Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (13) – Từ sự trở lại của Hoàng gia cho đến nay
Sự kiện Hoàng gia dần suy yếu do sự trỗi dậy của giới võ sỹ đã được tôi giới thiệu trong “Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng phần 12)“.
Tokugawa Ieyasu trở thành Tướng quân và lập nên Mạc phủ Edo – chính quyền của giới võ sỹ, được đặt tại Tokyo ngày nay. Thời đại đó được gọi là “Thời đại Edo", và trong suốt khoảng thời gian đó, vũ đài chính trị không hề có bóng dáng của Thiên Hoàng.
Tuy nhiên, điều đó cũng đang đón chờ một bước ngoặt lớn.
Thiên Hoàng lấy lại quyền lực như thế nào?
Vào thời Edo, một chính sách nhằm kiểm soát và hạn chế việc giao thương với nước ngoài, có tên là Sakoku (鎖国), đã được thực hiện rất nghiêm ngặt. Vào thời điểm đó, Nhật Bản chỉ chính thức ký kết quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Hà Lan. Tuy nhiên, vào những năm cuối thời Edo, các quốc gia Âu Mỹ nhiều lần xuất hiện xung quanh Nhật Bản và gây áp lực về việc phải bãi bỏ chính sách Sakoku. Không chịu được áp lực đó, vào năm 1858, Mạc phủ Edo đã ký kết hiệp ước với Mỹ và mở cửa Nhật Bản.
Hiệp ước đó quá bất công và đã gây nhiều sự áp bức lên quần chúng nhân dân, người dân ngày càng mất niềm tin vào Mạc phủ. Do đó, một bộ phận võ sỹ đã tập trung dưới trướng của Thiên Hoàng, xây dựng kế hoạch lật đổ Mạc phủ và lập ra chính phủ mới (tham khảo: “Xoay quanh lịch sử Kyoto (phần 3)“).
Kết quả là vào năm 1868, vị Tướng quân thứ 15 của Mạc phủ Edo là Yoshinobu đã trao lại quyền lực cho Thiên hoàng thứ 122 – Thiên Hoàng Meiji. Nhờ sự kiện đó, Mạc phủ Edo đã bị bãi bỏ, một chính phủ mới với Thiên Hoàng là người đứng đầu đã chính thức ra đời. Nhật Bản đã đặt bước đi trên con đường tiến đến một quốc gia hiện đại. Đây cũng chính là khởi đầu của thời đại Meiji.
Thiên Hoàng được gọi là Arahitogami (Hiện nhân thần), là đức tin của toàn nhân dân. Sự tồn tại đó đôi khi khích lệ cổ vũ tinh thần mọi người, đôi khi lại gây chiến với các nước láng giềng dưới mệnh lệnh của Thiên Hoàng, khiến cho lòng dân hoang mang lo sợ.
Thiên Hoàng là biểu tượng của Nhật Bản
Vào thời kỳ của Thiên Hoàng thứ 124 Showa, Nhật Bản đã tuyên chiến với Hoa Kỳ. Chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu. Cuộc chiến này kéo dài trong vòng 4 năm. Ban đầu, Nhật Bản khiêu chiến với thế thượng phong nhưng dần dần đã bị áp đảo bởi lực lượng quân đội hùng mạnh Hoa Kỳ, cuối cùng đã bại trận vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.
Nhật Bản bị Hoa Kỳ chiếm đóng và phải chịu sự thống trị của Bộ tư lệnh có tên gọi là “GHQ trong một khoảng thời gian ngắn.
GHQ xem những người lãnh đạo trong thời kỳ Chiến tranh Thái Bình Dương là “tội phạm chiến tranh" và đã xử phạt họ. Tuy nhiên, GHQ không xử phạt Thiên Hoàng. GHQ cũng đã tuyên bố rằng Thiên Hoàng không phải thần linh mà chỉ là con người bình thường và tiếp tục công nhật Hoàng gia là “biểu tượng của quốc gia".
Có rất nhiều giả thuyết về lý do tại sao GHQ không bãi bỏ Thiên Hoàng.
Điều duy nhất có thể nói là lịch sử hơn 2000 năm của Nhật Bản và Thiên Hoàng đã luôn song hành cùng nhau, nên có thể nói Thiên Hoàng là “bản sắc" của chính đất nước Nhật Bản.
Trong suốt chặng đường dài của lịch sử Nhật Bản, ngay cả trong thời kỳ mà quyền lực của Thiên Hoàng nhất thời suy yếu, thì giới quý tộc, võ sỹ hay quần chúng nhân dân vẫn không nghĩ đến việc bãi bỏ chức danh Thiên Hoàng. Và dù cho họ có suy nghĩ muốn trở thành họ hàng của Thiên Hoàng đi chăng nữa thì không hiểu sao tuyệt nhiên không ai nghĩ rằng bản thân lại muốn trở thành Thiên Hoàng.
Vấn đề tại sao lại như vậy vẫn đang được nghiên cứu tại Nhật Bản. Nếu được hỏi là tại sao không có một ai bãi bỏ Thiên Hoàng, thì người Nhật thường sẽ nghiêng đầu và tự hỏi “Tại sao lại thế nhỉ?". Chỉ có thể trả lời đơn thuần rằng “Vì Thiên Hoàng là Thiên Hoàng, còn bản thân ta lại không phải là Thiên Hoàng".
Thiên Hoàng hiện tại là ai?
Thiên Hoàng hiện nay là Thiên Hoàng thứ 125, có tên là Akihito. Ông hoạt động rất tích cực trong nhưng công việc gần gũi với nhân dân như là đến thăm những nơi bị thiệt hại do thiên tai, mở tiệc mời những người hoạt động về thể thao, văn hóa đến dự, công khai đất đai và bảo vật thuộc sở hữu của Hoàng gia,…
Vào ngày 1 tháng 5 năm 2019, Thiên Hoàng sẽ từ ngôi và nhường ngôi lại cho Hoàng Thái tử Naruhito Shinno. Việc Thiên Hoàng từ ngôi khi vẫn còn sống như lần này là trường hợp đầu tiên kể từ lần cuối cách đây 200 năm.
Từ thời Thiên Hoàng Meiji, Nhật Bản có một điều luật quy định rằng Thiên hoàng mới sẽ lên ngôi sau khi Thiên Hoàng đương nhiệm qua đời. Tuy nhiên, vị Thiên Hoàng hiện nay, tính tới tháng 12 năm 2018 cũng đã 85 tuổi. Ông nghĩ rằng rất khó để ông có thể hoàn thành nhiệm vụ ở cái tuổi này, vì vậy mà ông rất mong được từ ngôi khi vẫn còn sống, quyền quyết định thuộc về nhân dân.
Người dân Nhật Bản rất tôn trọng vị Thiên Hoàng đã cống hiến và hoành thành tốt nhiệm vụ cho đến khi tuổi quá cao, nên đã chấp nhận việc từ ngôi khi còn sống của ông. Bên cạnh đó, người dân cũng rất háo hức chờ xem niên hiệu sẽ thay đổi như thế nào khi Thiên Hoàng mới lên ngôi.