Đại anh hùng thời cổ đại “Yamato Takeru”
Các vị anh hùng nổi tiếng tại Nhật Bản, ngoài những nhân vật có thật trong lịch sử ra thì còn có cả những anh hùng trong thần thoại hoặc truyện cổ tích. Yamato Takeru là một vị anh hùng xuất hiện trong truyện thần thoại Nhật Bản.
Khởi nguồn của Yamato Takeru
Không rõ chàng có tồn tại thật hay không, nhưng truyện kể rằng chàng là hoàng tử của vị Thiên hoàng thứ 12 “Thiên hoàng Keiko", được sinh ra và lớn lên ở đất nước Yamato (hiện nay là tỉnh Nara).
Cung điện của Thiên hoàng Keiko được gọi là Makimuku-hishironomiya, hiện tại vẫn còn bia đá còn sót lại. Xung quanh đó hiện vẫn còn mộ của Thiên hoàng Keiko, và rất nhiều di tích khác còn lưu lại.
Tên gọi | Makimuku-hishironomiya (纒向日代宮跡) |
Trang chủ | https://www.city.sakurai.lg.jp/sosiki/machidukuribu/kankouka/kankoujigyou/miyaatomeburi/5266.html |
Địa chỉ | 447 Anashi, thành phố Sakurai, tỉnh Nara |
Bản đồ |
|
Thiên hoàng Keiko là một Thiên hoàng dũng mãnh, tự mình đi tấn công tộc Kumaso – một tộc có thế lực ở vùng Kyushu.
Thiên hoàng Keiko có hai con trai là Oousu và Ousu. Một ngày nọ, Thiên hoàng muốn có được hai chị em xinh đẹp nổi tiếng nọ làm người hầu, bèn sai Oousu đi rước về cung. Tuy nhiên, Oousu bị choáng ngợp bởi vẻ xinh đẹp của hai chị em nên không muốn rời xa, để hai nàng lại làm hầu gái cho mình.
Không bao lâu sau thì bị Thiên hoàng Keiko biết được, Oousu xấu hổ không dám gặp mặt cha, cũng không ăn chung. Thiên hoàng Keiko sai người em là Ousu “Con hãy đi thuyết phục anh con!"
Ousu hiểu nhầm “thuyết phục" thành “ám sát", nên đã ra tay giết hại anh của mình. Chuyện đến tai Thiên hoàng, với tư cách là một người cha, ngài vô cùng bàng hoàng, và cảm thấy sợ hãi sự tàn nhẫn của chính con trai mình.
Và ngài ra lệnh cho Ousu, khi ấy mới chỉ 16 tuổi, rằng:
“Con hãy đi Kyushu, và tiêu diệt gia tộc Kumaso!"
Sự ra đời của Yamato Takeru
Ousu đột nhiên khi bị giao nhiệm vụ như vậy thì cảm thấy rất hoang mang, bèn đến đền Ise-jingu ở tỉnh Mie, để tìm bà mình đang làm trụ trì tại đó. Ise-jingu chính là tổ tiên của Thiên hoàng, là đền thờ nữ thần Thái dương Amaterasu, nữ giới trong các đời hoàng gia giữ chức trụ trì tại đây. Tại thời điểm năm 2019 hiện nay, trụ trì chính là chị gái của Thiên hoàng đương thời.
Tên gọi | Ise-jingu (伊勢神宮) |
Trang chủ | https://www.isejingu.or.jp/ |
Số điện thoại | 0596-24-1111 |
Địa chỉ | 1 Ujitachi-cho, thành phố Ise, tỉnh Mie |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | 5:00 ~ 18:00 Tháng 10~12 5:00 ~ 17:00 Tháng 5~8 5:00 ~ 19:00 |
Bà Ousu khích lệ và tặng chàng một bộ Kimono của phụ nữ như một món quà trước khi lên đường.
Ousu đi đến đại bản doanh của Kumaso, nằm tại phía nam Kyushu. Sau khi thăm dò tình hình thì biết rằng có vẻ như anh em Kumaso Takeru – tộc trưởng của Kumaso đang chuẩn bị yến tiệc. Nhân lúc đó, Ousu mặc bộ kimono mà bà mình cho, giả trang thành nữ, tiến đến gần anh em tộc trưởng Kumaso, và nhân lúc họ sơ hở, Ousu đã giết chết người anh.
