Asakusa giữa lòng Asakusa (1) – Cánh cổng trứ danh Kaminarimon!

Chuyên đề “Asakusa giữa lòng Asakusa” lần này có năm phần. Trong phần đầu tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về cổng Kaminarimon các bạn nhé!
Du khách đến Asakusa dù là người Nhật hay người nước ngoài trước tiên đều sẽ đến xem Kaminarimon. Thế nên trước cổng lúc nào cũng thấy đầy những người là người. Người đứng chiêm ngưỡng, người chụp hình kỷ niệm, thật hiếm có nơi nào đông vui như vậy. Mới đây (khoảng tháng 6 ~ tháng 10 năm 2017), cổng được trùng tu phần mái ngói, đã đẹp càng thêm đẹp.
Chắc hẳn các bạn đều đã nghe nhiều về cánh cổng Kaminarimon biểu tượng của Asakusa rồi. Thế nhưng có bạn nào biết gốc gác, lịch sử cổng thế nào không? Hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn “thân thế” ít ai biết của cánh cổng trứ danh này nhé!

Nguồn gốc tên gọi

Thật ra Kaminarimon không phải là tên gọi chính thức của cánh cổng đâu các bạn. Do trên chiếc đèn lồng to biểu tượng của cổng có đề chữ “Kaminarimon” (雷門) nên nhiều người tưởng là tên cổng đó thôi. Tên chính thức có viết ở mặt sau chiếc đèn. Các bạn có biết là gì không?
Đúng thế, chính là “Fūraijinmon” (風雷神門). Fūjin là Phong thần (thần Gió), Raijin là Lôi thần (thần Sấm): hai vị thần bảo hộ của chùa Sensōji. Nhìn từ chính diện cổng Kaminarimon, bạn sẽ thấy bên phải là tượng Phong thần còn bên trái là tượng Lôi thần. Cái tên Fūraijinmon là do hai bức tượng này đặt ở cổng mà ra.
Cánh cổng có lịch sử lâu đời: khởi công xây dựng vào khoảng năm 940, về sau bị lửa thiêu rồi lại phục dựng không biết bao nhiêu lần cho đến ngày nay. Trông thế mà cũng hơn cả nghìn năm tuổi rồi, thật đáng tự hào phải không nào.
Chẳng rõ tên gọi Kaminarimon có từ bao giờ. Chỉ biết cái tên xuất hiện trong rất nhiều bài senryū (một thể thơ tương tự haiku) và tranh ukiyoe vào thời Edo cách đây 200 năm, cho thấy lúc bấy giờ nó đã khá phổ biến.

Lồng đèn to treo ở cổng

Chiếc lồng đèn cỡ đại màu đỏ rực, mặt trước đề “Kaminarimon” (雷門), mặt sau đề “Fūraijinmon” (風雷神門), cao 3,9 cm, đường kính 3,3 m, nặng gần 700 kg. Trọng lượng như thế mà cánh cổng bằng gỗ vẫn trụ được, thật kỳ diệu. Nói thế nào cũng vô cùng ấn tượng, thế nên ai nấy đến đây đều tranh nhau chụp ảnh. Đèn có cấu tạo khung tre, dán gần 300 tấm giấy washi bồi, nghe nói cứ 10 năm lại thay mới một lần.
À, to là thế nhưng vẫn gấp lại được nhé các bạn.
Lúc rước kiệu thần omikoshi qua cổng trong dịp lễ Sanja Matsuri, lễ hội lớn nhất của chùa Sensōji, hay những lúc trời bão, gió giật mạnh, người ta gấp đèn lại để tránh hư hại. Nói vậy nhưng chiếc đèn nặng quá khổ đến 700 kg như vậy, gấp lại được đến là khổ!
Dưới đáy đèn có phần chụp trang trí màu vàng gọi là keshōwa, từ dưới nhìn lên bạn sẽ thấy chạm trổ hình một con rồng.
Rồng ở Nhật từ xưa đã được xem là loài sinh vật huyền thoại mang điềm lành. Nghe đâu nó cũng là một trong những vị thần bảo hộ của chùa Sensōji. Người Nhật tin rằng rồng sống dưới biển, có khả năng hô mưa gọi gió. Asakusa xưa là một thị trấn đông đúc với những dãy nhà cửa san sát bằng gỗ, từng gặp những trận hoả hoạn dai dẳn, hứng chịu tổn thất nặng nề không biết bao nhiêu lần. Thế nên người dân quay sang cầu khẩn long thần mang mưa đến dập lửa cứu họ.

Matsushita Kōnosuke và cổng Kaminarimon

Dưới phần trang trí màu vàng của đèn có khắc dòng chữ “Matsushita Kōnosuke, công ty công nghiệp điện khí Matsushita”.
Matsushita Kōnosuke (1894 – 1989), là một doanh nhân người Nhật vĩ đại được nhiều người kính trọng, tôn vinh là Ông tổ của kinh doanh kiểu Nhật. Ông là người sáng lập công ty công nghiệp điện khí Matsushita (hiện nay là Panasonic). Chắc các bạn chẳng lạ gì tivi, tủ lạnh, máy tính, v.v. nhãn hiệu Panasonic phải không nào? Người sáng lập nhãn hiệu này chính là Matsushita Kōnosuke đấy.
Ông Kōnosuke từ nhỏ vốn đã ốm yếu. Rồi ông đến chùa Sensōji cầu khấn, khi về nhà bệnh tình bỗng khỏi hẳn. Đó là câu chuyện hồi thập niên 1960. Trên thực tế chùa Sensōji lúc này chẳng hề có cổng Kaminarimon hay đèn lồng gì cả vì đã bị thiêu rụi từ trận hỏa hoạn lớn năm 1865 rồi. Biết chuyện, ông Kōnosuke đã cho xây lại cổng và quyên tặng chiếc lồng đèn nhằm tạ lễ thần linh cho mình khỏi bệnh. Vậy là sau 100 năm, cánh cổng Kaminarimon cùng với chiếc đèn lòng đã hồi sinh. Kể từ đó, tên ông được khắc dưới đáy đèn.

Hai bức tượng phía sau cổng

Phía sau cổng Kaminarimon có hai bức tượng:
Bên phải là tượng Kim long (Kinryū) hình dáng người nữ; bên trái là tượng Thiên long (Tenryū) hình dáng người nam. Cả hai đều là long thần cai quản nước và bảo vệ Phật tử. Tên gọi chính thức của chùa Sensōji là Kinryūzan Sensōji (金龍山浅草寺) bắt nguồn từ tên vị long thần này. Nếu nhìn kỹ, các bạn sẽ thấy cả hai bức tượng mang hình dáng con người nhưng đều có đuôi sau lưng. Rõ ràng đây là tượng long thần hiện thân thành người.
Thú vị quá phải không các bạn? Cổng Kaminarimon – bộ mặt của Asakusa, thậm chí của cả Tokyo – có bối cảnh thật bất ngờ. Nếu có dịp đến chơi Asakusa, các bạn đừng chỉ ngắm chính diện cổng Kaminari không thôi mà nhớ xem kỹ cả mặt sau nữa nhé!