Gia vị Nhật Bản – Các món ăn sử dụng miso tiêu biểu của Nhật Bản
Trong phần thứ 3 về Miso – Gia vị Nhật Bản này, mời các bạn cùng tìm hiểu về “Các món ăn sử dụng miso tiêu biểu của Nhật Bản". Trước khi giới thiệu cụ thể về các món ăn có sử dụng miso, tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn những cách để bảo quản miso.
Miso là một loại thực phẩm lên men. Tùy thuộc vào thời gian và nhiệt độ mà miso sẽ chuyển sang màu đỏ và mùi vị cũng bị thay đổi theo. Lúc đó, có thể nói là miso đã bị “thâm".
Hiện tượng này là do sự phản ứng của các thành phần vốn có trong miso, do vậy mà dù miso vẫn được bảo quản trong tình trạng chưa mở bao bì thì hiện tượng này vẫn sẽ xảy ra. Bằng cách bảo quản đúng đắn, bạn có thể ngăn chặn quá trình lên men của miso và duy trì được hương vị của miso đấy.
Bảo quản trong tủ lạnh
Quá trình thâm hóa miso sẽ tiến triển rất nhanh nếu ta để miso ở nhiệt độ thường. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu chúng ta bảo quản miso trong tủ lạnh. Nếu bảo quản lạnh, hạn sử dụng của miso có thể lên đến khoảng 1 năm (ở nhiệt độ bình thường, hạn sử dụng của miso chỉ có 3 tháng). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể bảo quản miso trong tủ đông. Miso không bị đóng băng ngay cả khi đặt trong tủ đông. Dù lúc vừa lấy ra, miso sẽ hơi cứng nhưng bạn vẫn có thể sử dụng ngay.
Bọc kín bằng màng bọc thực phẩm
Sau khi đã mở bao bì, để tránh việc bề mặt của miso bị khô và oxy hóa, bạn hãy bỏ miso vào trong một cái hộp có thể đậy kín, bọc nó bằng màng bọc thực phẩm rồi đóng nắp lại, như vậy sẽ ngăn miso tiếp xúc với không khí.
Tiếp theo đây, tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những món ăn sử dụng miso tiêu biểu của Nhật Bản và cả cách chế biến nữa!
Các món ăn sử dụng miso tiêu biểu của Nhật Bản
Cá thu kho miso
Nguyên liệu (dành cho 4 người ăn): phi lê cá thu (4 miếng), nước (100cc), rượu sake (50cc), rượu mirin (3 muỗng canh), đường (3 muỗng canh), nước tương (1 muỗng canh), miso (3 muỗng canh), gừng (1 lát)
1. Rưới nước nóng lên cả mặt trước và mặt sau phi lê cá thu để loại bỏ mùi tanh.
2. Cho nước, rượu sake, rượu mirin, đường, nước tương vào chảo, đun cho đến khi hỗn hợp trên sôi sùng sục thì cho cá thu và gừng vào, vặn lửa vừa.
3. Để món ăn không bị cháy, bạn nhớ thỉnh thoảng khuấy đều nước kho và rưới lên mặt trên của miếng cá. Nấu khoảng 10~13 phút cho đến khi nước kho sệt lại thì tắt bếp. Lấy cá ra đĩa, rắc gừng cắt sợi lên trên và thưởng thức. ※ Ngon nhất khi dùng với cơm trắng đấy!
Mì udon hầm miso
Nguyên liệu (dành cho 2 người ăn): đùi gà (100g), udon luộc rồi (2 vắt), miso đỏ (80g), nước dùng dashi (làm từ bột cá) (5g), tàu hủ chiên (2 miếng), nấm (100g), trứng sống (2 quả)
1. Cho 1 lít nước vào nồi và đun nóng, đến khi nước sôi thì cho đùi gà (cắt miếng vừa ăn), tàu hủ chiên, hành tây thái lát và nước dashi vào, đun nhỏ lửa.
2. Nấu khoảng 3 phút thì cho udon vào.
3. Tiếp tục cho miso đỏ vào khi hỗn hợp trên bắt đầu sôi.
4. Khi hỗn hợp sôi thêm lần nữa, chúng ta đập trứng cho vào nồi và tắt bếp. Ở Nhật, trứng sẽ được ăn trong tình trạng còn tái như hình bên.
Namero
Nguyên liệu (dành cho 2 người ăn): cá sòng (cắt thành 3 miếng, dùng làm sashimi) (120g), hành lá (nửa cây), gừng (1 lát lớn), miso (1 muỗng canh), lá tía tô (nếu có)
1. Thái nhỏ hành lá và gừng. Cắt cá sòng thành lát mỏng, sau đó cắt nhỏ.
2. Sau khi cá sòng đã được cắt nhỏ, chúng ta cho hành lá, gừng và miso lên trên rồi dùng dao băm nhỏ.
3. Trang trí lá tía tô vào thành phẩm và chúng ta có được món namero. ※ Món này trộn với cơm trắng ăn cũng rất ngon!
Thịt cốt lết sốt miso
Nguyên liệu (dành cho 2 người ăn): [Nước sốt] nước (100cc), miso đỏ (2 muỗng canh), miso vàng (1 muỗng canh), đường (4 muỗng canh). [Thịt cốt lết] thịt thăn (2 miếng), muối tiêu (1 lượng nhỏ), bột mì (1 lượng nhỏ), trứng (2 quả), vụn bánh mì (1 lượng nhỏ), 1/4 bắp cải
1. Bước đầu tiên chính là bước làm nước sốt. Cho hết tất cả nguyên liệu làm nước sốt vào nồi và đun nhẹ. Vừa nấu vừa khuấy đều hỗn hợp trên lửa nhỏ cho đến khi hỗn hợp đặc sánh lại còn phân nửa thì hoàn thành.
