Asakusa trong lịch sử Nhật Bản (2) – thời Edo (1603 – 1868)

Sau khi thời kỳ chiến loạn kéo dài cả trăm năm kết thúc, Nhật Bản bước vào thời Edo thái bình 270 năm. Theo dòng chảy lịch sử, Asakusa trở thành chốn phồn hoa đô hội, đem đến vô số hoạt động vui chơi giải trí cho người dân Edo.

Người mở ra thời đại Edo là Tướng quân Tokugawa Ieyasu. Ông sinh năm 1543 tại vùng đất ngày nay là tỉnh Aichi. Đó là thời điểm ngay giữa thời Chiến quốc, rất nhiều lãnh chúa hùng mạnh cát cứ, phân tranh. Chào đời trong một tiểu quốc chư hầu, thuở nhỏ Ieyasu phải làm con tin ở nước láng giềng, chịu nhiều khổ cực. Với tính nhẫn nại hình thành trong hoàn cảnh như vậy, Ieyasu từng bước từng bước nâng cao vị thế, đánh thắng nhiều trận và cuối cùng thống nhất toàn cõi Nhật Bản. Đến năm 1603, ở tuổi 60, Ieyasu thành lập chính phủ trung ương tập quyền, Mạc phủ, ở Tokyo ngày nay, lúc bấy giờ mang tên Edo. Đây là nguồn gốc tên gọi của thời đại này.

Tượng đồng Tokugawa Ieyasu

Để đảm bảo nước Nhật không một lần nữa rơi vào loạn lạc và giữ vững nền hòa bình lâu dài, Ieyasu đã thi hành nhiều chính sách tích cực. Đó là: khuyến khích phát triển công nghiệp, chấn hưng giáo dục, nâng cao mức sống của người dân, tiến hành khai khẩn đất hoang trên toàn nước Nhật, tạo công ăn việc làm cho giới võ sĩ bỗng chốc thành ra thất nghiệp khi không còn chiến tranh không cảm thấy bất mãn. Bên cạnh đó, ông cũng điều chỉnh cơ chế pháp luật và xét xử, hoàn thiện cơ sở hạ tầng như mạng lưới đường xá, bưu điện với Edo là trung tâm. Nhờ những chính sách hiệu quả này, kinh tế Nhật Bản đã phát triển đáng kể, dân số tăng lên, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt, nền hòa bình lâu bền đã thành hiện thực.

Bây giờ, chúng ta sẽ chia thời đại Edo kéo dài 270 năm thành 3 thời kỳ: thời kỳ đầu, thời kỳ giữa và thời kỳ cuối, và cùng tìm hiểu sự phát triển của Asakusa gắn liền với hoàn cảnh xã hội trong từng thời kỳ nhé.

Asakusa vào đầu thời Edo (từ năm 1600)

Nửa đầu thời Edo, xã hội vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn. Chính quyền Mạc phủ dốc sức hoàn thiện cơ sở hạ tầng và luật pháp, đồng thời tìm cách giải quyết những mầm mống bất ổn xã hội. Trong thời kỳ này, Nhật Bản thực thi một chính sách lớn là “tỏa quốc” (bế quan tỏa cảng). Theo đó, đạo Cơ đốc bị cấm truyền bá, người ngoại quốc (trừ người Trung Quốc và Hà Lan) bị cấm xuất nhập cảnh, và người Nhật cũng bị cấm ra nước ngoài. Lúc bấy giờ, nhiều nước châu Âu tích cực gửi giáo sĩ Cơ đốc ra nước ngoài thực hiện sứ mệnh truyền giáo. Mạc phủ nghi ngờ đây là một phần trong kế hoạch xâm lược của họ, nên đã quyết định cấm đạo.

Do chính sách Tỏa quốc, thông tin và văn hóa nước ngoài hầu như không thể truyền vào Nhật Bản. Song nhờ vậy mà nền văn hóa độc đáo của Nhật Bản lại có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Mặc khác, xã hội đã ổn định nên vai trò chủ đạo trong xã hội cũng dần chuyển từ giới võ sĩ sang thị dân và thương nhân. Kết quả là từ nửa sau thế kỷ XVII, nền văn hóa độc đáo Genroku đã nở rộ. Chính trong thời kỳ này đã hình thành những môn nghệ thuật đậm chất Nhật Bản như tranh phù thế (ukiyo-e) và tiểu thuyết hiện thực, thơ haiku, kịch rối Joruri v.v.. Đương nhiên, Asakusa cũng phát triển cực thịnh.

