tác phẩm Higashino Keigo

Những tác phẩm Higashino Keigo đã xuất bản tại Việt Nam (3) – Thể loại tâm lý xã hội

Ở Việt Nam, Higashino Keigo thường được biết đến qua các tác phẩm thuần trinh thám (đã được giới thiệu ở kỳ 1kỳ 2). Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện mình là một cây bút tâm lý xã hội xuất sắc, thường xuyên lồng ghép các vấn đề nổi bật, gây tranh cãi trong xã hội vào những đứa con tinh thần của mình, đặt ra những câu hỏi khó trả lời khiến độc giả phải suy ngẫm.

Hôm nay WAppuri sẽ cùng các bạn khám phá một vài tác phẩm tâm lý xã hội tiêu biểu của Keigo đã được xuất bản ở Việt Nam nhé!

1. Bí mật của Naoko

Bí mật của Naoko
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Himitsu (秘密)
Năm xuất bản ở Nhật: 1998
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2011 (Nhã Nam)

Mua sách: Tiki, Fahasa, Shopee, Lazada

Một tai nạn xe khách chở người đi trượt tuyết xảy ra ở tỉnh Nagano đã đẩy Heisuke rơi vào tận cùng tuyệt vọng: người vợ Naoko qua đời, cô con gái Monami mới 11 tuổi thì rơi vào hôn mê và có nguy cơ sống thực vật. May mắn thay Monami đã nhanh chóng bình phục. Thế nhưng lời đầu tiên cô bé nói sau khi tỉnh dậy lại khiến Heisuke bàng hoàng: Em không phải là Monami, là em đây, Naoko đây.

Một câu chuyện hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản Nhật và hình ảnh búp bê kokeshi trong bìa tiếng Việt chắc hẳn là để minh hoạ cho điều này.

Là tác phẩm thứ hai của Keigo được xuất bản ở Việt Nam, Bí mật của Naoko đã cùng với người tiền bối Phía sau nghi can X thu về một lượng fan Việt đáng kể, mở màn cho cơn sốt Keigo về sau này. Câu truyện hoàn toàn không có yếu tố trinh thám mà đầy những tình tiết tâm lý nặng nề, éo le. Gấp sách lại, độc giả sẽ phải day dứt với câu hỏi: nên sống vì bản thân mình hay chấp nhận hi sinh hạnh phúc vì người khác.

Bên cạnh đó, tác phẩm còn nói về vấn nạn tài xế xe khách đường dài thường xuyên bị bóc lột sức lao động, khiến họ kiệt sức, dễ gây ra những tai nạn không mong muốn, để lại những nỗi đau không thể xoá nhoà cho gia đình các nạn nhân cũng như bản thân gia đình người tài xế.

Bungei Shunju 2001
Bìa bản tiếng Nhật của Bungei Shunju 2001 (ảnh: amazon.co.jp)

2. Đơn phương

Kataomoi
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Kataomoi (片想い)
Năm xuất bản ở Nhật: 2001
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2019 (Đinh Tị)

Mua sách: Tiki, Fahasa, Shopee, Lazada

Trên đường về nhà sau buổi họp mặt với bạn bè cùng câu lạc bộ bóng bầu dục thời đại học, Tetsuro tình cờ gặp Mitsuki – cô nàng cựu quản lý câu lạc bộ. Mái tóc ngắn cùng giọng nói khàn khàn khác lạ của bạn khiến Tetsuro vô cùng bất ngờ, và anh càng bất ngờ hơn khi nghe Mitsuki thú nhận: Tớ đã giết người.

Đơn phương kể về những con người bị giằng xé bởi định kiến giới tính của xã hội, phải đánh đổi cả danh tính để được sống thật với bản thân. Tác phẩm viết từ năm 2001 nên những kiến thức giới tính trong sách đôi chỗ còn mơ hồ và thiếu sót so với ngày nay, nhưng Keigo vẫn cho thấy mình đi trước thời đại khi dùng dải băng Mobius để thể hiện quan điểm độc đáo của ông về giới tính. Độc đáo như thế nào thì các bạn hãy đọc sách để tự mình chiêm nghiệm nhé!

Tác phẩm này còn đề cập đến định kiến về vai trò của người phụ nữ trong hôn nhân, lồng ghép những câu chuyện về tình bạn thông qua bộ môn bóng bầu dục.

