Giảm thải carbon: Nhật Bản hướng đến chấm dứt hẳn vào năm 2050

Trái đất, mẹ thiên nhiên của muôn loài, đang phải chịu những tác động xấu từ các loại khí thải, khí nhà kính, trong đó có carbon dioxide (CO2) với mức độ ô nhiễm trầm trọng, dẫn đến khí hậu biến đổi bất thường. Vấn đề đặt ra cho toàn thế giới, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có những giải pháp cụ thể và hiệu quả. Không nằm ngoài các quốc gia đó, Nhật Bản cũng đã đưa ra mục tiêu chung cho đất nước, hướng đến chấm dứt hẳn việc thải carbon vào năm 2050 với tuyên bố của Thủ tướng Suga vào cuối năm 2020 vừa qua. 

1. Tuyên bố của thủ tướng Nhật Bản

Ngày 26 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Suga Yoshihide đã có bài phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội đầu tiên kể từ khi ông lên nắm quyền. Tại phiên họp, Thủ tướng Suga đã đưa ra mục tiêu trung hòa lượng khí thải carbon xuống 0% vào năm 2050. Đây là lần đầu tiên thủ tướng Nhật Bản đưa ra cột mốc thời gian cụ thể để hiện thực hóa một xã hội không có carbon.

Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Tham vọng khí hậu – Nỗ lực vì tương lai xanh tổ chức vào ngày 12 tháng 12 năm 2020 với sự tham gia của hơn 70 nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Nhật Bản một lần nữa khẳng định mục tiêu của Nhật là hướng tới một xã hội xanh không carbon thông qua nhữncông nghệ đột phá như tái chế carbon, nhiên liệu hydro hay phương tiện giao thông chạy bằng điện.

Theo đó, các cụm từ 脱炭素 (datsutanso) trong tiếng Nhật, carbon neutrality trong tiếng Anh hay giảm thải carbon trong tiếng Việt đã trở nên phổ biến và được xem là mục tiêu hướng đến đối với vấn đề môi trường của Nhật Bản nói riêng cũng như các nước trên toàn thế giới nói chung. Theo trang báo kinh tế Nikkei uy tín của Nhật, cụm từ 脱炭素 được diễn giải là việc giảm phát thải khí nhà kính bao gồm carbon dioxide – một trong những nguyên nhân gây ra sự nóng lên toàn cầu, về mức thực tế bằng không.

Theo Liên minh Châu Âu (EU), cụm từ carbon neutrality được giải thích với ý nghĩa trung hòa carbon có nghĩa là không phát thải carbon ròng vào khí quyển trong quá trình sản xuất năng lượng (không bao gồm cơ sở hạ tầng). Hay cách diễn giải cụ thể hơn theo Nghị viện Châu Âu: trung hòa carbon có nghĩa là sự cân bằng giữa lượng carbon thải ra và lượng carbon hấp thụ từ khí quyển trong bể chứa carbon. Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0, tất cả lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trên toàn thế giới sẽ phải được cân bằng bằng cách hấp thụ carbon. Bể chứa carbon là bất kỳ hệ thống nào hấp thụ nhiều carbon hơn lượng carbon thải ra. Và các bể chứa carbon tự nhiên chính là đất, rừng và đại dương.

2. Chính phủ, doanh nghiệp

Về phía chính phủ, Nhật Bản có các biện pháp thúc đẩy những nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện ý tưởng xã hội kĩ thuật số, nghiên cứu lĩnh vực thế hệ mới của pin năng lượng mặt trời và tái chế carbon, hiện đang rất được chú trọng. Bên cạnh đó, việc giảm dần phát điện đốt than kiểu cũ, khuyến khích các công ty điện lực đình chỉ hoặc loại bỏ phát điện đốt than, thông qua các quy định mới theo quy định của pháp luật về hiệu quả phát điện đốt cũng được chính phủ xem xét thực hiện.

Nhật Bản đặt trọng tâm vào việc sản xuất điện gió ngoài khơi theo kế hoạch tăng trưởng xanh, với mong muốn tạo ra tới 45 gigawatt điện trong những thập kỷ tới. Phát triển các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân sử dụng công nghệ thu giữ carbon để đáp ứng các nhu cầu về điện của quốc gia. Xem xét hệ thống mới giúp các nhà sản xuất điện dễ tiếp cận hơn bằng cách tăng trợ cấp khi bán điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Chính phủ Nhật cũng xem xét kế hoạch cho chính sách năng lượng trung và dài hạn nhằm đạt được 22 – 24% năng lượng tái tạo, 20 – 22% năng lượng hạt nhân và 56% năng lượng nhiệt điện vào năm 2030. Đến giữa năm 2030, mong muốn có thể loại bỏ hoàn toàn các phương tiện chở khách mới chạy bằng xăng và có kế hoạch thay thế chúng bằng xe điện, xe xăng lai điện hybrid và xe lắp động cơ pin nhiên liệu. Chính phủ Nhật Bản cũng có các chính sách để giảm chi phí pin cho các loại xe này.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang sử dụng công nghệ sản xuất điện từ amoniachydro làm năng lượng cho thế hệ tiếp theo không phát ra carbon dioxide, cũng như phát triển một công nghệ được gọi là phục hồi carbon để tái chế carbon dioxide, sử dụng chúng cho nhiên liệu và hóa chất, tiến tới đẩy nhanh đổi mới công nghệ vào năm 2050.

Nguồn: https://www.env.go.jp

Theo bản đồ Chính quyền địa phương tuyên bố gần như không phát thải carbon dioxide năm 2050, tính đến ngày 9 tháng 7 năm 2021, đã có 420 chính quyền địa phương bao gồm 40 quận, 249 thành phố, 10 phường đặc biệt, 101 thị trấn, 20 làng với tổng dân số các địa phương khoảng 110,9 triệu người, trong đó có các thành phố lớn Tokyo, Kyoto Yokohama đã thực hiện tuyên bố trên.

