Hoa anh đào (2) – Tại sao người Nhật lại thích hoa anh đào đến như vậy?
Biểu đồ trên là kết quả của một cuộc khảo sát về “Xếp hạng các loài hoa mà người Nhật yêu thích” tiến hành vào tháng 5 năm 2015. Theo như khảo sát này, chúng ta có thể thấy 53% nam giới và 54% nữ giới đã bỏ phiếu cho hoa anh đào. Như vậy hoa anh đào chiếm vị trí số một đối với nam giới và thứ hai đối với nữ giới chỉ xếp sau hoa hồng. Thỉnh thoảng vẫn có những khảo sát tương tự thế này, nhưng hầu hết lúc nào hoa anh đào cũng chiếm thứ hạng cao. Vậy thì, tại sao người nhật lại yêu thích hoa anh đào nhiều đến như vậy?
Trong bài viết “người Nhật và hoa anh đào" kỳ trước, tôi đã giới thiệu rằng hoa anh đào đã xuất hiện ở Nhật Bản từ thời cổ đại, và từ ngàn xưa đã luôn được tôn trọng như là nơi các vị thần tọa ngồi. Hoa anh đào luôn được người ta yêu mến và xem như biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng, hay biểu tượng của những người phụ nữ xinh đẹp. Sự yêu mến đó vẫn luôn được lưu truyền từ thời cổ đại đến thời hiện đại ngày nay, khiến hoa anh đào luôn có một chỗ đứng đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản. Đối với người Nhật, hoa anh đào như chính bản thân mỗi người họ, đó chính là “một phần quan trọng tạo nên con người Nhật Bản”. Tôi cảm thấy rằng những bối cảnh lịch sử này có sức ảnh hưởng lớn đến lý do tại sao người Nhật vô cùng yêu thích hoa anh đào và luôn có một cảm giác rất đỗi thân thương đối với loài hoa này.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những lý do khác lý giải tại sao người Nhật lại yêu hoa anh đào đến thế. Và thông qua hoa anh đào, tôi hy vọng bạn sẽ cảm nhận được phần nào “linh hồn" của “Nhật Bản".
1. Vì hoa anh đào nở rộ đẹp vô cùng
Hoa anh đào nở rộ sẽ nhuộm màu cảnh vật xung quanh với vô vàn cánh hoa màu hồng nhạt tuyệt đẹp. Dù là so với hoa mận hay hoa đào, hoa anh đào vẫn luôn áp đảo về số lượng hoa và độ trưởng thành của cây. Lá hoa anh đào chỉ phát triển khi mà hoa đã rụng nên cả cây hoa anh đào khi nở rộ sẽ nhuộm độc một màu hồng. Cụm từ “Khoe sắc nở rộ” thật vô cùng phù hợp với cảnh tượng này. Hình ảnh đó thật đẹp và khiến người ta không thể không đem lòng yêu được.
2. Vì vẻ đẹp của hoa không kéo dài
Khoảng thời gian từ khi hoa anh đào bắt đầu nở đến khi lìa cành chỉ vỏn vẹn có hai tuần mà thôi. Vừa mới thấy hoa khoe sắc đó mà chẳng mấy chốc đã lụi tàn cả rồi. Người Nhật cho rằng vẻ đẹp cao quý nhất chính là “vẻ đẹp chỉ có lúc này mới có” hay “vẻ đẹp trong thoáng chốc”. Chính là để thưởng thức được cái “Tuần” (mùa) trong thoáng chốc nên người ta mới có quan niệm về “Túy” (trong “tinh túy") – sự thanh nhã. Cách nghĩ này có thể là do ảnh hưởng của Phật giáo. Chắc mọi người cũng biết Phật giáo có quan niệm về “Vô thường”, với ý nghĩa không có gì là bất biến, vạn vật đều sẽ phải đổi thay. Đối với người Nhật, hoa anh đào vô cùng phù hợp với quan niệm này, vì nó là loài hoa dễ chạm tới tâm tư của họ nhất.
3. Vì cảnh hoa rơi đẹp đến nao lòng
Khi vừa qua khỏi thời điểm nở rộ nhất thì chỉ cần một cơn gió nhẹ thoáng qua là cánh hoa đã bị cuốn theo gió mất rồi. Cảnh tượng đó đẹp như tuyết rơi vậy, chính vì thế cảnh tượng mà các cánh hoa bị thổi bay cùng một lúc được ví như cảnh tuyết rơi dày đặc với cụm từ tiếng Nhật “Sakura fubuki” (桜吹雪) (hoa anh đào rụng như tuyết rơi). Ngoài ra, nếu nghĩ tới việc hoa chỉ nở trong một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ cảm nhận được cả “hơi thở cuộc sống" và “sự mong manh" trong những cánh hoa anh đào đang lụi tàn quá nhanh đến ngỡ ngàng kia, và từ đó liên tưởng đến một “đời người”.