2. Công đoạn tiếp theo chính là làm thịt cốt lết. Các bạn ướp thịt với một ít muối tiêu, rồi nhúng toàn bộ miếng thịt vào bột mì, sau đó ngâm thịt vào trứng sống rồi lăn qua vụn bánh mì sao cho vụn bánh dính đều khắp miếng thịt.
3. Cho một lượng lớn dầu trộn sa lát vào chảo, đun bằng lửa vừa cho đến khi dầu đạt 170ºC thì cho thịt vào chiên sao cho hai mặt thịt vàng ươm màu lúa mì.
4. Trải đều phần bắp cải đã được cắt sợi trên dĩa, sau đó đặt thịt lên trên rồi rưới nước sốt miso lên miếng thịt.
Cơm nắm miso nướng
Nguyên liệu (dùng cho 2 nắm cơm): gạo (1 lon), miso (miso đỏ hoặc vàng đều được)
1. Nấu cơm rồi nắm thành cơm nắm.
2. Đặt giấy nấu ăn lên mặt chảo, bật lửa và đợi đến khi chảo nóng thì cho cơm nắm vào nướng. Trong lúc đang nướng, ta phết miso lên mặt trên của cơm.
3. Nướng khoảng 1 phút thì lật cơm nắm lại và phết miso lên mặt kia của cơm.Sau khi mặt còn lại nướng xong thì tiếp tục lật cơm nắm lại một lần nữa để nướng lớp miso vừa được phết lên.
4. Khi cả hai mặt cơm đều đã giòn thì hoàn thành.
Lẩu Ishikari
Nguyên liệu (dành cho 2 người ăn): phi lê cá hồi (2 lát), cải thảo (3~4 lá), cà rốt (1/3 củ), khoai tây (1 củ vừa), nấm đùi gà (1/2 gói), hành tây (1/2 cây), tảo muối (5cm), 3 cốc nước, rượu sake, rượu mirin, nước tương (mỗi thứ 1 muống canh), miso (2~3 muỗng canh), bơ (tùy theo sở thích)
1. Cho nước vào nồi, cho tảo bẹ vào ngâm trong 30 phút. Trong lúc đó, chúng ta cắt cá hồi, khoai tây và nấm đùi gà thành những miếng vừa ăn, cắt bắp cải thành từng miếng dài khoảng 4cm và cà rốt là 2cm, cắt hành tây theo đường chéo.
2. Bật lửa, khi nước trong nồi sôi thì vớt tảo bẹ ra và cho các loại rau củ cứng như khoai tây và cà rốt vào. Sau khi nước sôi thì nấu thêm khoảng 3 đến 5 phút để rau được chín.
3. Cho cá và các loại rau còn lại vào nồi, tiếp tục cho thêm rượu sake, rượu mirin, nước tương và miso vào rồi nếm thử. Khi nồi lẩu sôi nhẹ thì tắt bếp, cho thêm bơ nếu bạn muốn. ※ Lẩu Ishikari chính là đặc sản của vùng Hokkaido đấy!
Súp miso
Tôi vừa giới thiệu đến các bạn một số món ăn nấu cùng miso, nhưng một khi đã nói đến các món ăn sử dụng miso tiêu biểu thì đương nhiên không thể nào không nhắc đến món súp miso quen thuộc được! Dĩ nhiên là không mấy ai lại chỉ ăn mỗi canh miso được, mà còn có cơm và thức ăn nữa. Nhưng khi ta dùng bữa cùng món canh miso, chính món ăn này làm tăng thêm hương vị của cơm và thức ăn, khiến chúng trở nên ngon và dễ ăn hơn.Quả thật, súp miso chính là món ăn phụ không thể thiếu trong các bữa ăn của Nhật Bản.
Cách làm rất đơn giản.
1. Cho 320cc nước và nước dashi (thường làm từ bột cá) vào nồi và bật bếp, tiếp tục cho các nguyên liệu yêu thích của bạn vào và đun sôi.
2. Sau khi nước sôi và các nguyên liệu đã chín thì tắt lửa.
3. Cho miso vào nồi, vừa khuấy cho miso tan đều vừa quan sát màu sắc và hương vị của súp. Đun sôi súp thêm một lần nữa rồi tắt bếp.
Điểm đặc biệt của súp miso chính là bạn có thể tạo ra và thưởng thức nhiều loại súp miso khác nhau bằng cách cho thêm hoặc thay đổi các nguyên liệu của súp. Tùy vào nguyên liệu mà chúng ta có được những nước dùng chất lượng cho món súp miso của chúng ta thêm ngon. Tôi xin giới thiệu với các bạn một số món súp miso khác nhau thông qua hình ảnh dưới đây.
Như vậy, tôi đã giới thiệu với các bạn về miso – một loại gia vị tiêu biểu của ẩm thực Nhật Bản qua 3 phần rồi.
Như các bạn thấy đấy, các món ăn nấu cùng miso có rất nhiều ưu điểm như là vừa ngon, vừa tốt cho sức khỏe, lại còn chống lão hóa nữa. Vì vậy mà các bạn cũng thử kết hợp miso trong các món ăn hằng ngày của gia đình bạn nhé!