Để đạt được xã hội carbon thấp, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đang có những đóng góp tích cực vào mục tiêu chung. Vào tháng 6/2020, Keidanren, một trong ba tổ chức kinh tế xã hội lớn nhất Nhật Bản, đã công bố dự án Zero Challenge, thiết lập một cơ chế cho phép các công ty làm việc với các ngành công nghiệp, trường đại học khác nhau để giới thiệu các công nghệ mới nhất nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực.

Hãng hàng không Japan Airlines Co. (JAL) sẽ thay thế nhiên liệu máy bay thông thường bằng các nguồn năng lượng thay thế cho tất cả các chuyến bay nội địa từ năm 2040. JAL hiện đang hợp tác với công ty thương mại Marubeni Corp. trong việc phát triển nhiên liệu có nguồn gốc từ nhựa phế thải với mục tiêu đi vào sản xuất vào khoảng năm 2027. JAL cũng đang xem xét khai thác quỹ trị giá 2.000 tỷ Yên do chính phủ dẫn đầu, vốn được thiết lập để thúc đẩy sự đổi mới nhằm giải quyết các vấn đề môi trường.

Bộ Đất đai – Hạ tầng – Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đang xem xét khả năng tăng cường khai thác các đập thủy điện để nâng công suất phát điện và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thông qua các cuộc điều tra cụ thể, MLIT sẽ soạn thảo lộ trình tăng công suất phát điện bằng thủy điện, trong đó đưa ra các mục tiêu định lượng trung và dài hạn cũng như cân nhắc lắp đặt thiết bị phát điện ở các đập thủy điện này.

3. Cá nhân, hộ gia đình

Để thực hiện mục tiêu giảm thải carbon, không chỉ chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản, mà những thay đổi từ các cá nhân, hộ gia đình cũng đóng góp vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua việc thay đổi những thói quen nhỏ khi ở nhà, di chuyển hay làm việc, hoặc có thể tính đến việc đầu tư vào các quỹ năng lượng bền vững ESG đề cao các yếu tố môi trường, các cá nhân và gia đình Nhật Bản cũng đã góp phần thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với tương lai đất nước. Khi ở nhà, mọi người có thể mặc quần áo thích hợp với thời tiết để giảm thiểu việc sử dụng điều hòa. Khi sử dụng điều hoà thì tối ưu hoá cài đặt nhiệt độ với các chế độ Cool Biz, Warm Biz. Giảm thời gian tắm còn một phút, nước nóng còn lại trong bồn tắm được sử dụng để giặt. Hạn chế việc sử dụng nhựa dùng một lần như túi mua sắm, chọn sản phẩm có bao bì đơn giản hơn hay sử dụng hộp đựng, túi đựng khi đi mua sắm là các biện pháp hữu ích. Khi di chuyển, cá nhân có thể đi bộ, đi xe đạp và ưu tiên các phương tiện công cộng, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Thực hành lái xe sinh thái như không để động cơ chạy không tải, lái xe êm dịu, bảo dưỡng xe thường xuyên. Giảm các chuyến đi du lịch thực tế, thay vào đó có thể sử dụng các dịch vụ trực tuyến khác nhau. Sinh sống gần nơi làm việc. Cải cách phong cách làm việc thông qua các cuộc họp trực tuyến, làm việc tại nhà, v.v. cũng là các giải pháp cần được lan rộng. Các cá nhân, hộ gia đình cũng cần xem xét lại việc sử dụng năng lượng trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như điện. Thay thế các thiết bị gia dụng như tủ lạnh, đèn và điều hòa không khí, từ bóng đèn sợi đốt sang sử dụng đèn LED, hay chuyển sang sử dụng điện từ, các công ty điện lực cung cấp 100% năng lượng tái tạo. Sử dụng máy nước nóng hiệu suất cao. Tạo một môi trường sống trong lành và thoải mái bằng cách tu sửa cửa sổ và tường bằng vật liệu cách nhiệt, chống thiên tai và lắp đặt các tấm pin mặt trời trong nhà. Bên cạnh đó, áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, giảm thải hoặc loại bỏ thất thoát thực phẩm tại nhà, thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Khi mua xe mới, ưu tiên xem xét những chiếc xe thân thiện với môi trường với lượng khí thải carbon dioxide thấp, không những thân thiện với môi trường mà còn tiết kiệm xăng chẳng hạn như xe lai điện hybrid hoặc xe điện. Đồng thời, việc sử dụng xe điện cũng góp phần vào mục tiêu thúc đẩy các sản phẩm công nghệ xanh, thực hiện mục tiêu giảm thải carbon chung của Nhật Bản.

4. Tổng kết

Như vậy, với mục tiêu giảm thải carbon vào năm 2050 mà thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã đề ra, toàn thể chính phủ, doanh nghiệp, các hộ gia đình và người dân đất nước mặt trời mọc đều đang ra sức thực hiện các giải pháp cụ thể, mang tính hiệu quả cao, nhằm đạt được mong muốn của quốc gia đối với vấn đề môi trường – một vấn đề cấp bách hiện nay. Cùng với Nhật Bản, Việt Nam cũng có các chính sách, thực hiện các biện pháp hữu hiệu trong vấn đề môi trường, từ cá nhân đến tổ chức, từ người dân đến chính phủ. Cả hai nước đều nỗ lực chung tay với toàn thế giới giải quyết bài toán toàn cầu đối với vận mệnh trái đất.