Người Nhật cảm nhận thế nào khi học tiếng Việt?
Mới đây mà hết năm 2017 rồi.
Gần đây ở Nhật có vẻ như dịp Halloween còn nổi trội hơn Giáng sinh. Chẳng còn mấy ai hào hứng với không khí năm hết tết đến như lúc xưa, tiết trời cũng lạnh dần, phía bắc Nhật Bản tuyết cũng rơi dày hơn. Cảnh trình chiếu ánh sáng (illumination) trên các con phố dạo này ngày càng hoành tráng hơn, màu sắc lộng lẫy hơn, trông đẹp đến xiêu lòng.
Thời gian này năm ngoái tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh, cảnh đèn chiếu ở đài phun nước lúc ấy quả thật là đẹp. Năm nay thì tôi ở Nhật và vẫn làm việc tới 28 tháng 12 luôn. .
Xin chào các bạn, lại là AY tôi đây. Trong bài viết hôm nay, tôi xin nói về việc người Nhật học tiếng Việt qua những trải nghiệm, cảm nhận của cá nhân tôi.
Ấn tượng ban đầu
Từ hồi tháng một năm rồi tôi đã bắt đầu học tiếng Việt, đến nay cũng sắp tròn một năm.
Mặc dù vẫn chưa có tiến bộ lớn lao gì, suốt một năm qua tôi đã tập trung vào nghe tiếng Việt nên bây giờ không còn cảm thấy lạ lẫm như trước nữa. Tôi có học tiếng Trung, cũng từng có thời gian sống ở Bắc Kinh nên không có trở ngại gì với ngữ âm tiếng Trung nhưng khi nghe tiếng Việt, tôi có cảm giác khá giống với những phương ngữ ở miền nam Trung Quốc.
Thanh điệu tuy khó mà dễ
Tôi từng học tiếng Trung trước rồi nên cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm, nhưng những người lần đầu học tiếng Việt đều ngạc nhiên, thậm chí thấy khó với 6 thanh (thanh điệu) của tiếng Việt. Tiếng Trung có 4 thanh đã gây ấn tượng khó học rồi, đằng này tiếng Việt nghe nói còn tăng thêm 2 thanh nữa, đương nhiên sẽ khiến nhiều người Nhật cho rằng độ khó tăng thêm bội phần.
Lại nói về thanh điệu, tiếng Trung có 4 thanh: ngang (thanh 1), thấp lên cao (thanh 2), giữ thấp (thanh 3) và cao xuống thấp (thanh 4), còn tiếng Việt có thanh kết thúc đột ngột (thanh 6), thanh xuống thấp rồi lên cao, thanh lên cao rồi xuống thấp, chưa kể những điểm khác nhau trong cách phát âm của hai miền nữa, có vẻ rất khó nhằn.
Trong tiếng Trung, không xem từ điển thì không biết là dấu thanh nào, không phát âm được, còn ở tiếng Việt thì cách viết đã bao gồm cả dấu thanh luôn rồi, có thể nói rằng cách viết chỉ dẫn cách phát âm nên về điểm này tôi thấy tiếng Việt khá dễ học.
Sử dụng ngữ pháp: phải tư duy đảo ngược
Về ngữ pháp thì điểm khiến tôi tương đối lúng túng là tính từ cứ nối thêm vào phía sau.
Trong tiếng Nhật, về cơ bản tính từ đứng trước, sau cùng mới là danh từ chính, thế nên tôi cứ không quen thành ra lúng túng. Có thể thấy điểm này khá giống với cấu trúc đại từ quan hệ trong tiếng Anh: phải tư duy đảo ngược trật tự từ so với tiếng Nhật.
Về những cấu trúc câu phủ định, câu nghi vấn, kể cả thời của câu hay thái bị động, tôi thấy cũng không quá khó, nhưng để hiểu chính xác những câu dài thì rõ ràng phải nắm vững ngữ pháp cơ bản.
Lời kết
“Trận chiến” với tiếng Việt của tôi cứ thế cũng qua được đến năm thứ hai rồi. Tôi mong muốn trau dồi thêm vốn từ vựng, nắm chắc ngữ pháp và giao tiếp được trong thực tế.
Tôi bắt đầu học tiếng Trung đến nay cũng gần mười năm, cảm thấy ngôn ngữ nào cách học cũng có điểm chung, thế nên trong năm thứ hai của kế hoạch ba năm này, tôi mong mình đạt được tiến bộ đáng kể.
Các bạn Việt Nam thì sao nào? Khi học tiếng Nhật bạn thường gặp khó khăn ở điểm nào vậy?
Học ngoại ngữ chắc chắn không dễ dàng nhưng đó là sự trải nghiệm đầy thú vị giúp bạn học hỏi được nhiều điều. Hi vọng các bạn tìm thấy niềm yêu thích với đất nước Nhật Bản và thử thách bản thân mình với việc học tiếng Nhật nhé.