Từ Harajuku đến Uniqlo: sự chuyển biến thói quen tiêu dùng của người Nhật

Trong một bảng màu, giữa những gam màu sặc sỡ sẽ nổi bật lên những gam màu trầm ấm. Hay nếu đã có khuynh hướng yêu thích sự rực rỡ bắt mắt của mảng màu sáng, cũng sẽ có khuynh hướng ngược lại, yêu thích những mảng màu dịu nhẹ hơn, như Harajuku và Uniqlo, hai phong cách thời trang tiêu biểu từ đất nước mặt trời mọc. Hơn thế nữa là sự chuyển biến từ Harajuku sang Uniqlo. Từ đâu lại có sự chuyển biến đó? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

1. Từ Harajuku…

Từ những năm 70 của thế kỉ XX, con phố Harajuku thuộc quận Shibuya, nơi được mệnh danh là thánh địa kawaii, đã cho ra đời phong cách ăn mặc mang đúng cái tên của con phố: phong cách Harajuku. Với những bộ quần áo sặc sỡ, nhiều lớp và phụ kiện được phối cầu kỳ, giới trẻ Nhật Bản thời kì này lựa chọn Harajuku như một cách để bộc lộ cá tính, quan điểm cá nhân.
Đây là một phong cách mới lạ khai sinh từ đường phố và lan rộng khắp các ngõ ngách tại Tokyo cho đến suốt thập niên 90. Dễ thương, pha trộn những nét đặc trưng Nhật Bản với hơi hướng Tây phương hay thậm chí tự do, không theo một định nghĩa nào. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các thuật ngữ như gothic lolita (cổ điển), sweet lolita (ngây thơ), punk (nổi loạn), cosplay (hoá thân nhân vật), v.v. trong kiểu phong cách tốn nhiều tâm huyết này.
Ngoài ra, bên cạnh nét dễ thương tích cực đầy cảm hứng, Harajuku còn được biết theo một hướng tiêu cực là sự dễ thương tà mị. Phong cách này nổi bật với những vật dụng như thòng lọng, đồ chơi người lớn, bông băng, ống kim tiêm, hay thậm chí cả máu giả. Để giải toả bản thân, những góc khuất đè nén sâu trong lòng, những người theo xu hướng này thường chọn Harajuku như một cách thể hiện ra bên ngoài chính sự dị thường, tiêu cực đó để tự xoa dịu tâm hồn mình.

2. …đến Uniqlo

Hiện nay, hễ nhắc đến cái tên Uniqlo, hầu như không ai không biết nhãn hàng và các sản phẩm của thương hiệu này. Với triết lý LifeWear gắn thời trang với cuộc sống, xuất phát từ những thứ có mặt trong đời sống thường ngày như áo chống nắng, áo giữ nhiệt, quần jeans, v.v, Uniqlo đã khẳng định tên tuổi và mang đến người tiêu dùng những sản phẩm giá phải chăng nhưng chất lượng cao mà người mặc có thể tự do kết hợp theo phong cách cá nhân.
Chúng tôi không phải là một công ty thời trang, chúng tôi là một công ty công nghệ.” (Tadashi Yanai) Nhà sáng lập Uniqlo đã nghiên cứu và cho ra đời những dòng sản phẩm với công nghệ AIRism giúp thoáng khí, công nghệ HeatTech giúp độ ẩm toát ra từ cơ thể chuyển hóa thành nhiệt để giữ ấm, v.v.. Điển hình là những chiếc áo phao siêu nhẹ, trơn tuột nước mưa bên ngoài và đầy ấm áp bên trong. Tại Uniqlo, bí quyết không nằm ở thời trang.
Nói như vậy không có nghĩa Uniqlo bỏ quên tính thời trang trong sản phẩm của mình. Ngược lại, bên cạnh những mẫu mã đơn giản đến tối giản, những mẫu áo thun được thiết kế vui nhộn với các nhân vật game, anime quen thuộc trong Super Mario, Pokemon, Splatoon, Animal Crossing, v.v. đã tạo nên làn sóng thời trang nhanh (fast fashion) đình đám một thời ở xứ sở Phù Tang.
Ngoài ra, sự hợp tác với giám đốc sáng tạo Hermès, nhà thiết kế lừng danh Christophe Lemaire, hay Jonathan Anderson của vương quốc Anh, càng cho thấy tính thời trang trong sản phẩm mà Uniqlo mong muốn mang đến thị trường người tiêu dùng và khách hàng của chính dòng thời trang top đầu, đe dọa cả ngôi vương của Zara hay H&M.

