Nhà máy dệt Tomioka và ngành công nghiệp tơ lụa được công nhận là Di sản thế giới
Từ thời cổ đại, Nhật Bản đã du nhập kỹ thuật từ Trung Quốc và tự mình sản xuất tơ lụa. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm làm ra lại thua xa tơ lụa Trung Hoa, vì vậy giới quý tộc Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ sử dụng tơ lụa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến ngành công nghiệp sản xuất tơ lụa ở nước này trở nên lạc hậu trong một khoảng thời gian dài.
Mãi đến thế kỉ 17, ngành công nghiệp lụa ở Nhật Bản mới cố gắng cải thiện chất lượng sản phẩm. Dần dần, tơ lụa trong nước có chất lượng ngày càng cao, đến thế kỉ 18 đã hầu như không còn sự khác biệt nào so với tơ lụa Trung Quốc.
Bước sang thế kỉ 19, khi việc giao lưu với các nước phương Tây càng lúc càng được đẩy mạnh thì ở Nhật Bản cũng diễn ra Cách mạng công nghiệp. Và một trong những ngành công nghiệp chính của cuộc cách mạng ấy chính là ngành tơ lụa. Tiếp đó, đến những năm đầu của thế kỉ 20, sản lượng lụa của Nhật Bản đã vượt lên trên Trung Quốc, trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất tơ lụa.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, ngành công nghiệp tơ lụa Nhật Bản ở trên đà suy thoái và lui về vị trí thứ 5 trên thế giới. “Nhà máy dệt Tomioka" ở tỉnh Gunma cũng đã từng là nhà máy góp phần không nhỏ cho ngành sản xuất tơ lụa Nhật Bản trước đây.
Lý do được chọn làm di sản thế giới
Nhà máy dệt Tomioka là nơi cho thấy rõ rệt quá trình cải tiến từ kỹ thuật dệt lụa truyền thống địa phương sang kỹ thuật của Pháp – tiêu chuẩn sản xuất lụa của thế giới vào thời điểm đó. Bắt nguồn từ nhà máy này, cuộc cách mạng lan rộng khắp nước Nhật, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia sản xuất lụa đứng đầu thế giới. Chính vì lí do đó, nhà máy dệt Tomioka đã được công nhận là di sản thế giới.
Bên cạnh đó, cách xây dựng và lối kiến trúc của nhà máy này còn phản ánh được diện mạo của nền công nghiệp cận đại Nhật Bản.
Quần thể di sản thế giới
Nhà máy dệt Tomioka cùng những di tích lịch sử liên quan được công nhận là quần thể di sản thế giới.
1. Nhà máy dệt Tomioka (富岡製糸場)
Được xây dựng vào năm 1872, nhà máy dệt Tomioka là toà nhà bằng gạch có kết cấu khung bằng gỗ. Cho đến hiện tại, ngoài nhà máy này, không còn nơi nào lưu giữ được nhà máy khung gỗ trong tình trạng gần như nguyên vẹn so với thời điểm lúc bấy giờ.
Tại nhà máy dệt này, lượng công nhân là phụ nữ chiếm đa số, nguyên nhân là vì người dân tỉnh Gunma cho rằng “nữ giới có sức mạnh kinh tế hơn nam giới", đây là một quan điểm vô cùng hiếm hoi và khác biệt so với giá trị quan chung ở Nhật Bản thời bấy giờ. Cánh mày râu ở đây thường nói rằng “vợ tôi làm việc rất chăm chỉ, cô ấy là số một ở Nhật Bản", từ đó sinh ra cụm từ “Kakaa Tenka" (かかあ天下, “kakaa" tiếng địa phương nghĩa là vợ) dùng dể chỉ những cặp vợ chồng mà người vợ có “quyền lực" hơn.
Có rất nhiều phụ nữ trong vùng đến nhà máy Tomioka làm việc, và bên trong khuôn viên nhà máy còn có cả trường cao đẳng và kí túc xá cho công nhân. Điều này là bởi lúc bấy giờ, rất nhiều người phải hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc mới có thể làm việc, vì vậy mà nhà máy dệt Tomioka đã xem việc giáo dục cho những nữ công nhân của mình như một trách nhiệm với xã hội mà bản thân công ty phải thực hiện.