Một trong những suy nghĩ ăn sâu trong thế giới tinh thần của người Nhật chính là “Võ sĩ đạo”. Nền tảng của võ sĩ đạo là cách sống luôn tự chất vấn bản thân những câu hỏi như “Phải sống làm sao để khi lìa xa trần thế này, tôi không có gì phải hối hận và cũng không phải hổ thẹn với bất cứ ai?”, hay “Liệu tôi đã sống hết mình để không phải luyến tiếc bất kỳ điều gì khi chết chưa?". Và trong thế giới đấy của các Samurai, cách sống như hoa anh đào được cho là đẹp nhất. Khi nở, hoa tự tin khoe sắc, thu hút rất nhiều ánh mắt người đời. Khi thời gian đã hết, hoa cũng không luyến tiếc mà “hiên ngang” lìa cành. Hoa anh đào khi nở rộ cũng đẹp mà khi tàn cũng đẹp không kém. Bản thân tôi, là một con người, cũng muốn sống “đẹp” như hoa anh đào vậy. Hoa anh đào thật sự phù hợp với nét mỹ học độc đáo cũng như tâm linh người Nhật Bản.
4. Vì hoa anh đào có trên mọi miền đất nước Nhật Bản
Hoa anh đào dường như rất hợp với khí hậu Nhật Bản. Dù cho bạn có đến Hokkaido ở phía bắc hay về Okinawa ở phía Nam, bạn cũng đều thấy được hoa anh đào khắp mọi nơi. Nó dễ dàng đi vào các câu chuyện đời sống của người dân và nó cũng là một loài hoa quen thuộc mà người ta có thể nhìn thấy những thay đổi của nó từng ngày một.
Tất nhiên, chín người mười ý, suy nghĩ về hoa anh đào của mỗi người cũng khác nhau. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng đa số người Nhật sẽ đồng tình với những lý do trên.
Cuối cùng, để kết thúc bài biết này, tôi xin giới thiệu một số bài Waka cổ (Hòa ca – thơ 31 âm tiết của Nhật), thể hiện xuất sắc những suy nghĩ của người Nhật về hoa anh đào.
世の中に たえて桜の なかりせば 春の心は のどけからまし – Ví như đời này không có hoa anh đào thì tâm xuân này chắc đã bình an hơn
Đây là một bài thơ được viết bởi nhà văn thời Heian – Ariwara no Narihira. Bài Waka này có nghĩa là “Nếu không có hoa anh đào trên đời này, thì chắc ta đã có thể trải qua mùa xuân với cảm giác ôn hòa rồi". Tất nhiên, ý “phải chi không có hoa anh đào thì tốt biết mấy" không phải là những lời thật lòng. Đó là khúc ca thể hiện ngược cái cảm giác nuối tiếc vẻ đẹp của hoa anh đào với ý “Này hoa anh đào tuyệt đẹp ơi, xin đừng úa tàn mà hãy cứ nở rộ mãi như thế nhé".
願わくは 花の下にて 春死なん そのきさらぎの 望月のころ – Nguyện được chết dưới tán hoa anh đào vào mùa xuân, hướng mắt nhìn trăng tròn tháng hai.
Bài Waka này được viết bởi Saigyo Houshi, một nhà sư, nhà thơ ở thời Heian. Bài này có nghĩa là “Nếu có thể, tôi muốn chết dưới tán hoa anh đào vào mùa xuân. Đức Phật đã chết vào khoảng trăng tròn ngày 15 tháng 2 âm lịch". Ai rồi cũng sẽ chết đi. Nếu đã là như thế, nhà thơ muốn kết lại kiếp người của mình khi được bao quanh bởi vẻ đẹp của hoa anh đào. Tâm tư này cũng dễ lý giải phải không?
敷島の 大和心を 人問はば 朝日に匂ふ 山桜花 – Nếu ai hỏi tôi về tâm hồn Nhật Bản, tôi sẽ nói đó chính là cây anh đào hoang dã nở hoa lấp lánh dưới nắng sớm.
Bài thơ này được viết bời Motoori Norinaga, một học giả thời Edo. “Nếu có ai hỏi tôi tâm hồn người Nhật là gì, thì tôi sẽ trả lời rằng nó giống như hoa của cây anh đào nơi miền núi đẹp rạng rỡ vào buổi sáng." Với hình ảnh cây hoa anh đào miền núi vốn dĩ giản đơn, nhà thơ đã vẽ nên hình ảnh một người Nhật lý tưởng với vẻ đẹp thanh lịch cùng sự sang trọng như cây hoa anh đào vậy.