Asakusa trong lịch sử Nhật Bản (3) – từ thời Meiji (mở cửa đất nước) đến khi kết thúc Thế chiến 2 (1945)

Thời đại mới, thời Meiji, bắt đầu vào năm 1868. Cuộc chuyển giao quyền lực này hầu như không hề đổ máu, nên có thể xem là một trong những cuộc “cách mạng hòa bình” hiếm có trong lịch sử thế giới. Edo giờ đây được đổi tên thành Tokyo, trở thành cứ điểm cho sự cai quản của chính quyền Meiji.

Chính quyền Meiji hướng đến xây dựng cơ cấu xã hội khác với chính quyền Edo trước đây ở nhiều điểm.

Trước hết, vào thời Edo, chính quyền trung ương (Mạc phủ) nằm ở Edo, toàn bộ nước Nhật phân chia thành khoảng 300 phiên quốc chư hầu (tiếng Nhật là “han”), mỗi phiên lại có chính quyền riêng, sự phân quyền địa phương được tiến hành tỉ mỉ. Tuy nhiên đến thời Meiji, các chính quyền phiên quốc bị bãi bỏ, quyền lực chính trị tập trung về tay chính phủ trung ương, nhằm xây dựng quốc gia theo thể chế trung ương tập quyền.

Bên cạnh đó, chính quyền cũng tính cực bang giao với các nước Âu Mỹ, phát triển đất nước theo mô hình phương Tây trên nhiều phương diện như cơ cấu chính phủ, kỹ thuật công nghiệp, quân đội, v.v. đưa Nhật Bản vào quá trình hiện đại hoá nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, Asakusa vẫn tiếp tục là điểm dừng chân nghỉ ngơi, giải trí được người dân ưa thích.


Năm 1873, khuôn viên đền chùa Asakusa được quyết định chuyển đổi thành công viên Asakusa.


Năm 1882, khánh thành các tuyến tàu ngựa kéo nối liền Asakusa-Namikicho với Sugamachi, và Ueno-Yamashita với cổng Kaminarimon.


Năm 1884, công viên Asakusa được chia thành sáu khu từ 1 đến 6. Ảnh trên là cảnh phố giải trí ở khu số 6 vào đầu thời Showa.


Năm 1887, ra mắt công trình “núi Phú Sĩ nhân tạo” tại khu 6 Asakusa.


Năm 1890, khánh thành tòa tháp Ryounkaku 12 tầng.


Năm 1899, khai trương thủy cung ở khu 4.


Năm 1903, ra mắt rạp chiếu bóng đầu tiên của Nhật Bản tại khu 6.

30 năm kể từ khi bước vào thời Meiji, Nhật Bản bây giờ đã khá hùng mạnh, dần dần sánh ngang với các cường quốc Âu Mỹ. Lúc bấy giờ, các nước phương Tây ngày càng ráo riết xâm chiếm châu Á nhất là Trung Quốc, mong muốn chia rẽ Trung Quốc để chiếm thuộc địa cho mình. Sau khi chinh phục Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ qua bán đảo Triều Tiên, tìm tới Nhật Bản. Để ngăn chặn điều đó, Nhật Bản chủ động tiến vào bán đảo Triều Tiên và vùng đông bắc Trung Quốc, lấy làm thuộc địa của mình. Kết quả là sức mạnh của nước Nhật gia tăng gấp bội, khiến các nước Âu Mỹ phải dè chừng và lại càng gây áp lực lên Nhật Bản hơn nữa.

Giữa lúc đó, Tokyo hứng chịu một trận động đất khủng khiếp: đại thảm họa động đất Kanto ngày 1 tháng 9 năm 1923. Thành thị Tokyo chịu thiệt hại nặng nề chưa từng có. Cả Asakusa cũng bị tàn phá, hư hại đáng kể.


Đại thảm hoạ động đất Kanto (1/9/1923) phá hủy toàn bộ phố giải trí khu 6. Tháp Ryounkaku sụp đổ hoàn toàn.

Sau thảm họa, Tokyo được tái thiết cấp tốc. Asakusa cũng được xây dựng lại. Năm 1927, khánh thành đường tàu điện ngầm đầu tiên ở châu Á nối liền Asakusa với Ueno. Ngày nay đường tàu này vẫn còn tồn tại, đó là tuyến Ginza, tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Tokyo.

Qua một thời gian, sức ép từ các nước Âu Mỹ càng lúc càng tăng. Đồng thời, trong chính quyền Meiji trỗi dậy thế lực quân phiệt. Họ thấy rằng nước Nhật là một đảo quốc nhỏ, tài nguyên thiên nhiên như dầu khí hầu như không có, phải dựa hoàn toàn vào nhập khẩu. Một khi nguồn nhập khẩu bị ngưng trệ, Nhật sẽ vô cùng điêu đứng. Lo ngại trước hiểm họa đó, giới quân phiệt lên kế hoạch chiếm lấy lục địa Trung Quốc và Đông Nam Á với nguồn tài nguyên phong phú.

Cuối cùng, năm 1937 nổ ra chiến tranh Trung – Nhật. Cuộc chiến này thực chất không phải tiến hành với chính phủ Trung Quốc mà với các nước Âu Mỹ đã biến Trung Quốc thành thuộc địa. Rồi đến năm 1941, Nhật tuyên chiến với Mỹ, mở màn Chiến tranh Thái Bình Dương.

Thời gian đầu, quân đội Nhật liên tiếp thắng lợi. Kinh tế trong nước phát triển, người người đổ về Asakusa giải trí, hưởng thụ. Người ta thống kê được vào năm 1936, trung bình mỗi ngày có gần 300.000 lượt khách đến Asakusa. Tuy nhiên, sa lầy trong cuộc chiến, quân Nhật ngày càng thất bại, bị đánh bật khỏi các vùng chiếm đóng ở nước ngoài. Kết quả là hàng hóa trong nước trở nên khan hiếm, người dân phải thắt lưng buộc bụng, các hoạt động giải trí bị hạn chế.


Phố mua sắm Nakamise lúc bấy giờ


Phố giải trí khu 6 Asakusa lúc bấy giờ

Khi chiến tranh sắp kết thúc, quân Mỹ đưa máy bay ném bom từ đảo Guam và Saipan đến tập kích Tokyo hàng ngày. Trận oanh tạc lớn nhất xảy ra vào ngày 10 tháng 3 năm 1945, chỉ trong một ngày đã giết chết cả vạn người. Lịch sử gọi đó là trận “đại không kích Tokyo”. Hầu như toàn bộ nhà cửa ở Asakusa bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại lác đác vài công trình.


Khu vực Asakusa Gosaro sau trận Đại không kích Tokyo năm 1945


Toàn cảnh Asakusa sau trận Đại không kích Tokyo.

Ngày 6 và 9 tháng 8, Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Nhận thức rõ không thể tiếp tục tham chiến, ngày 15 tháng 8 năm 1945 chính phủ Nhật đầu hàng vô điều kiện, cuộc chiến tranh triền miên cuối cùng cũng đến hồi kết.

Hẹn gặp lại các bạn trong phần 4 về những thay đổi của Asakusa thời hậu chiến cho đến hiện nay.