Sự kiện truyền thống Nhật Bản: Tết Thiếu nhi (Tết Đoan Ngọ) ngày 5/5
Ở Nhật, những ngày lễ thường tập trung từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.
Vì thế nên người ta gọi khoảng thời gian này là “Golden Week" (tuần lễ vàng). Không ít người đã tận dụng những kỳ nghỉ dài này để thư thái đi du lịch hoặc nghỉ ngơi.
Một trong những ngày lễ của Tuần lễ vàng đó là “Tết thiếu nhi" vào ngày 5/5.
Người ta cũng gọi đây là “Tết Đoan Ngọ (tango no sekku)", là ngày để cầu sức khỏe và sự trưởng thành cho các bé trai.
Dĩ nhiên, cũng có hoạt động cầu sức khỏe và sự trưởng thành cho các bé gái nữa, đó là “Lễ hội Hina-matsuri vào ngày 3/3“, tuy nhiên những năm gần đây thì Hina-matsuri đã trở thành ngày dành cho tất cả trẻ em, không còn phân biệt trai gái nữa.
Xuất xứ của “Tết Đoan Ngọ" giống ở Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Việt Nam
“Tết Đoan Ngọ" được tổ chức tại Nhật Bản có nguồn gốc giống với “Tết Đoan Ngọ" được tổ chức ở Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Việt Nam. Nhưng tại sao Nhật Bản lại quyết định đây là “Ngày cầu chúc sức khỏe và sự trưởng thành cho các bé trai", thì lý do được khởi nguồn từ trò chơi chữ trong tiếng Nhật.
Khoảng vào thế kỷ 13~14 tại Nhật Bản, khi các Samurai bắt đầu nắm quyền lực trong tay.
Vì từ “cây diên vĩ" (菖蒲) được sử dụng trong Tết Đoạn Ngọ, và từ “thượng võ" (尚武) – mang ý nghĩa đề cao võ nghệ và quân sự – đều đọc thành “shoubu" (しょうぶ), và lá của cây diên vĩ có hình dạng của một thanh kiếm, thế nên các Samurai thời này đã bắt đầu chọn đây là “ngày cầu chúc sức khỏe và sự trưởng thành cho các bé trai".
Tết Đoan Ngọ ở Nhật Bản thì như thế nào?
Vào dip Tết Đoan ngọ tại Nhật Bản, ở trong nhà sẽ trang trí những con búp bê biểu trưng cho các anh hùng trong truyện thần thoại hay là người võ sĩ đeo trên mình áo giáp (yoroi) và mũ sắt (kabuto), được gọi là “búp bê tháng Năm (gogatsu ningyou). Ở ngoài vườn, người ta sẽ trang trí thêm những lá cờ mang hình dáng những chú cá chép, được gọi là “cờ cá chép (koi nobori)".
Để ghi lại sự trưởng thành của các con, người lớn cũng thực hiện “đo chiều cao (sei kurabe)" bằng cách đánh dấu lên những cây cột tại tầm cao của những đứa trẻ.
Thêm vào đó, người Nhật còn ăn một loại bánh ngọt có nhân mứt đậu đỏ ở giữa bột bánh rồi gói nó lại bằng lá cây sồi (kashiwa), gọi là bánh gạo “kashiwa mochi". Bởi vì lá cây sồi sẽ không rụng cho đến khi chiếc lá mới mọc lên, nên người ta nói rằng đây là vật mang đến may mắn cho sự đông con đông cháu.
Đến tầm tối, các bé sẽ được tắm bằng nước nóng đun với lá cây xương bồ Shobu.
Người ta cho rằng các bé sẽ có thể vượt qua được cái nóng mùa hè nếu tắm bằng lá cây xương bồ shobu này.
Có thể tham gia Tết Đoan Ngọ ở Nhật không?
Thường thì đây là sự kiện được tổ chức trong từng gia đình riêng tại Nhật.
Thế nhưng tùy vào từng khu vực mà người ta sẽ treo đến hàng trăm “cờ cá chép" lớn, hoặc bạn có thể tắm bằng lá cây xương bồ shobu tại các nhà tắm công cộng hay spa.
Ngoài ra, vì ngày này cũng rơi vào đúng kỳ nghỉ lễ dài ở Nhật, thế nên có không ít những địa điểm tổ chức các sự kiện vui chơi cho trẻ em. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết ở bài viết sau nhé:
Tuyển chọn 5 địa điểm trải nghiệm Tết Thiếu nhi tại vùng thủ đô