Tư thế ngồi của con bạn có đúng chưa?
Hồi tôi còn là một thành viên hỗ trợ giáo dục đặc biệt ở trường tiểu học, tôi đã luôn lo lắng về 1 điều khi nhìn các em ngồi học trong giờ. Đó chính là “tư thế xấu" của các em. Các giáo viên chủ nhiệm thi thoảng vừa hô “Tư thế!", “Thẳng lưng lên!" vừa giúp các em chỉnh lại tư thế ngồi đúng. Hóa ra không chỉ có tôi là lo lắng về tư thế ngồi xấu của các em.
Các tư thế ngồi chưa đúng và tác hại
Theo 1 khảo sát, tỷ lệ giáo viên trả lời rằng họ “cảm thấy rằng ngày càng có nhiều trẻ em có tư thế xấu" đã tăng từ 44% vào năm 1979 lên 75 % vào năm 2005.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các tư thế xấu, chẳng hạn như lưng mèo (猫背, đọc là “nekoze", chỉ tình trạng người cúi về phía trước với lưng cong tròn) và bắt chéo chân (tình trạng 1 chân tựa vào đầu gối còn lại, bắt chéo nhau) là do “biến dạng vùng xương chậu" và “thiếu sức lực cơ bắp". Thế nên “cho dù bạn có chỉnh sửa tư thế xấu đến thế nào, nhưng lại không loại bỏ được biến dạng vùng xương chậu và tăng cường sức lực cơ bắp thì tư thế cũng không được cải thiện".
Ngày qua ngày, biến dạng vùng xương chậu sẽ chuyển biến xấu, dẫn đến gây đau lưng, đau hông, đau đầu gối v.v… Không chỉ có vậy, tư thế nghiêng về phía trước sẽ nén các cơ quan nội tạng và ức chế hoạt động của các cơ quan, từ đó sẽ cản trở việc tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng. Thật nguy hiểm khi xem nhẹ tư thế xấu theo kiểu “chỉ là tư thế thôi mà".
Ngoài ra, trong những năm gần đây tại Nhật Bản, với sự phổ biến của máy chơi game tại nhà và điện thoại thông minh, cũng như việc thu hẹp các khu vui chơi ở các không gian mở khiến trẻ em ngày càng ít ra ngoài chơi. Điều này dường như đã khiến cho trẻ em ngày nay bị giảm sức mạnh cơ bắp.
Có vẻ như tư thế sai cũng ảnh hưởng xấu đến việc học nữa. Tôi đã dạy hơn 1000 học sinh trung học, và cảm thấy rằng những học sinh có tư thế tốt trong lớp có nhiều khả năng đạt điểm cao trong các bài kiểm tra. Điều này cũng khá hợp lý. Nếu trẻ có tư thế xấu với cột sống nghiêng về phía trước, oxy sẽ khó đến được não, dẫn đến thở nông và lưu lượng máu kém. Điều này có thể làm chậm suy nghĩ của trẻ. Tư thế xấu cũng có thể phá vỡ sự cân bằng của hệ thần kinh tự trị, gây cảm giác bực bội và bồn chồn, làm mất khả năng tập trung của trẻ khi học.
Ở trường tiểu học của con trai tôi, các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên kiểm tra tư thế của trẻ và điều chỉnh độ cao của ghế thường xuyên để chúng có thể học tập trong tư thế tốt.
Cần làm gì để giúp con ngồi đúng tư thế?
Vậy tư thế con bạn ngồi làm bài tập ở nhà có đúng không? Trước hết, bạn hãy chuẩn bị 1 chiếc ghế vừa đủ cao để chân con chạm sàn nhà khi ngồi xuống. Nếu con vẫn còn nhỏ, hãy điều chỉnh bằng cách đặt 1 cái gối dựa (ở Nhật thì có gối “zabuton", 1 chiếc nệm nhỏ được sử dụng để ngồi từ xa xưa) giữa ghế và mông.
Và cột sống con bạn có kéo căng ra để lưng tựa vào giữa lưng ghế không? Cũng không nhất thiết phải ngả lưng ra giữa lưng ghế, nhưng quan trọng là trẻ phải ý thức và nhận biết được là lưng mình có dựa vào giữa lưng ghế hay không thì trẻ mới ngồi với xương hông thẳng đứng được. Hãy để khoảng cách giữa bàn và bụng hoặc ngực được vừa đủ để 1 nắm tay chen vào được nhé.
Thường thì rất khó để tự kiểm tra tư thế đứng hay ngồi, vì thế các bậc phu huynh phải luôn để ý và kiểm tra tư thế của con mình! Không chỉ trong lúc học mà hãy cùng giúp con có tư thế tốt bằng cách lưu ý con về tư thế lúc ngồi ăn, hay tư thế lúc đúng chờ tàu hay xe buýt mỗi khi ra ngoài, hay bất cứ lúc nào bạn thấy tư thế của con không đúng.