Bí quyết khiển trách con trẻ một cách hiệu quả
Thế nào là khiển trách?
Trước tiên chúng ta cần phân định rõ đâu là “nổi giận”, đâu là “khiển trách”.
Trong bài viết trước, tôi đã đề cập đến sự khác biệt này.
Bạn đang “nổi giận" (怒る) hay “khiển trách" (叱る) con? Cùng xem sự khác biệt nhé!
“Nổi giận" là hành động tình cảm thể hiện sự không hài lòng hoặc khó chịu của 1 người. Còn “khiển trách" là chỉ ra điểm không tốt trong hành động của người có vai vế thấp hơn (hay ít tuổi hơn) và chê trách (bắt lỗi, chỉ trích) người đó. Nói 1 cách dễ hiểu thì “nổi giận" sẽ nhấn mạnh vào cảm xúc của chính bạn, còn “khiển trách" sẽ nhấn mạnh hành vi và cảm xúc của đối phương.
Lần này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về “khiển trách", điều mà các bậc cha mẹ ai cũng làm hàng ngày nhé!
Ghét tội lỗi chứ đừng ghét người có tội
Dù tôi có thâm niên gần 10 năm nuôi dạy con nhưng ngay cả đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn phải tự nhìn lại, hoặc hối hận rằng: “Cách khiển trách này của mình có tốt không?", “Phải chăng lần đó mình khiển trách con chỉ là để bộc lộ cảm xúc giận dữ của bản thân?". Tất nhiên, tôi cũng không định trở thành 1 vị “phụ huynh hoàn hảo" đâu. Vì con người vốn dĩ là những thực thể không hoàn hảo, nên tôi cho rằng mọi thứ liên quan đến con người cũng không thể hoàn hảo được. Thế nhưng chỉ đối với những thứ liên quan đến con cái thì hầu như ai cũng muốn mình “trở thành phụ huynh tốt", phải không nào?
Chính trong sự mâu thuẫn như thế, tôi vẫn đang áp dụng điều sau đây trong việc khiển trách. Đó là “ghét tội lỗi chứ đừng ghét người có tội".
Câu này của Khổng Tử – 1 nhà tư tưởng Trung Quốc cổ đại – và câu này cũng được đề cập trong cả Kinh thánh. Trẻ em vốn chưa trưởng thành và chúng sẽ lớn lên thông qua những thất bại phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Đầu tiên, hãy nhớ rằng việc trẻ cư xử không tốt dưới góc nhìn của bố mẹ là điều hết sức bình thường. Chẳng hạn như những hành vi nguy hiểm hay những hành động làm phiền người khác.
Tuy nhiên, bố mẹ phải dạy cho trẻ biết những điều “không được làm" và những điều “không nên làm". Khi khiển trách, hãy hướng sự chú ý của trẻ vào những “hành vi" mà trẻ lỡ làm. Điều quan trọng là không đổ lỗi cho tính cách của trẻ là “Con hư quá!", hay nhai lại chuyện cũ rằng “Lúc trước con cũng vậy" mà phải cho trẻ hiểu được là trẻ “không được làm" hành động vừa rồi nữa. Hãy khiển trách trẻ 1 cách ngắn gọn và đơn giản. Sau đó, hãy thay đổi cảm xúc rồi mới tiếp cận lại với trẻ.
Thay đổi cách khiển trách – theo độ tuổi của trẻ
Cho đến lúc trẻ khoảng 1 tuổi, bạn chỉ cần nói “không được làm vậy" với nét mặt và cử chỉ của mình thôi là đủ. Tôi đã cho con thấy vẻ mặt buồn bã hay tức giận của mình, hoặc đưa tay làm dấu X trước mặt con kèm theo lời nhắc nhở “không được!".
Khi con tôi 2 tuổi, cũng là thời kỳ “bắt đầu biết cãi" nên số lần dù tôi có nói “không được" thì bé cũng không chịu nghe dần tăng lên, làm tôi khá đau đầu không biết nên khiển trách con kiểu gì. Tôi đã giúp con từ bỏ những hành vi không mong muốn bằng cách ngay lập tức tiếp nhận cảm xúc của trẻ và ngăn cản “Mẹ biết là con muốn làm thế nhưng mà nó nguy hiểm lắm!", rồi hướng trẻ tới những hoạt động khác (như chỉ vào chỗ vui chơi khác, hoặc rời khỏi chỗ đang đứng).
Cứ như thế, khi bé lớn hơn, tôi sẽ khiến trách bé theo cách mà bé tự thấu hiểu được bằng cách gia tăng giải thích bằng lời nói, chẳng hạn như “Con không được làm vậy, bởi vì…".
Lời kết
Tôi vẫn luôn thay đổi nhiều cách khiển trách theo từng giai đoạn phát triển của con, nhưng điểm mấu chốt luôn chỉ một. Đó chính là “ghét tội lỗi chứ đừng ghét người có tội" mà tôi đã nói ở trên.
Tôi cho rằng “khiển trách" chính là một trong những phương tiện để hướng dẫn những đứa con quý giá của chúng ta học cách tự bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người khác, và nhờ đó sẽ không gặp rắc rối khi sống trong xã hội.