[minimalism] Sự khác biệt giữa “đơn giản” và “tối giản”?
Minimalism – triết lý tối giản với phương châm ít hơn để hạnh phúc hơn (less is more) đã mang lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống của nhiều người, được áp dụng cả trong đời sống xã hội và nghệ thuật. Với sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội như ngày nay, xu hướng tối giản đã phổ biến trên toàn thế giới. Thế nhưng trong chúng ta vẫn còn không ít điều chưa thật sự hiểu rõ, thậm chí nhầm lẫn về lối sống tối giản minimalism.
Chẳng hạn bạn đã bao giờ thắc mắc tự hỏi liệu sự khác biệt giữa sống “đơn giản” và “tối giản” là gì chưa? Mời bạn cùng WAppuri tìm hiểu thử nhé!
Đơn giản
Đơn giản (simplism) là khuynh hướng đơn giản hoá các vấn đề trong cuộc sống. Người theo khuynh hướng này theo đuổi một cuộc sống giản đơn, sắp xếp và cân bằng mọi thứ xung quanh bằng cách đơn giản hoá các yếu tố cuộc sống, không đặc biệt liên quan đến việc có lựa chọn sở hữu ít hơn hay không.
Một số đặc điểm thường thấy của người sống đơn giản:
- Rất giỏi trong việc dọn dẹp
- Quan trọng nội thất và thiết kế
- Chú trọng sự đồng nhất trong màu sắc
- Không quá khắt khe về số lượng đồ đạc (đồ đạc có thể nhiều nhưng không cảm thấy ngộp, vẫn xoay sở sắp xếp, cất gọn được)
Tối giản
Nói dễ hiểu thì tối giản là loại bỏ rác và chỉ giữ lại giá trị. Rác là những đồ vật, những điều không thực sự cần thiết, những thứ tốn kém thời gian, công sức để có được, để duy trì và thường không thực sự mang lại giá trị cho bản thân. Đó có thể là những mối quan hệ không thực chất, mang lại cảm giác mệt mỏi, cảm xúc tiêu cực, v.v.. Còn giá trị là những thứ bạn cảm thấy thật sự mang lại giá trị đối với bản thân mình. Đương nhiên cái gì là cần thiết hay không cần thiết chỉ mang tính tương đối, tuỳ mỗi cá nhân và thậm chí tuỳ từng thời điểm, hoàn cảnh, v.v..
Nhìn chung trong xu hướng tối giản yếu tố chính để tạo nên cuộc sống hạnh phúc là sở hữu ít hơn để nhường chỗ cho những điều mang lại niềm vui. Nói cách khác là bớt thời gian, tâm sức dàn trải cho hầu hết mọi thứ mà chỉ tập trung vào một số ít những thứ có giá trị, có ý nghĩa với mình mà thôi.
Một vài ví dụ về tối giản đồ đạc trong cuộc sống hằng ngày:
- Quần áo, giày dép chỉ giữ lại vài bộ ưng ý nhất, mặc thường xuyên
- Vật dụng không dùng nữa thì cho đi, tái sử dụng
- Điện thoại chỉ cài một vài app thật sự cần thiết
- Không chạy theo các chương trình khuyến mãi, không mua theo cửa hàng bán mà chỉ mua theo nhu cầu của bản thân
Sự khác biệt giữa “đơn giản” và “tối giản”?
Trong thực tế khuynh hướng đơn giản và tối giản tương đối khó phân biệt và thường bị nhầm lẫn với nhau.
Thoạt nhìn, bạn có thể tưởng một người bạn nào đó sống tối giản vì đồ đạc của họ rất gọn gàng và ngăn nắp. Nhưng đó là bởi vì họ thích sự gọn gàng và sắp xếp mọi thứ một cách thống nhất, chẳng hạn như tất cả nội thất trong nhà là màu nhạt, màu trắng, v.v.. Hoặc bạn có thể thấy một người bạn theo khuynh hướng tối giản có thể dành nhiều thời gian, tâm sức hơn để suy xét chọn lựa trong nhiều cái để quyết định một và chỉ một cái thực sự phù hợp ngay từ đầu thay vì đơn giản chọn một cái bất kỳ. Vậy mục tiêu hướng đến có thể là khác nhau.
Số lượng đồ đạc
Những người sống tối giản thường tập trung vào việc cắt giảm số lượng đồ đạc không cần thiết, chỉ giữ lại những gì thật sự cần, nhất là nhiều món thuộc cùng một chủng loại, cùng thực hiện một chức năng nào đó thì chỉ cần một (vài) cái mà thật tốt, thật ưng ý (chất lượng hơn số lượng).