(nguồn: Uniqlo Vietnam)

Đến với Uniqlo, sau khi dạo bước mua sắm, một điều thú vị mà khách hàng trải nghiệm tiếp theo chính là nhận được sự phục vụ một cách thân thiện và chuyên nghiệp. Với nguyên tắc đưa khách hàng lên hàng đầu, thông qua chất liệu, mẫu mã sản phẩm, thương hiệu thời trang top đầu Nhật Bản ưu tiên cảm nhận của khách hàng hơn hết chẳng hạn thời gian chờ đợi thanh toán chỉ vỏn vẹn đôi phút, hay từng cá nhân được quan tâm khi mua sắm.
Uniqlo là một công ty Nhật Bản hiện đại truyền cảm hứng cho thế giới ăn mặc theo xu hướng giản dị.” Thông điệp thương hiệu ấy thể hiện rõ qua chiến lược xuyên suốt là hoàn toàn không chạy theo thời trang. Quần áo Uniqlo rất đơn giản, thiết yếu nhưng phổ biến, bắt nguồn từ nhu cầu thiết thực trong cuộc sống đời thường của mỗi người. Ngoài ra còn có chất lượng tốt, dễ kết hợp, giá cả phải chăng và ưu tiên mang đến sự thoải mái dành cho tất cả mọi người bất kể tuổi tác hay lối sống.

3. Sự chuyển biến trong thói quen tiêu dùng của người Nhật

Nhật Bản vốn là cái nôi của các khuynh hướng tối giản. Đối với giới trẻ Nhật Bản, những người đi cùng dòng chảy thời đại, luôn bắt kịp xu thế nhanh nhất, việc họ ngày càng thực tế, tiết kiệm chi tiêu, lựa chọn quần áo cơ bản và cổ điển hơn là điều không mấy ngạc nhiên.

“Gen Z, các khách hàng chính hiện nay, luôn chú ý và quan tâm đến từng khía cạnh khác nhau của những sản phẩm mà họ bỏ tiền, bao gồm chuyện đạo đức, độ minh bạch trong sản xuất của các nhãn hàng. Học sinh trung học, sinh viên và những người ở độ tuổi 20 cho biết họ muốn được nhận xét là người tiết kiệm hơn là chi tiêu hào phóng.” – The Atlantic

Quay ngược về những năm đầu của phong cách Harajuku, mạnh mẽ hơn là vào giai đoạn hưng thịnh, giới trẻ Nhật Bản đã từng say mê phong cách kawaii này như thế nào. Nhưng hiện nay Harajuku đã biến chất. Qua tay những người nổi tiếng, chúng bị biến thành những sản phẩm thương mại hóa. Những kiểu trang phục Harajuku bảo thủ, tiêu cực, thiếu sự đầu tư đem đến cái nhìn không được thoải mái cũng dần tăng lên. Và những người khởi nguyên cho phong cách này cũng rời bỏ nó.
Không chỉ riêng giới trẻ Nhật Bản mà người tiêu dùng của đất nước mặt trời mọc nói chung cũng bắt đầu ưa chuộng những kiểu thời trang đại chúng từ Uniqlo hay các thương hiệu toàn cầu khác. Màu sắc nhã nhặn, thiết kế đơn giản nhưng vẫn hợp thời, hợp nhiều độ tuổi, chất liệu thoải mái và giá cả phải chăng là những lý do khiến người Nhật lựa chọn thay đổi những bộ quần áo của tủ đồ gia đình mình.

Bên cạnh đó, sau Uniqlo, những thương hiệu đứng trong top 5 về thời trang tại Nhật bản lần lượt là Bape, Honeys, Beams, và Wego. Các thương hiệu này đều nằm trong top đầu là vì chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá cả và sự phù hợp đối tượng sử dụng quần áo của họ mang đến cái nhìn phóng khoáng, thoải mái và tiết kiệm cho người mặc. Điều đó càng khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong tiêu dùng của người Nhật, không chỉ riêng về thời trang mà còn ở các khía cạnh khác trong cuộc sống.

4. Tổng kết

Mọi sự việc diễn ra theo dòng chảy thời gian, dòng chảy xu hướng ắt hẳn đều có lý do. Sự thay đổi, chuyển biến thói quen tiêu dùng của người Nhật từ Harajuku dễ thương và cần nhiều thời gian đầu tư sang Uniqlo mang hơi hướng phóng khoáng, tối giản và tiết kiệm là minh chứng cho điều đó.

Không chỉ dừng lại và gói gọn ở Nhật Bản, xu hướng phóng khoáng tối giản này đã phát triển và lan rộng khắp thế giới. Là một tín đồ thời trang, với sự có mặt của Uniqlo tại Việt Nam, bạn đừng bỏ qua việc trải nghiệm tất cả những điều trên và thật sự cảm nhận chúng xem như thế nào nhé! Hứa hẹn có nhiều sự thú vị lắm đấy!