Tiếp đó Ousu giết người em, nhưng trước khi bị giết, người em kính nể sự dũng mãnh của Ousu, và tặng cho chàng cái tên “Takeru", tên của kẻ mạnh. Từ đó trở đi, Ousu tự xưng là Yamato Takeru.
Nơi được cho là nhà của tộc Kumaso hiện nay vẫn còn sót lại tại tỉnh Kagoshima. Cửa ra vào là một cửa hang khá hẹp, nhưng bên trong rộng rãi và được trang bị đầy đủ. Khi bật điện lên, tác phẩm bích họa của nhà nghệ thuật đương đại Hagiwara Sadayuki được chiếu sáng, và chúng ta sẽ có thể cảm nhận được không khí của vùng Kyushu thời cổ đại.
Tên gọi | Hang Kumaso |
Trang chủ | https://www.kagoshima-kankou.com/guide/10134/ |
Số điện thoại | 0995-77-2111 (Myouken Ishiharaso) |
Địa chỉ | 4381−1 Kareigawa, Hayato-cho, thành phố Kirishima, tỉnh Kagoshima |
Bản đồ |
|
Sau khi tiêu diệt được bộ tộc Kumaso, Yamato Takeru trở về bên cha mình, Thiên hoàng Keiko, nhưng ngay lập tức Thiên hoàng lại gia lệnh “Lần này hãy đi thu phục các nước phía Đông cho ta !".
Yamato Takeru một lần nữa lại tìm đến bà của mình, và rầu rĩ than thở với bà rằng mình bị cha ghét bỏ. Bà an ủi Yamato Takeru, và trao cho chàng báu vật được truyền từ các đời trước, đó là thanh kiếm Ameno Murakumono Tsurugi, và cho chàng một chiếc túi nhỏ, dặn rằng khi nào khẩn cấp hãy mở ra, rồi tiễn chàng lên đường.
Kiếm Kusanagi
Thất vọng, Yamato Takeru đi về phía Đông, khi đi đến khu vực tỉnh Aichi bây giờ, chàng đem lòng yêu Miyazu Hime, con gái của chủ vùng. “Hiện tại ta đang phải đi đánh trận nên không thể kết hôn ngay được, nhưng sau khi trận chiến kết thúc, ta sẽ trở về và lấy nàng làm vợ", chàng hứa với nàng như vậy và lại tiếp tục đi về phía đông.
Khi đi đến khu vực phía Đông của tỉnh Shizuoka, chàng nhận được sự tiếp đãi nồng hậu của chủ vùng, và nghe lời khuyện rằng ngày hôm sau “nên tiến về phía đồng cỏ", chàng tiếp tục đi. Thế nhưng đây lại là một cái bẫy, chủ vùng phóng hỏa đồng cỏ, hòng thiêu chết Yamato Takeru. Lửa thiêu rụi cỏ và lan dần về phía chàng. Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Yamato Takeru mở gói nhỏ mà bà cho ra. Ở bên trong gói nhỏ đó, chính là một viên đá tảo lửa.
Lúc đó Yamato Takeru dùng bảo kiếm phạt cỏ xung quanh, dùng đá tảo lửa để châm lửa. Và, lửa với lửa gặp nhau, rồi lửa tắt. Vượt qua cơn hiểm nguy, Yamato Takeru quay lại trừng trị chủ vùng.
Chính vì thế, bảo kiếm được đặt cho một cái tên mới đó là “Kusanagino Tsurugi", nghĩa là “kiếm phạt cỏ", còn cánh đồng cỏ bị thiêu rụi được đặt tên là Yaizu (ngọn đồi cháy). Hiện nay tại tỉnh Shizuoka vẫn còn tồn tại địa danh tên là Yaizu.
Tên gọi | Đền Yaizu (焼津神社) |
Trang chủ | https://yaizujinja.or.jp/ |
Số điện thoại | 054-628-2444 |
Địa chỉ | 2-7-2 Yaizu, thành phố Yaizu, tỉnh Shizuoka. |
Bản đồ |
|
Cứ thế, Yamato Takeru vượt qua hàng loạt hiểm nguy, chinh phục các nước ở phía Đông, và thực hiện lời hứa kết hôn với nàng Miyazu Hime.