Bìa bản tiếng Nhật của Bungei Shunju 2004
Bìa bản tiếng Nhật của Bungei Shunju 2004 (ảnh: amazon.co.jp)

3. Thư

Tegami
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Tegami (手紙)
Năm xuất bản ở Nhật: 2003
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2019 (IPM)

Mua sách: Tiki, Fahasa, Shopee, Lazada,

Anh trai Tsuyoshi của Naoki vì muốn có tiền cho em ăn học mà lỡ tay giết người, kết quả là bị bắt. Không còn trụ cột chống đỡ về kinh tế, Naoki đành phải vừa học vừa làm. Nhưng chuyện có anh trai tù tội và những định kiến của người đời khiến cuộc sống của Naoki chẳng hề dễ dàng.

Sau khi chuyển đến trại giam Tokyo, Tsuyoshi bắt đầu viết thư cho Naoki hàng tháng, kể về cuộc sống của mình trong tù và không quên hỏi han Naoki. Những lá thư ấy khiến Naoki khó chịu và cậu quyết định phớt lờ…

Thư là một tác phẩm thuần tâm lý, cho độc giả cái nhìn đa chiều về mảnh đời của một gã hung thủ, người nhà hung thủ, người nhà nạn nhân và đặc biệt là thái độ của xã hội, của người đời dành cho những kẻ trong cuộc. Tác phẩm gây tiếng vang lớn tại Nhật và đã hai lần được dựng thành phim.

Bìa bản tiếng Nhật của Bungei Shunju 2006 (ảnh: amazon.co.jp)
Bìa bản tiếng Nhật của Bungei Shunju 2006 (ảnh: amazon.co.jp)

4. Trước khi nhắm mắt

Daiingu Ai
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Dying Eye (ダイイング・アイ – Daiingu Ai)
Năm xuất bản ở Nhật: 2007
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2018 (Đinh Tị)

Mua sách: Tiki, Fahasa, Shopee, Lazada

Cậu nghĩ trong một năm có bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông? Mười nghìn người đấy. Số người bị thương nhưng giữ được mạng lại gấp mấy lần số đó

Cuộc đời vốn dĩ đang hạnh phúc đột nhiên phải kết thúc. Cuộc sống đáng lẽ sẽ kéo dài thêm vài chục năm nữa, vậy mà tại sao và vì ai mà lại thành ra cơ sự này?

Ngay cạnh công viên Kiyosumi, Tokyo đã xảy ra một tai nạn giao thông thảm khốc. Nạn nhân Minae trước khi chết đã nhìn chằm chằm kẻ lái xe bằng ánh mắt tràn ngập lửa hận. Một năm rưỡi sau, chồng Minae tấn công Shinsuke – kẻ gây tai nạn, rồi tự sát. Shinsuke không chết nhưng mất một phần trí nhớ về vụ tai nạn. Những ký ức mơ hồ còn sót lại khiến hắn tò mò, quyết định lật giở lại quá khứ.

Tai nạn giao thông gây ra nỗi đau khôn cùng cho gia đình người bị hại. Còn những kẻ bất cẩn gây lỗi lầm liệu sẽ ôm cảm giác day dứt được bao lâu?

Bìa bản tiếng Nhật của Kobunsha 2011 (ảnh: amazon.co.jp)
Bìa bản tiếng Nhật của Kobunsha 2011 (ảnh: amazon.co.jp)

5. Hoa mộng ảo

Mugenbana (夢幻花)
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Mugenbana (夢幻花)
Năm xuất bản ở Nhật: 2013
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2017 (Nhã Nam)

Mua sách: Tiki, Shopee, Lazada

Năm 1962, trên đường phố Meguro xảy ra một vụ thảm sát đẫm máu: một gã thanh niên cầm kiếm Nhật đâm bất cứ ai hắn gặp trên đường. 50 năm sau, em họ của Rino lao ra khỏi cửa sổ tự sát. Sau đó lại đến ông nội cô bị sát hại tại nhà riêng, một chậu hoa màu vàng trong vườn không cánh mà bay…

Tuy tựa đề có chút thơ mộng, Hoa mộng ảo lại đề cập đến nhiều vấn đề xã hội: tài năng và ước mơ, tình thân trong gia đình, trách nhiệm kế thừa gia tộc cùng một tệ nạn xã hội cộm cán. WAppuri xin phép không tiết lộ, độc giả hãy tự khám phá bằng cách đọc sách nhé.

