Chú ý: tìm hiểu các biển báo và chỉ dẫn thường thấy trên đường phố Nhật Bản
Bản thân tôi khi đi du lịch nước ngoài thường hay có những cảm giác rất đặc biệt đối với những khung cảnh đường phố mà có lẽ, những người đã quen sống ở nơi đó chẳng mấy khi cảm nhận được. Nhờ vậy mà tôi có thể biết được những điểm đặc trưng của đất nước mà mình đến. Trong bài viết lần này, chúng ta cùng làm quen với đường phố Nhật Bản qua hình ảnh các biển báo và chỉ dẫn nhé!
Tín hiệu và biển báo
Đèn tín hiệu của Nhật Bản trông như thế này!
Bên cạnh đèn tín hiệu có biển “スクランブル式" (đọc là “sukuranpuru shiki" – giao lộ với nhiều hướng qua đường cho người đi bộ). Biển này thường được đặt ở những giao lộ mà khi đèn tín hiệu dành cho xe lưu thông dưới lòng đường đồng loạt chuyển sang đỏ (dừng lại) thì có đèn tín hiệu cho người đi bộ đồng loạt qua đường.
Còn đây là tín hiệu dành cho người đi bộ. Đỏ là “Dừng lại", xanh là “Được đi". Gần đây còn có nhiều đèn tín hiệu đếm ngược thời gian khi đèn chuyển từ đỏ sang xanh nữa.
Biển báo màu đó có ghi chữ “止まれ" (tomare), nghĩa là “Tạm dừng xe tại đây". Biển báo màu xanh dương bên phải có nghĩa là ở đây có vạch qua đường dành cho người đi bộ.
Bãi đậu xe
Bạn có thể nhìn thấy biển báo như thế này trong các bãi đậu xe tự động. “P" trong chữ bãi đậu xe (Parking) không phải tiếng nhật nên có thể hiểu nghĩa ngay, nhưng còn chữ “満" (man) nghĩa là gì nhỉ? Chữ này nghĩa là “Bây giờ đã đầy xe, không thể đậu được". Ngược lại, nếu bãi đậu xe còn chỗ thì sẽ hiện chữ “空" (kara). Nếu mà không biết Kanji (Hán tự tiếng Nhật) thì có hơi khó nhỉ!
Cửa ra vào
Đây là chữ tiếng Nhật được viết trên cửa. Phía dưới có ghi thêm tiếng Anh nên cũng dễ hiểu. “押す" (osu) nghĩa là “Đẩy".
Bên kia cánh cửa thì có chữ “引く" (hiku) – “Kéo". Chữ “禁開放" (kinkaiho) nhỏ bên dưới có nghĩa là “Đừng để cửa mở".
Thang máy
Số tầng trong thang máy là số nên không cần phải giải thích nữa nhỉ. Ở Nhật Bản thì tầng trệt là tầng 1. Hai nút “Mở" (ひらく) và “Đóng" (とじる) cũng được giải thích bằng ký hiệu rồi nên bạn có thể hiểu được ngay. Nhưng mà tôi thấy dễ thương ở chỗ người ta viết hết bằng chữ Hiragana.
Còn đây là chỉ dẫn mà bạn sẽ nhìn thấy được khi cửa đóng lại. Đây là tờ sticker lưu ý với nghĩa “Chú ý cửa đóng" (ドアにちゅうい) để cảnh báo để phòng kẹt tay. Mỗi công ty thang máy có hình minh hoạ khác nhau nên nhìn thấy được nhiều loại cũng khá là thú vị .
Máy bán hàng tự động
Chắc chỉ có Nhật Bản có nhiều máy bán hàng tự động trên đường phố đến như vậy. Trong hình là máy bán nước tự động. Phần màu xanh là chữ “lạnh" (つめたい) được viết bằng tiếng Nhật nhưng được thể hiện một cách hóm hỉnh là “Lạnhhhh" (つめた~い), làm cho người ta cảm thấy thư giãn hơn. Bây giờ là mùa hè nhưng gần đến mùa đông thì sẽ có thêm các loại thức uống nóng rồi sẽ có thêm dòng chữ dễ thương “Ấmmm” (あったか~い).
Lối thoát hiểm
Ở Nhật thường sử dụng biến báo lối thoát hiểm như thế này. Tôi có tìm hiểu thêm các biển báo lối thoát hiểm của nhiều nước khác thì thấy dù hình vẽ có khác nhau đôi chút, nhưng đa số biển vẫn có màu xanh lá. Khi bạn vào một tòa nhà nào đó thì hãy để ý trước xem cửa thoát hiểm ở đâu nhé!
Còn đây là… ?
Đây là một câu hỏi khó đấy! Ai có thể hiểu được chữ này thì có thể nói là có hiểu biết đáng kể về Nhật Bản. Có nhiều người Nhật cũng không biết ý nghĩa của nó đâu, nhưng bạn sẽ dễ bắt gặp ở các tòa nhà lắm đấy! Chữ này viết là “定礎" và đọc là “Teiso", chỉ sự bắt đầu xây dựng tòa nhà. Và bên trong tảng đá có ghi chữ này có một cái hộp bằng kim loại. Trong hộp lưu trữ những tờ báo lúc tòa nhà này được xây dựng hay bản vẽ hay tên của người thiết kế. Thật là một văn hóa thú vị phải không nào? Tảng đá trong hình này có khắc chữ “Năm Showa thứ 51" (昭和五十一年), cho chúng ta biết được toàn nhà được xây vào năm 1976.
Và trên đây chính là những biển báo, tín hiệu mà bạn có thể bắt gặp trên khắp đường phố Nhật Bản. Bạn thấy thế nào nè? Bản thân tôi khi nhìn kỹ lại cũng thấy thú vị ra phết đấy. Nếu tôi thấy có gì khác hay mà chia sẻ được trong mục này thì sẽ viết tiếp kỳ 2. Các bạn nhớ đón xem nhé!