Cần lưu ý gì khi bắt đầu cho bé ăn dặm?
1. Khi nào bé có thể bắt đầu ăn dặm?
Phụ huynh đã có thể cho bé ăn dặm khi thấy con đã tự giữ vững được cổ và có hứng thú với thức ăn khi thấy người lớn ăn.
Thường thì thời điểm có thể cho bé bắt đầu việc ăn dặm là khi bé được 5 – 6 tháng tuổi. Người Nhật gọi đây là “thời kỳ nuốt" (Gokkun-ki) vì ban đầu phải tập cho trẻ quen với việc nuốt.
2. Bắt đầu như thế nào?
Ăn khi nào?
Hãy để bé thử món ăn mới vào các buổi sáng trông tuần nhé. Vì ngộ nhỡ bé bị dị ứng, phát ban thì còn đi khám ngay được.
Bạn cũng đừng trộn lẫn món bé lần đầu ăn với món mà nên cho bé thử riêng từng món. Điều này giúp bạn dễ dàng xác định được yếu tố gây dị ứng nếu xảy ra dị ứng thực phẩm.
Ngoài ra, hãy chọn thời điểm khi trẻ khỏe mạnh, vui vẻ và đói (cách vài tiếng kể từ lần bú mẹ hay sữa công thức gần nhất).
Trình tự ăn dặm
Bắt đầu thôi nào! Hãy ổn định tư thế của trẻ bằng cách đặt bé trên ghế em bé hoặc bế trẻ trên đùi của người lớn. Hãy bắt đầu với 1 muỗng mỗi lần, mỗi ngày 1 lần. Vì tò mò nên trẻ có thể sẽ trông như muốn nói “Ăn nữa, ăn nữa". Thế nhưng chức năng tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Nếu bạn cho trẻ ăn nhiều muỗng thì trẻ có thể bị tiêu chảy hay nôn nên hãy cứ từ từ từng chút một thôi nhé.
Đặt thìa dùng để ăn dặm (múc thức ăn ít, không đầy muỗng) lên môi dưới của bé và chờ cho bé tự ngậm lấy. Khi muỗng đã ở trong miệng trẻ, hãy từ từ kéo muỗng ra theo phương ngang. Một số bé ngay lập tức nhè ra do ngạc nhiên bởi phát hiện đó không phải là sữa mẹ hay sữa công thức. Nếu vậy đừng nôn nóng mà hãy thử lại vào ngày khác nhé.
Bắt đầu với món cháo 1:10
Bữa ăn dặm nên bắt đầu với thức ăn dạng súp ít lợn cợn, ít kết dính để cho trẻ có di chuyển lưỡi qua lại và tập được kỹ năng nuốt.
Các bà mẹ ở Nhật được khuyên bắt đầu với món cháo loãng mang tên “cháo 1:10 (tỉ lệ gạo và nước là 1:10)" với 25g gạo nấu với 300cc nước. Nấu cháo từ gạo sống khá là cực nên bạn có thể lấy 1 muỗng lớn cơm nấu cho người lớn, thêm vào 5 muỗng lớn nước rồi cho vào lò vi sóng nấu trong 1 phút là được. Miễn là cháo mịn đến mức không nhìn thấy hạt gạo nữa.
Cứ nấu mỗi ngày từng muỗng cháo một thì khá là cực. Tôi nấu một lần trong một cái nồi nhỏ, làm nguội và đông lạnh chúng thành các khối trong một cái khay đá. Như vậy tiện hơn nhiều vì bạn có thể rã đông từng khối và dùng ngay.
Vào ngày đầu tiên, hãy cho bé ăn 1 muỗng cháo 1:10, ngày thứ 2 cũng 1 muỗng. Ngày thứ 3 và ngày thứ 4 là 2 muỗng… cứ như thế cách 1 ngày lại tăng lượng cháo lên.
3. Cẩn trọng với gia vị
Có một điều tôi băn khoăn khi cho trẻ ăn dặm là “Chẳng biết ăn thứ nước súp vô vị này con có thấy ngon không?". Tôi đoán trẻ cảm thấy sữa ngon vì có vị ngọt thanh, trong khi cháo 1:10 thì vị cứ như nước nóng vậy. Tôi đoán “Con sẽ không thích đồ ăn dặm vô vị đâu nhỉ?".
Tuy nhiên, chỉ đến khi khoảng 8 tuổi, chức năng nội tạng của trẻ mới hoàn thiện để trẻ có thể ăn như người lớn. Tôi đã biết rằng đối với trẻ sơ sinh, phải có lượng thức ăn và lượng gia vị phù hợp với sự phát triển thể chất của trẻ, dù cho đối với người lớn thì vị nhạt như thế thì không đủ.
Ăn dặm là bước đi đầu tiên của việc “ăn". Bạn hãy để cho trẻ biết được hương vị vốn có của thực phẩm mà tạm gác lại việc nêm nếm nhé!