Thần núi Ibukiyama
Trong khi đang tận hưởng cuộc sống của vợ chồng son với nàng Miyazu Hime, chàng phải quay về nước để báo cáo với cha. Chàng để lại kiếm báu Kusanagino Tsurugi như tín vật, và hứa với nàng Miyazu Hime rằng sau khi báo cáo với cha xong sẽ quay trở lại bên nàng, và ra đi.
Trên đường về, chàng nghe nói trên ngọn núi Ibukiyama, ranh giới giữa hai tỉnh Shiga và Gifu có một vị thần rất hung bạo, nên quyết định ra tay trừng trị. Sau bao trận chiến trăm trận trăm thắng thì Yamato Takeru đến cả thần cũng không còn sợ nữa.
Đi vào giữa chừng núi, chàng gặp một con lợn rừng màu trắng rất to. Yamato Takeru cho rằng đó là thuộc hạ của thần núi, bèn tuyên bố “Sau khi giết thần núi, ta sẽ giết nhà ngươi". Thế nhưng lợn rừng không phải là thuộc hạ mà chính là thần núi. Yamato Takeru đã làm thần núi đùng đùng nổi giận, chàng gặp phải trận mưa rất to, cuối cùng bị bệnh và phải từ bỏ việc leo núi.
Hiện nay, núi Ibukiyama rất nổi tiếng với những ai thích leo núi. Núi cao 1.377m, có đường dành cho xe hơi lên đỉnh núi nên chỉ cần đi theo đường này khoảng 100m là có thể lên tới đỉnh. Cung đường này đẹp nổi tiếng, với các loại thực vật của núi cao hay lá đỏ, cây cối bốn mùa, đặc biệt phóng tầm mắt xuống nhìn thấy khung cảnh làng mạc ở dưới giống như một tấm panorama lớn. Trên đỉnh núi có tượng của Yamato Takeru và con lợn rừng.
Đường sá được trang bị, nên hầu như sẽ không có chuyện gặp phải thú rừng, nhưng nếu giả sử bạn có nhìn thấy con lợn rừng trắng nào thì cũng đừng làm gì thất lễ như Yamato Takeru, mà hãy đi thẳng tới đỉnh núi nhé !
Tên gọi | Ibukiyama (伊吹山) |
Trang chủ | http://www.ibukiyama-driveway.jp/ |
Số điện thoại | 0584-43-1155 (Ibukiyama Drive Way) |
Địa chỉ | Ueno, thành phố Maibara, tỉnh Shiga |
Bản đồ |
|
Thời gian mở cửa | Thời gian mở cửa Ibukiyama Drive Way 8:00 ~ 20:00 Ngày thứ 7 thứ 3 của tháng 7 ~ tháng 8月: 8:00 ~ 21:00 Ngày Chủ nhật cuối của tháng 10 ~ tháng 11: 8:00 ~ 17:00 Ngày thứ 6 thứ 3 của tháng 12 ~ tháng 4: nghỉ |
Yamato Takeru sau khi bị bệnh vì đắc tội với thần núi, cuối cùng cũng cố gắng tới được ngôi làng dưới chân núi. Sau khi nghỉ ngơi một lát, chàng lại tiếp tục xuất phát hướng về phía quê hương, nhưng cơ thể vẫn chưa hồi phục được như chàng muốn. Khi tới địa phận tỉnh Mie, chàng phải chống gậy thì mới đi được.
Cuối cùng, chàng nhớ tới quê hương và nàng Miyazu Hime, rồi trút hơi thở cuối cùng.
Sau khi Yamato Takeru qua đời
Yamato Takeru được chôn tại chính nơi mà chàng qua đời. Nơi đó được gọi là mộ cổ Nobono Otsuka, hiện ở tỉnh Mie.
Tên gọi | Mộ cổ Nobono Otsuka (能褒野王塚古墳) |
Trang chủ | http://kameyamarekihaku.jp/21theme/zone02/shousai2.html |
Số điện thoại | 0595-83-3000 (bảo tàng lịch sử thành phố Kameyama) |
Địa chỉ | 1409 Tamura-cho, thành phố Kameyama, tỉnh Mie |
Bản đồ |
|
Những người vợ con của Yamato Takeru tại kinh đô Nara sau đó tới thăm mộ chàng và vô cùng buồn thảm (trước thế kỷ thứ 20, Nhật Bản theo chế độ nhất phu đa thê. Hoàng tử Yamato Takeru cũng có những người vợ khác ngoài Miyazu Hime, và có rất nhiều con).