Người đơn giản cũng hạn chế đồ đạc ở một mức độ nào đó, nhưng không đặc biệt tìm cách giảm bớt mà thay vì vậy họ hướng đến một không gian sạch sẽ, gọn gàng hơn, trong đó tính thống nhất, hài hoà chung có lẽ được chú trọng hơn số lượng và từng món đồ cụ thể.
Tính thống nhất
Người sống tối giản thường không quá quan tâm đến màu sắc hay thiết kế của đồ dùng mà chú trọng giá trị nó đem lại cho mình: giá trị sử dụng (tốt nhất, đa năng nhất trong các thứ cùng loại?), giá trị cảm xúc (thương hiệu mình tin dùng, mới nhìn đã thấy thích hay vừa ý mình nhất mặc dù có thể không hợp trào lưu), thậm chí cả giá trị kinh tế. Mặc khác, vì mỗi lĩnh vực đời sống đã tối giản chỉ còn một (vài) món nên tính thống nhất giữa các món không được đặt nặng.
Người sống đơn giản lại có khuynh hướng yêu thích sự thống nhất, hài hoà của mọi thứ xung quanh từ màu sắc, thiết kế hay quần áo, v.v. tất cả như hợp lại thành một tổng thể chung, một hình ảnh nhất định về chủ nhân.
Khuynh hướng sắp xếp
Những người sống đơn giản tìm thấy niềm vui trong những thứ quanh mình và có xu hướng sở hữu nhiều thứ hơn so với người sống tối giản nhưng những thứ này đều được chọn lựa, sắp xếp cẩn thận, gọn gàng, hướng đến tính thống nhất, đến cảm giác hài hoà của môi trường sống.
Còn những người sống tối giản vì đã quá ít đồ đạc nói chung cũng như nói riêng trong từng hạng mục nên không mấy bận tâm đến vấn đề sắp xếp đồ đạc. Có thể nói hệ quả của việc ra sức tối giản ngay từ đầu là họ dần không còn bao nhiêu đồ đạc để phải dành thời gian thỉnh thoảng sắp xếp, dọn dẹp lại. Họ cảm thấy tâm hồn thênh thang giữa môi trường gần như không có gì thừa thải, không phải dành thời gian suy nghĩ về những thứ không thiết yếu, không buồn nghĩ mà dành phần lớn thời gian, tâm sức vào số ít những thứ, những điều có ý nghĩa nhất với mình mà thôi.
Có cần phải phân biệt “đơn giản” và “tối giản” không?
Dù sao những nhận xét trên cũng chỉ là những phương diện bề mặt, dễ thấy nhất. Trong thực tế ranh giới giữa “đơn giản” và “tối giản” không rõ ràng như vậy mà như một thang giá trị nhiều mức độ. Cũng có quan niệm rằng đơn giản thật ra cũng là một phần, một bước của tối giản và tối giản chính là đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn nữa.
Nếu như bạn muốn sống đơn giản nhưng không tìm cách giảm bớt đồ đạc, liệu bạn có thể sống đơn giản được không? Sự hài hoà, tính thống nhất không yêu cầu sự tối giản nhưng cũng khó lòng đạt được với vô thiên lủng các món đồ đạc đến nỗi bản thân không thể nhớ hết để sắp xếp, sử dụng.
Vậy mấu chốt nằm ở chỗ chính mình quản lý, tự mình làm chủ được (đồ đạc và số lượng của nó). Và trên hết là thời gian – thứ hữu hạn và đồng đều với tất cả mọi người bất kể xuất thân, hoàn cảnh sống. Với lượng thời gian hữu hạn, chúng ta muốn dành nhiều thời gian hơn cho điều chúng ta quan tâm thì buộc phải bớt thời gian ở những chỗ khác: thời gian cho những vật dụng, những thứ, những điều không cần thiết.
Suy cho cùng, cái gì là cần thiết, cái gì là dư thừa, cái gì là đơn giản, cái gì mới là tối giản, v.v. đều phụ thuộc vào quan niệm mỗi người. Vậy nên sự phân biệt này chỉ mang tính tham khảo, để làm rõ thêm cả hai khuynh hướng chứ không nhằm kẻ một đường thẳng rạch ròi giữa hai bên.
Tổng kết
Dù bạn là người sống theo khuynh hướng gì thì quan trọng nhất vẫn là lắng nghe bản thân mình và đừng quá câu nệ vào các khuôn khổ, định nghĩa, tên gọi, v.v. bởi mục đích của cuộc sống chính là bản thân được vui vẻ, an yên, hạnh phúc.