Tuy nhiên, bước vào những năm 1970, ngành công nghiệp sản xuất tơ lụa tại Nhật Bản ngày càng giảm sút, cuối cùng vào năm 1987 nhà máy đã ngừng hoạt động.
Hiện nay, một phần của nhà máy đã được bố trí lại thành điểm tham quan du lịch.
Địa chỉ | 1-1 Tomioka, thành phố Tomioka, tỉnh Gunma |
Thời gian mở cửa | 9:00~17:00 |
Ngày nghỉ | 29/12~31/12 |
Vé vào cổng | Người lớn: 1000 yên Học sinh THPT/đại học: 250 yên Học sinh tiểu học/THCS: 150 yên |
URL | http://www.tomioka-silk.jp/tomioka-silk-mill/ |
Di chuyển | Từ ga Joshu Tomioka (上州富岡駅) thuộc tuyến Joshin (上信線) tàu Joshin Railway, đi bộ khoảng 15 phút |
2. Nhà Tajima Yahei (田島弥平旧宅)
Tajima Yahei (田島弥平) là người nuôi tằm có ảnh hưởng lớn đến cuộc cách mạng công nghiệp ở Nhật Bản vào thế kỉ 19. Ngôi nhà của ông đã được bố trí lại để phù hợp với kỹ thuật nuôi tằm mà ông đề xuất.
Không chỉ là người sáng tạo ra kỹ thuật nuôi dưỡng con tằm mà ông còn có công trong việc phổ biến cách tạo ra môi trường nuôi dưỡng tằm thích hợp đến mọi người.
Mặc dù được công nhận là một phần của quần thể di sản thế giới, ngôi nhà hiện tại vẫn có người sinh sống và chủ nhà cũng nguyện ý cho phép du khách dừng trước sân để tham quan, vì vậy nếu có dịp ghé thăm thì bạn đừng quên giữ sự yên tĩnh cho gia chủ nhé!
Ngoài ra, gần khu vực đó còn có “Quầy thông tin Nhà Tajima Yahei" là nơi giải thích về ngôi nhà bằng mô hình và các bảng điều khiển.
Địa chỉ | 2243 Kou, Sakaishimamura, thành phố Isesaki, tỉnh Gunma (nhà Tajima Yahei) 1968-40 Sakaishimamura, thành phố Isesaki, tỉnh Gunma (quầy thông tin nhà Tajima Yahei) |
Thời gian mở cửa | 9:00~16:00 |
Ngày nghỉ | 29/12~03/01 |
Phí vào cổng | Miễn phí |
URL | https://www.city.isesaki.lg.jp/kanko/rekishi/isan/5418.html |
Di chuyển | Từ ga Sakaimachi (境町駅) tuyến Isesaki (伊勢崎線) tàu Tobu Railway, đi taxi khoảng 15 phút |
Ghi chú | Một phần ngôi nhà mở cửa tham quan vào chủ nhật tuần thứ 3 mỗi tháng |
3. Di tích Takayama-sha (高山社跡)
Được xây dựng vào năm 1884, đây là cơ sở tư nhân chuyên nghiên cứu và giáo dục nuôi tằm. Takayama-sha còn thường xuyên cử giảng viên đến giảng dạy tại các chi nhánh ở khắp tỉnh thành Nhật Bản. Không chỉ sinh viên người Nhật, mà còn có rất đông sinh viên nước ngoài như Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Đài Loan,… theo học tại cơ sở tư nhân này.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành những kỹ sư hướng dẫn nuôi tằm, có thể nói, Takayama-sha được xem là “cơ sở hàng đầu của ngành nuôi tằm trên toàn Nhật Bản".
Tuy nhiên, khi cơ sở nghiên cứu và giáo dục nuôi tằm công lập xuất hiện, Takayama-sha ngày càng suy yếu và sau cùng đóng cửa vào năm 1927.
Là một phần của quần thể di sản thế giới, trụ sở của Takayama-sha cũng chính là nhà của người sáng lập cơ sở này. Hiện nay, nơi đây có nhân viên thuyết minh túc trực tạo điều kiện cho du khách đến tham quan bên trong toà nhà.