Asakusa vào giữa thời Edo (từ năm 1700)

Bước vào thời kỳ Genroku nửa sau thế kỷ XVII, không chỉ văn hóa mà kinh tế Nhật Bản cũng phát triển rực rỡ. Đặc trưng của thời kỳ này là sự thâm nhập của kinh tế tiền tệ quy mô toàn quốc, hoạt động lưu thông hàng hóa tấp nập, sự mở rộng khai thác mỏ vàng, bạc v.v.. Trước dòng chảy mạnh mẽ của người và hàng hóa, hàng loạt đô thị, phố xá mọc lên dưới chân thành quách, cảng biển, khu nhà trọ, đền chùa, vùng mỏ v.v.. trên khắp Nhật Bản. Đây cũng là thời kỳ bùng nổ dân số, chỉ riêng Edo đã có hơn 1 triệu nhân khẩu và là thành phố lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Asakusa trong thời kỳ này vẫn tiếp tục phát triển thịnh vượng.

Asakusa vào giữa thời Edo
Cổng Kaminarimon ở Asakusa vào giữa thời Edo

Asakusa vào cuối thời Edo (từ năm 1800)

Đến những năm 1800, quyền lực của Mạc phủ dần suy yếu. Ngân sách cạn kiệt dẫn đến việc tăng thuế, nông dân và thị dân nổi dậy ngày càng nhiều, bất ổn xã hội tăng cao. Mạc phủ nhiều lần thực hiện cải cách bộ máy chính trị và tài chính nhưng hiệu quả chẳng được bao lâu. Không dừng lại ở đó, tình thường xuyên thay đổi nhân sự cũng khiến bộ máy chính quyền lung lay. Trước tình cảnh bất ổn xã hội ngày một gia tăng, người ta lại càng say mê các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí hơn. Sự phồn vinh của Asakusa chẳng hề suy suyễn.

Toàn cảnh Asakusa vào cuối thời Edo
Toàn cảnh chùa Sensoji và đền Asakusa vào cuối thời Edo
Cổng Kaminarimon vào cuối thời Edo
Asakusa và thành thị Edo vào cuối thời Edo

Từ những năm 1700, Cách mạng Công nghiệp bùng nổ, các quốc gia Âu – Mỹ nhanh chóng hiện đại hoá và bắt đầu ra sức xâm chiếm thuộc địa trên khắp thế giới để vơ vét tài nguyên và thị trường. Năm 1840, nước láng giềng của Nhật Bản là Trung Quốc bị chiếm trong cuộc Chiến tranh Nha phiến, còn trên lãnh hải Nhật Bản bắt đầu xuất hiện liên tục các tàu Âu – Mỹ gây áp lực buộc Nhật phải từ bỏ chính sách Toả quốc, mở cửa thông thương giao lưu với nước ngoài. Trước tình hình mới, Mạc phủ đã lúng túng trong việc giải quyết vấn đề. Hậu quả là đến năm 1864, chịu thua áp lực của phía Hoa Kỳ, Nhật Bản quyết định ký hiệp ước, bắt đầu thông thương. Chính sách Tỏa quốc đến đây là chấm dứt.

Bất bình trước sự suy nhược của Mạc phủ, các thế lực địa phương trên khắp Nhật Bản bắt đầu chống lại chính quyền. Mạc phủ không chống đỡ nổi sức mạnh của các thế lực địa phương đó. Đến khi quân địa phương áp sát Edo, chuẩn bị tổng tấn công vào thành phố, người đứng đầu chính quyền trung ương là Tokugawa Yoshinobu quyết định từ bỏ mọi quyền hành. Nhờ vậy mà thành phố Edo tránh được ngọn lửa chiến tranh, đồng thời đại biểu của các thế lực địa phương nắm được thực quyền. Năm 1868, thời Minh Trị bắt đầu.

Asakusa trở nên thế nào vào thời Minh Trị? Mời các bạn tiếp tục theo dõi phần 3!