Workation – xu hướng du lịch kết hợp làm việc thời hậu COVID tại Nhật
Các nước trên thế Giới đang oằn mình vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tại Nhật, cụm từ “workation” (ワーケーション) gần đây xuất hiện dày đặc, là một trong những chiến dịch chính phủ Nhật ra sức kêu gọi người dân hưởng ứng để khôi phục ngành du lịch, giảm đau kinh tế. Xu hướng du lịch kết hợp với làm việc này không quá xa lạ tại các nước Châu Âu, thế nhưng với một đất nước nổi tiếng tham công tiếc việc như Nhật Bản thì có thể trong tương lai workation sẽ trở thành một cuộc cách mạng thay đổi quan điểm làm việc của giới văn phòng và bản chất của xã hội Nhật.
Xu hướng workation hậu COVID-19 do chính phủ Nhật đề xuất
Bắt nguồn từ Mỹ và các nước châu Âu, workation là cụm từ ghép của từ work (làm việc) và vacation (kỳ nghỉ), nói về xu hướng du lịch kết hợp với làm việc từ xa của dân văn phòng.
Vừa có thể tận hưởng niềm vui du lịch, vừa dành ra một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày để xử lý công việc, có thể nói xu hướng làm việc này là phương án lý tưởng dành cho những ai muốn có một kỳ nghỉ dài nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành công việc. Tại Nhật, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng lớn trong đại dịch Covid-19, ngày 22/7 vừa qua chính phủ Nhật đã kêu gọi người dân tham gia chiến dịch Go to Travel.
Không chỉ đơn thuần kích cầu du lịch, đây còn là cơ hội để người lao động xứ sở mặt trời mọc tận hưởng kỳ nghỉ dài mà không phải lo âu hay cảm thấy áy náy khi phải tạm dừng công việc để đi du lịch. Bởi từ xưa đến nay, Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia có môi trường làm việc hà khắc và phần lớn người lao động chỉ nghỉ 50% số ngày phép quy định (theo báo cáo của công ty du lịch Expedia). Con số thực tế này phản ánh rõ vấn nạn chung của người dân lao động Nhật Bản mà chủ yếu là giới văn phòng về nỗi lo sợ nghỉ phép, ái ngại khi nhờ vả đồng nghiệp hỗ trợ và sợ công ty đánh giá về tinh thần làm việc.
Do đó, xu hướng workation đã trở thành phương án lý tưởng đáp ứng nhu cầu du lịch nghỉ ngơi và làm việc của giới văn phòng Nhật Bản. Chính phủ Nhật thậm chí còn hỗ trợ tài chính cho các khách sạn để nâng cấp, lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao để đảm bảo điều kiện làm việc thuận lợi nhất cho người dân trong các chuyến du lịch đặc biệt này.
Ngành du lịch Nhật Bản còn có các đơn vị lữ hành nổi tiếng tham gia để hưởng ứng chiến dịch kích cầu thú vị này. Các đơn vị này sẽ liên kết với các công ty lên kế hoạch kỳ nghỉ workation cho nhân viên. Tiêu biểu có tập đoàn JTB, ngày 31/8 vừa qua đã liên kết với công ty công nghệ thông tin NEC ra mắt hệ thống ứng dụng đặt phòng cho workation với hơn 30 khách sạn nội thành và lân cận Tokyo.
Ưu, nhược điểm và hiệu quả thực tế của workation
Ý tưởng làm việc kết hợp với du lịch trong giai đoạn hậu Covid-19 này như một làn gió mới, được hưởng ứng tích cực trong đại bộ phận dân văn phòng Nhật Bản, song vẫn có nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả và khả năng phổ biến rộng rãi trong xã hội Nhật Bản.
Ưu điểm
Một số ưu điểm đối với các doanh nghiệp
- Cơ hội để thay đổi phong cách làm việc truyền thống.
- Đáp ứng nhu cầu cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi của nhân viên.
- Cải thiện phúc lợi cho nhân viên.
