Takoyaki – món bánh đặc sản Nhật Bản không thể bỏ qua
Có dịp sải bước dạo chơi trên phố Osaka của Nhật Bản – thành phố được ví như Sài Gòn của Việt Nam, đặc trưng bởi khí hậu nhiệt đới ẩm mùa hè có thể lên tới 36°C cũng như nét hào sảng chân chất của con người nơi đây, ta sẽ vừa không thể không lưu vào tầm mắt, vừa không thể không tranh thủ hít hà mùi thơm quyến rũ bao tử của một loại bánh làm nức lòng những ai ghé ngang. Đúng vậy, đó chính là món bánh bạch tuộc nướng takoyaki!
Làm quen với món takoyaki
Bánh bạch tuộc nướng takoyaki hiện diện tràn ngập trên mọi con phố, nẻo đường, từ các quầy hàng lưu động ở vỉa hè, lễ hội, cửa hàng lưu niệm cho đến những khu vực nghỉ ngơi ngoài đường cao tốc. Thú vị hơn nữa, ở Osaka có hẳn một bảo tàng takoyaki nằm bên ngoài Universal Studios, nơi cung cấp bộ sưu tập takoyaki của năm nhà hàng.
Takoyaki là một món bánh ăn vặt tiêu biểu của Osaka Nhật Bản, được mệnh danh là linh hồn ẩm thực Osaka. “Tako” là bạch tuộc, “yaki” là nướng. Như vậy “takoyaki” nghĩa là bánh bạch tuộc nướng. Bánh bạch tuộc nướng takoyaki làm chủ yếu từ bột mì dưới dạng hình tròn, đường kính từ 3 – 5cm. Thường khi ăn tại quán, bánh mới chiên được dọn ra trên đĩa giấy gấp thành hình chiếc thuyền, mỗi đĩa từ 6 – 8 viên, phía trên phủ đầy nước sốt, mayonnaise, tí vụn cá bào và bột rong biển. Người dùng cầm đũa hoặc tăm tre xiên, gắp ngoạm một miếng rõ to, sẽ thấy bên ngoài giòn giòn, bên trong ngậy nóng, bột nhân thơm phức túa ra tràn ngập đầu lưỡi để rồi kết thúc với phần bạch tuộc dai dai, sần sật – cảm giác phải nói ngon ơi là ngon, đến mức không thể diễn tả bằng lời ngay được!
Vị ngon khó cưỡng của takoyaki Nhật Bản
Chẳng kịp nhìn thấy trước mắt là món bánh ngon như thế nào thì mũi của thực khách đã chạm phải một mùi thơm khó cưỡng. Một chút mùi béo béo của vụn cá ngừ quệt với mùi sệt mịn của sốt mayonnaise, không thể thiếu mùi ngòn ngọt của bột bánh – thứ bột đã được vo tròn cháy xem xém giòn rụm trên bếp, và hẳn nhiên nếu thiếu đi mùi mằn mặn tươi nguyên của bạch tuộc thì tất cả sự hoà quyện của những thứ mùi thơm kia sẽ không còn ý nghĩa nữa.
Thưởng thức takoyaki, ta không những thưởng thức hương vị của bánh mà còn thưởng thức cả hương vị của sự hào sảng, vừa sang quý vừa dân dã. Để thứ bánh ấy giòn giòn tan trong miệng vừa ngồi huyên thuyên với bạn bè, gia đình, hay chỉ là nhồm nhoàm một mình một đĩa takoyaki thì bầu không khí mà người ăn cảm nhận được đều là sự tươi vui ai cũng muốn đắm chìm, như chính gốc xứ Osaka hiền hòa của món ăn này.
Khác với hầu hết những loại bánh cầu kỳ, có nguyên tắc khi dùng khác của Nhật Bản, takoyaki lại là món bánh đơn giản dễ làm và được ăn nhiều bên lề đường. Nhưng không vì lẽ đó mà yêu cầu về độ sánh mịn của lớp vỏ được tạo nên khi phải dùng que khéo léo xoay chuyển lúc nướng bánh bị bỏ qua. Điều đó cũng giống như một cô gái Osaka dịu hiền chân chất nhưng luôn mang bên mình nét duyên ngầm vậy. Hơn nữa, cũng chẳng phải vì được bày bán nhiều trên lề phố mà những nhà hàng takoyaki với hàng dài người xếp hàng chờ đợi không xuất hiện. Vừa gần gũi vừa cao sang, cô gái takoyaki của vùng Kansai ấy thật biết cách chiếm trọn lòng người.