Fun fact: Loài hoa mộng ảo trong truyện được dịch là khiên ngưu, trong bản gốc tiếng Nhật là asagao: một trong những biểu tượng mùa hè của Nhật Bản, cũng là hoa văn thường gặp trên những chiếc chuông gió furin. Một nhân vật trong truyện đã gặp mối tình đầu của mình tại Lễ hội Iriya Asagao vào đầu hè đấy, nghe thật lãng mạn đúng không nào?

Bìa bản tiếng Nhật của PHP Kenkyujo 2013 (ảnh: amazon.co.jp)
Bìa bản tiếng Nhật của PHP Kenkyujo 2013 (ảnh: amazon.co.jp)

6. Thánh giá rỗng

Utsuro na juujika
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Utsuro na juujika (虚ろな十字架)
Năm xuất bản ở Nhật: 2014
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2016 (Skybooks)

Mua sách: (tạm hết hàng)

Cô con gái bé bỏng của gia đình Nakahara bị sát hại tại nhà riêng bởi một tên trộm. Đau lòng trước cái chết của con, hai vợ chồng quyết liệt đấu tranh để yêu cầu án tử cho hung thủ. Liệu họ có đạt được ý nguyện hay không? Kẻ chẳng hề ăn năn về tội lỗi mình đã làm thì tử hình phải chăng là một cách giải thoát? Còn kẻ luôn day dứt và đã làm mọi thứ để chuộc lại lỗi lầm thì có nhất thiết vẫn phải nhận hình phạt?

Cho dù án tử hình đã được tuyên bố đi chăng nữa, chuyện đó đối với thân nhân người bị hại không phải là sự chiến thắng hay gì khác. Sự thật người thân yêu của họ đã mất đi không bao giờ thay đổi, trái tim bị tổn thương cũng không thể lành lại.

Pháp luật hiện nay chỉ là một cái thánh giá rỗng không hơn không kém.

Bìa bản tiếng Nhật của Kobunsha 2017 (ảnh: amazon.co.jp)
Bìa bản tiếng Nhật của Kobunsha 2017 (ảnh: amazon.co.jp)

7. Ngôi nhà của người cá say ngủ

Ningyo no nemuru ie
(ảnh: tiki.vn)

Tên tiếng Nhật: Ningyo no nemuru ie (人魚の眠る家)
Năm xuất bản ở Nhật: 2015
Năm xuất bản ở Việt Nam: 2017 (Mintbooks)

Mua sách: Tiki, Fahasa, Lazada,

Trong một căn biệt thự kiểu Âu sang trọng, lấp ló sau rèm cửa là một người cá bé nhỏ đang say giấc…

Cô bé Mizuho 6 tuổi gặp tai nạn ngạt nước ở hồ bơi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tim ngừng đập. Khi đến bệnh viện, trái tim mạnh mẽ của cô bé đập trở lại, nhưng não thì không có chút phản ứng. Lúc này, bác sĩ phụ trách hỏi bố mẹ Mizuho liệu có muốn hiến tạng để một phần cơ thể em vẫn sống ở đâu đó hay không?

Đề cập đến vấn đề hiến tạng, tác phẩm đưa ra câu hỏi khó trả lời: liệu chết não hay chết tim mới thực sự là chết, đồng thời khắc hoạ sâu sắc tình cảm gia đình, tình yêu thương vô bờ bến của bậc làm cha mẹ dành cho con.

Mẹ ơi, chỉ có bông này là có bốn lá thôi. Mizuho đã hạnh phúc rồi nên không cần đâu. Ta để lại nhánh cỏ này cho ai khác đi.

Bìa bản tiếng Nhật của Gentosha 2018 (ảnh: amazon.co.jp)
Bìa bản tiếng Nhật của Gentosha 2018 (ảnh: amazon.co.jp)

Tổng kết

Sức sáng tạo và sự đa dạng trong đề tài của Keigo thật là đáng nể đúng không nào? Trong số những tác phẩm kể trên, bạn có hứng thú với tác phẩm nào không? Hãy chia sẻ cho WAppuri biết nhé!