Lễ hội truyền thống Nhật Bản – Lễ Obon
Tín ngưỡng cổ xưa ở Nhật Bản thờ các vị thần hoá thân từ thiên nhiên, nhưng đồng thời linh hồn của ông bà tổ tiên cũng được xem là “thần" cho con cháu thờ phụng. Cùng với sự du nhập của Phật giáo từ Trung Quốc, lễ Vu Lan của đạo Phật hợp nhất với tín ngưỡng thờ cúng ông bà, từ đó sinh ra lễ Obon của Nhật Bản.
Không ai biết chính xác Obon đã được tổ chức ở Nhật từ bao giờ và vì lý do gì. Người ta cho rằng lễ thờ cúng tổ tiên ban đầu được tổ chức vào mùa Xuân và mùa Thu, nhưng đến khoảng thế kỷ thứ 8 thì chuyển sang mùa Hè. Bên cạnh đó, tục tảo mộ vào mùa Xuân và mùa Thu vẫn tiếp tục được lưu truyền, gọi là mùa “Higan" (Bỉ Ngạn).
Cả Obon và Higan đều là dịp cúng lễ cho linh hồn ông bà tổ tiên. Khác chăng là, “Obon" là thời điểm linh hồn tổ tiên trở lại thế giới bên này và chung vui cùng gia đình, còn “Higan" là mùa tảo mộ và nhớ về người quá cố.
Lịch trình của Lễ Obon
Ở Nhật, rất nhiều công ty cho nghỉ phép vào dịp giữa tháng Tám. Lý do là vì có lễ Obon. Người người nhà nhà “nghỉ lễ Obon" để về quê làm lễ tiệc ăn uống và tưởng nhớ tổ tiên. Trong suy nghĩ của nhiều người, “Obon cũng như Tết", bận đến mấy, xa đến mấy cũng phải trở về quê nhà.
Nói về đặc trưng của Lễ Obon thì theo phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng lịch trình chung có các thủ tục như sau:
Ngày đầu tiên
Chuẩn bị để đón gia tiên, thường là công việc lau dọn nhà cửa, mộ phần.
Thú vị nhất là phong tục “Shoryoma": dùng bốn que diêm hoặc đũa cắm vào làm chân, dựng đứng quả dưa leo hay quả cà tím.
Dưa leo và cà tím ở đây tượng trưng cho phương tiện đưa hương hồn ông bà về, trong đó dưa leo là ngựa, cà tím là bò. Người ta tin rằng linh hồn tổ tiên mình vẫn còn đâu đó ở thế giới bên này và cầu mong ông bà tổ tiên nhanh thì cưỡi ngựa, chậm rãi thì cưỡi bò về với con cháu.
Có người còn khéo tay làm hẳn hình con ngựa chiến như thật bằng dưa leo, vì lẽ “ông tổ nhà này cưỡi ngựa chiến", hoặc tạo hình ô tô, xe máy, con rồng để tổ tiên có thể “đi nhanh hơn so với ngựa".
Đốt lửa dẫn đường
Là thủ tục đốt lửa trước nhà để ông bà dễ quay về, không bị lạc lối. Ở những thành phố đông dân hay có nhiều khu chung cư, việc đốt lửa như vậy bị cấm, do đó những năm gần đây thủ tục này cũng dần hiếm đi.
Bên cạnh đó lại có những nơi tổ chức đốt đống lửa lớn trước chùa hoặc trung tâm hành chính địa phương thay vì đốt tại nhà.
Nhảy Obon
Đây là sự kiện chính của Lễ Obon, diễn ra vào khoảng ngày 15 tháng 8 ở hầu hết các khu vực. Mọi người sẽ cùng ùa xuống phố, quây thành vòng tròn và nhảy múa cùng nhau.
Hoa đăng đưa tiễn
Là lễ đốt lửa vào ngày kết thúc Lễ Obon đễ tiễn ông bà tổ tiên về lại thế giới bên kia, phổ biến hơn nghi thức đốt lửa dẫn đường. Hoa đăng trở thành một sự kiện thường niên của các địa phương với hình thức rất đa dạng: từ đốt lửa tạo thành hình chữ, thả đèn trên sông, trên biển cho đến mở hội pháo hoa…
Phong vị mùa hè Nhật Bản
Ban đầu, Obon là một nghi lễ tôn giáo, kết hợp giữa tín ngưỡng cổ của người Nhật và đạo Phật. Thế nhưng ngày nay nó đã trở thành một sự kiện truyền thống, một phong tục, màu sắc tôn giáo đã phai nhạt đi nhiều.
Được tổ chức ở nhiều địa phương trên lãnh thổ nước Nhật, Lễ Obon chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá phi vật thể và thu hút đông đảo du khách đến tham gia vào giai đoạn ngay giữa kỳ nghỉ hè. Vì vậy có thể nói thời gian diễn ra Lễ Obon là thời kỳ đông vui nhất trên nước Nhật.
Hãy đến Nhật Bản ngay thời điểm đó để chứng kiến thật nhiều điều “rất Nhật" bạn nhé!