hỏi và hành động từ thông tin trực quan mà chúng thu được bằng cách nhìn vào nét mặt, cử chỉ và tình huống của những người xung quanh. Nói cách khác, chính thị lực đã bổ trợ cho thính lực. Có nhiều khi âm thanh không rõ ràng đi chăng nữa thì người ta vẫn có thể nói lại được bằng cách bắt chước các âm thanh trong phạm vi họ nghe được.
Do đó, thật khó để nhận thấy thính giác của con trẻ có điểm bất thường và cũng không hiếm trường hợp người ta không phát hiện được trẻ có vấn đề về thính giác cho đến khi chúng lớn lên.
Nếu tình trạng khiếm khuyết thính giác không được phát hiện, trải qua một khoảng thời gian dài, người mắc bệnh sẽ trở nên khó tiếp thu ngôn ngữ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống. Càng phát hiện ra bệnh sớm chừng nào và có biện pháp điều trị thích hợp, lắp đặt máy trợ thính v.v… người bệnh sẽ càng có khả năng tiếp thu ngôn ngữ cao chừng ấy.
Hãy quan sát con trẻ
Nếu phát hiện trẻ gặp tình trạng như không phản ứng lại với tiếng gọi hoặc âm thanh TV, không bắt đầu bập bẹ nói khi được khoảng 1 tuổi, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ tai mũi họng ngay lập tức. Cứ 1000 trẻ thì có khoảng 1 trẻ mắc bệnh khiếm thính với cả hai tai. Có thể nói khiếm thính được xem là căn bệnh có tần suất xuất hiện nhiều hơn so với các bệnh bẩm sinh khác.
Thính lực của chúng ta bắt đầu suy giảm ở độ tuổi ba mươi, mỗi một tuổi trôi qua chúng ta lại ngày càng khó nghe rõ hơn. Bước qua 65 tuổi, chúng ta rất hay mắc phải bệnh “khiếm thính của người cao tuổi". Bệnh này là một dạng hỗn hợp của “khiếm thính thần kinh giác quan" và “khiếm thính dẫn truyền". Ngay cả những người lúc trẻ có khả năng nghe rất tốt, đến khi lớn tuổi cũng sẽ dần sống trong một thế giới có âm thanh không còn rõ ràng nữa. Và rồi “khiếm thính" đã trở thành một triệu chứng quen thuộc khi về già.