Thế rồi có một chú chim trắng xuất hiện trên mộ chàng, và hướng về phía kinh đô rồi bay đi. Những người có mặt ở đó một mực tin rằng đó là Yamato Takeru đã đầu thai và đuổi theo con chim trắng.
Chim trắng nhìn bao quát kinh đô rồi bay tiếp, người ta xây thêm một ngôi mộ nữa của Yamato Takeru ở nơi chim trắng đậu lại và gọi là “Shiratori no Misasagi" (Mộ chim trắng). Hiện nay, ngôi mộ cổ có khả năng cao là Shiratori no Misasagi nằm ở Osaka.
Tên gọi | Mộ cổ Karusato Ootuka (軽里大塚古墳) |
Trang chủ | https://ja.wikipedia.org/wiki/%E8%BB%BD%E9%87%8C%E5%A4%A7%E5%A1%9A%E5%8F%A4%E5%A2%B3 |
Số điện thoại | 072-958-1111 (Ủy ban giáo dục Habikino) |
Địa chỉ | 3 Karusato, thành phố Habikino, phủ Osaka |
Bản đồ |
|
Trong khi đó, Miyazu Hime, người bị bỏ lại ở tỉnh Aichi đã lập đền thờ cây kiếm Kusanagi no Tsurugi – kỷ vật của Yamato Takeru, ngôi đền đó chính là đền Atsuta.
Tên gọi | Đền Atsuta (熱田神宮) |
Trang chủ | https://www.atsutajingu.or.jp/jingu/ |
Số điện thoại | 052-671-4151 |
Địa chỉ | 1-1-1 Jingu, Atsuta-ku, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi |
Bản đồ |
|
Yamato Takeru trong thời hiện đại
Yamato Takeru qua đời khi còn quá trẻ, trong lúc vẫn còn là hoàng tử. Thế nhưng truyền thuyết về chàng vẫn còn được kể tiếp cho đến ngày nay, trở hành vị anh hùng của người dân Nhật Bản.
Người nối ngôi của Thiên hoàng Keiko là Seimu, em cùng cha khác mẹ với Yamato Takeru, nhưng Thiên hoàng Seimu lại chọn con trai của Yamato Takeru là Chuai để nối ngôi mình. Thiên hoàng Chuai cũng là một Thiên hoàng có khí chất anh hùng giống như cha của mình.
Yamato Takeru vừa đi đánh trận, vừa chu du khắp Nhật Bản, nên khắp nơi đều còn lưu lại các câu truyện cũng như dấu tích của chàng. Có những nơi quảng bá để mọi người biết về những điều có liên quan tới Yamato Takeru, có những nơi thì đến cả người dân bản địa cũng ít ai biết đến. Biết đâu đấy, trong số những đền thờ nào đó mà bạn nhìn thấy trong chuyến du lịch của mình lại là đền thờ có liên quan tới Yamato Takeru thì sao!
đền Atsuta Jingu,đền Ise Jingu,Habikino,Kagoshima,Kameyama,Kirishima,Kusanagi,Maibara,Mie,Nara,Osaka,Shiga,Shizuoka,Thiên hoàng,Yaizu,Yamato Takeru
Posted by Taru
Related Posts
Xu hướng đồ uống không cồn tại nhật bản
Trong những năm gần đây, nhu cầu về đồ u ...
Lễ hội Nhật Bản – Lễ hội Torinoichi vào tháng 11 ở vùng Kantou
Torinoichi là một sự kiện lễ hội trong n ...
Du lịch qua video: 15 ngọn núi Nhật Bản tuyệt đẹp (phía Tây Nhật Bản)
EhimeXứ sở hoa anh đào Nhật Bản chưa bao ...
Top 10 bảo tàng trên toàn nước Nhật mà bạn có thể tham quan trực tuyến
Đợt dịch Covid-19 này cứ tiếp diễn khiến ...
Lịch sử Nhật Bản và Thiên Hoàng (6) – Văn hoá Hakuho hình thành thế nào?
Một nền văn hóa luôn gắn liền với một lị ...
Truyện cổ tích Nhật Bản – Áo cánh tiên
Trong truyền thuyết của Nhật Bản luôn tồ ...