Địa chỉ | 237 Takayama, thành phố Fujioka, tỉnh Gunma |
Thời gian mở cửa | 9:00~17:00 |
Ngày nghỉ | 28/12~04/01 |
Phí vào cổng | Miễn phí |
URL | https://www.city.fujioka.gunma.jp/kakuka/f_bunkazai/takayamasya_ato.html |
Di chuyển | Từ ga Gunma Fujioka (群馬藤岡駅) tuyến JR Hachiko (JR八高線), đi taxi khoảng 20 phút |
4. Hang gió Arafune (荒船風穴)
“Hang gió" là thuật ngữ dùng để chỉ hang động nơi luôn có những luồng gió mạnh tạo ra do sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài hang.
Vào thời kỳ chưa có điện, hang được dùng làm nơi lưu trữ trứng tằm.
Kho trữ trứng tằm này được cho là ý tưởng của một sinh viên tốt nghiệp từ Takayama-sha. Lượng trứng tằm lưu trữ tại đây có quy mô lớn nhất Nhật Bản và là địa chỉ gửi gắm tin cậy của những nhà nuôi tằm lớn nhất.
Tuy nhiên, theo ghi chép lại, cùng với việc kỹ thuật ấp trứng nhân tạo được phát hiện và phương pháp lưu trữ khác được khai thác, từ năm 1936, hang gió Arafune đã không còn được dùng làm kho lưu trữ trứng tằm nữa.
Mặc dù là một phần của quần thể di sản thế giới đồng thời cũng là di tích lịch sử quốc gia của Nhật Bản, nhưng đáng tiếc thay hang gió lại nằm ở nơi có địa hình hiểm trở và cũng không được bố trí tiện nghi để phục vụ du lịch.
Hiện tại, dù hang gió chỉ còn sót lại tường đá bao quanh nên không thể tiến vào bên trong nhưng “Khu trải nghiệm hang gió" đã ra đời nhằm phục vụ cho những ai muốn khám phá và trải nghiệm cảm giác những luồng gió lạnh sượt qua người bên trong hang gió.
Địa chỉ | 10690 Kou, Yashiki, Minaminomaki, Shimonita-machi, Kanra-gun, tỉnh Gunma |
Thời gian mở cửa | 9:00~16:00 |
Ngày nghỉ | Tháng 12 ~ tháng 3 |
Phí vào cổng | 500 yên Học sinh THPT trở xuống: miễn phí (người sống tại Shimonita-machi được miễn phí) |
URL | https://www.town.shimonita.lg.jp/fuketsu/m01/01.html |
Di chuyển | Từ ga Shimonita (下仁田駅) tuyến Joshin của tàu Joshin Railway, đi taxi đến “Arafune Fuketsu Chushajo" (荒船風穴駐車場), dừng xe rồi đi bộ khoảng 20 phút
Thứ 7, Chủ Nhật, ngày lễ trong khoảng từ giữa tháng 5 đến tháng 11, có xe shuttle bus di chuyển thẳng đến hang gió Arafune từ Chushajo |
Ghi chú | Vì đường đi từ khu bãi giữ xe Chushajo đến hang đá là đường núi khá dốc, nên bạn nhớ mặc trang phục thoải mái |
Vùng đất của tơ lụa
Tuy nhà máy dệt Tomioka – nơi đã góp phần không nhỏ cho cuộc cách mạng công nghiệp ở Nhật Bản – đã ngưng hoạt động, nhưng ở tỉnh Gunma vẫn còn nhà máy dệt Usui (碓氷製糸工場) là nơi cung cấp khoảng 60% vải lụa làm từ tơ tằm cho toàn nước Nhật. Vì thế mà cho đến hiện taij, Gunma vẫn là vùng đất nổi tiếng về lụa và các sản phẩm làm từ lụa.
Đặc biệt, những sản phẩm dịu dàng với làn da như khăn tay hay găng tay làm từ lụa là một trong những sản phẩm rất được mọi người yêu thích.
Nếu có dịp ghé thăm nhà máy dệt Tomioka, các bạn hãy thử và cảm nhận các sản phẩm lụa này xem sao nhé!