Sự đầy mà chưa đủ – khoác lên mình chiếc áo điểm xuyến màu nâu nhạt của vụn cá, màu xanh của hành lá hay rong biển, đôi khi là dải lụa mềm của các loại sốt để ẩn nép bên dưới là tấm thân tròn bé bỏng, mà mỗi một ai đã từng nếm qua đều sẽ muốn thêm, thêm nữa. Mỗi một viên bánh tan trong miệng là mỗi một sự mong mỏi chiếc bụng mình chưa đầy để có thể được ăn thêm đến khi đủ. Nhưng ôi thôi, làm sao cho đủ khi bụng vẫn chưa đầy? Thứ món ăn này biết cách trêu ngươi người ta nhưng lại không nỡ làm người ta giận được rồi!
“Bà con xa” với bánh khọt, bánh căn Việt Nam?
Món bánh bạch tuộc takoyaki rất mực Osaka liệu chăng có là bà con xa với bánh khọt, bánh căn Việt Nam?
Bánh khọt Việt Nam
Nếu tên gọi takoyaki xuất phát từ cách đọc của bạch tuộc và nướng trong tiếng Nhật thì bánh khọt Việt Nam có tên được đặt theo âm thanh lúc làm bánh. Khi đổ bột vào khuôn bánh khọt, bột dày sôi lên nghe… khọt khọt. Ấy vậy là có nên cái tên bánh khọt Việt Nam.
Bánh khọt là món bánh ăn chơi thường thấy ở miền Tây Nam Bộ, được làm từ bột gạo – thứ lương thực chủ yếu của người dân miền sông nước. Vị béo béo, thơm thơm, ngòn ngọt tràn đầy vừa đủ khi đưa vào miệng của bánh khọt được hòa quyện bởi vị ngọt của tôm hoặc tép trấu, hành lá hay thịt ba chỉ xắt nhỏ tùy khẩu vị địa phương. Nước cốt dừa khô và nước nghệ ép pha vào bột gạo khi đổ bánh cũng là một nguyên tố không thể thiếu. Thêm vào đó, bánh khọt có màu vàng – một sắc vàng khoan khoái chỉ nhìn thôi là thấy đã con mắt, được rắc thêm chút màu xanh của hành lá cũng xắt nhỏ, và màu đo đỏ hồng hồng của thân tôm thân tép béo mịn. Tất cả chúng thật khiến người ta khó mà cưỡng lại việc đưa tay gắp lấy một cặp bánh còn nóng hôi hổi đưa ngay vào đầu lưỡi thưởng thức.
Khuôn bánh khọt thường là khuôn chục bánh làm bằng hợp kim. Khi đổ bánh, bắc khuôn bánh lên bếp than, thoa sơ mỡ hay dầu ăn trong lòng khuôn rồi múc bột đổ vào. Làm bánh khọt, đôi tay người làm bánh cũng phải thoăn thoắt đậy nắp, không chỉ một nắp lớn như làm takoyaki, mà mỗi chiếc bánh trên khuôn đều có một nắp riêng đậy lại thì mới tạo nên được vị bánh khọt đúng chất đậm vị. Đậy kín nắp khuôn lại, canh chừng bánh gần chín thì mở nắp múc nhân rải lên trên mặt bánh xong đậy lại lần nữa cho bánh chín vàng.
Nếu mỗi viên bánh tròn tròn takoyaki là mỗi một mùi vị viên mãn, thì với bánh khọt, người đổ bánh sẽ dùng muỗng múc bánh ra, úp hai mặt bánh vào nhau, tạo thành hình tròn (do vậy, có nơi người ta còn gọi là bánh trứng rồng) và người ăn cũng thưởng thức cả hai mặt bánh thì mới thỏa mãn được đã cái bụng bên cạnh đã con mắt.
Người ta hay ăn bánh khọt với nước mắm pha chanh, ớt, rau ăn kèm gồm lá cách, lá lụa, lá sộp, cát lồi, bông điên điển, càng cua, húng, quế, ngò gai, v.v.. Và tùy địa phương mà các loại rau đi kèm hay nguyên liệu có chút ít khác nhau. Những miếng bánh thơm giòn cùng đĩa rau sống, chén nước mắm cay nồng là món quà quê được bà con mang ra đãi khách phương xa của người dân miền sông nước Cửu Long, Việt Nam.
Bánh căn Việt Nam
Bánh căn là bánh bột gạo nướng, xuất phát từ dân tộc thiểu số Chăm tỉnh Ninh Thuận, phổ biến ở vùng Nam Trung Bộ. Cũng như bánh khọt của miền Nam, bánh căn của miền Trung cũng là một trong những đặc sản ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
Bánh căn cơ bản về nguyên liệu và hình thức bày món giống bánh khọt của Nam bộ: bánh căn và bánh khọt đều làm từ bột gạo; đổ bánh bằng khuôn có nắp riêng cho mỗi chiếc bánh; để được thưởng thức mĩ mãn hương vị bánh căn thì người ta cũng ăn hai chiếc bánh được úp vào làm một; và tùy văn hóa địa phương mà nhân bánh, rau hay nước chấm ăn kèm có khác nhau.
Tuy nhiên, cách chế biến bánh căn hoàn toàn khác: bánh khọt là loại bột gạo chiên vì có dầu mỡ, bánh căn là loại bột gạo nướng không dùng dầu mỡ. Bánh căn phải có khuôn đổ bánh bằng đất nung chứ không bằng kim loại, mà phải gốm đất nung Bầu Trúc nổi tiếng của dân tộc Chăm vùng Ninh Thuận mới giữ đúng hương vị thơm ngon tự nhiên của bánh.
Mùi thơm của bột bánh không lẫn vị béo ngậy của dầu, mà thơm một mùi thơm của bột gạo quyện với mùi nhè nhẹ của khuôn đất nung, hòa lẫn trong vị ngọt của hải sản miền biển Nam Trung Bộ. Ăn kèm với xoài xắt mỏng, bào sợi, nước mắm cá, v.v.. Vị mằn mặn, ngòn ngọt, chua chua của tất cả nguyên liệu và vị của sự giữ gìn nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc hòa tan nơi đầu lưỡi, đưa người thưởng thức bước vào một thế giới ngập tràn hương vị riêng – hương vị của bánh căn Việt Nam.
Tổng kết
Sự thổn thức tâm hồn ăn uống mà món bánh bà con xa với bánh khọt, bánh căn Việt Nam hay được mệnh danh là linh hồn ẩm thực Osaka – bánh bạch tuộc nướng Takoyaki đem lại cho thực khách, quả thật là khó có thể bỏ qua! Có dịp được sải bước trên phố Osaka và thưởng thức linh hồn ẩm thực xứ này là điều tuyệt vời khó lòng từ chối. Tuy nhiên, nếu ở Việt Nam, Takoyaki cũng được người Việt tạo nên và có phần mới mẻ hơn nữa thì cũng thật thú vị đúng không nhỉ?
Hiện nay, takoyaki tại Việt Nam cũng không phải là khái niệm xa lạ, thậm chí đã trở nên quen thuộc với những tín đồ ẩm thực và văn hóa đất nước Mặt trời mọc. Trên thị trường Việt Nam cũng bày bán những chiếc khuôn mini từ 8 đến 14 lỗ thay cho khuôn lớn nguyên bản và nguyên liệu sẵn có để tự tay những tín đồ ẩm thực có thể làm nên những viên takoyaki cho riêng mình. Tùy vào sở thích cá nhân mà ta có thể đổi nhân bánh thịt nguội, xúc xích, phô mai hay cả sô cô la thay cho bạch tuộc và vụn cá ngừ nguyên bản. Chắc hẳn một hương vị vừa quen lại vừa lạ của Takoyaki trứ danh sẽ được chính tay bạn tạo nên đấy! Bởi cô gái takoyaki rất dễ thương gần gũi và rất quyến rũ cơ mà. Cùng trải nghiệm ngay thử xem sao, bạn nhé!