- Kích cầu du lịch, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia.
Một số ưu điểm đối với các địa phương
- Số người đi du lịch tăng cũng giúp cho mật độ dân số tập trung làm việc tại các thành phố lớn giãn ra.
- Các địa phương phát huy được nguồn tài nguyên du lịch.
- Tăng nhu cầu sử dụng văn phòng vệ tinh ở các địa phương (văn phòng vệ tinh là cụm từ chỉ địa điểm đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa).
- Tạo công ăn việc làm nhiều hơn tại các địa phương.
Ưu điểm đối với cá nhân
Với hình thức làm việc này, bạn vừa có thời gian tự do tham quan, khám phá các địa danh du lịch, đồng thời có thể dành ra một ít thời gian trong chuyến đi để kiểm tra tiến độ và xử lý công việc. Đây cũng là cơ hội để bạn có thể tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày với gia đình, bạn bè mình. Đặc biệt, việc cố gắng hoàn thành các mục tiêu để tận hưởng trọn vẹn chuyến đi cũng tạo động lực nhiều hơn giúp bạn giải quyết công việc nhanh hơn.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, xu hướng làm việc này cũng nhận được không ít ý kiến hoài nghi.
Khó quản lý và nắm bắt được thời gian làm việc
Làm việc từ xa mang tính tự do, không gò bó về thời gian cũng dẫn đến việc không thể quản lý được thời gian làm việc của nhân viên. Đặc biệt, thời gian làm việc là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá nhân sự, do đó điều này cũng gây nên không ít khó khăn trong quy trình quản lý và đánh giá nhân sự của các doanh nghiệp.
Khó khăn trong khâu quản lý và liên lạc nội bộ
Khác với văn phòng công ty, làm việc từ xa khi đi du lịch cũng gây ra nhiều khó khăn trong việc trao đổi thông tin nội bộ giữa các nhân viên vì không phải lúc nào bạn cũng ôm máy tính hay điện thoại để theo dõi tình hình. Ngoài ra cũng có khả năng để lộ thông tin mật của công ty khi ngồi làm việc tại các nơi công cộng.
Hiệu quả thực tế
Mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại và quan điểm trái chiều về xu hướng làm việc này, thế nhưng trong giai đoạn hậu Covid-19 hiện nay, không thể phủ nhận hiệu quả thực tế của workation tại Nhật Bản. Chiến dịch Go To Travel kết hợp với làm việc từ xa sau khi được chính phủ Nhật kêu gọi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, chỉ trong gần một tháng phát động đã có hơn 4,2 triệu người dân đăng ký.
Những ưu đãi giảm giá trong chương trình Go To Travel áp dụng cho vé tàu hỏa, vé máy bay, tiền thuê khách sạn, phí vào cửa các địa danh du lịch và dịch vụ ăn uống tại nhà hàng, v.v. cũng phần nào khắc phục được khó khăn về kinh tế trong đại dịch.
Cần chuẩn bị thế nào để áp dụng tốt workation?
Để hạn chế nhược điểm và phát huy hiệu quả hình thức làm việc này, phía doanh nghiệp và người lao động cần phải có sự chuẩn bị và điều chỉnh nhất định.
Về phía cá nhân
- Tự đặt ra quy định, kỷ luật cho bản thân về thời gian và nguyên tắc xử lý công việc để có thể tận hưởng kỳ nghỉ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc.
- Đừng quên trang bị cho bản thân những thiết bị, công cụ hỗ trợ tối đa việc trao đổi công việc trong lúc đi du lịch nhé!
- Chọn lựa địa điểm làm việc từ xa thích hợp: một địa điểm yêu thích mà bản thân muốn đi, có không gian tự do làm việc với trang thiết bị đầy đủ hỗ trợ làm việc từ xa.
Về phía doanh nghiệp
- Để tối ưu hoá hình thức workation làm việc từ xa nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả như làm việc trực tiếp tại văn phòng, doanh nghiệp cần chuẩn bị quy định rõ ràng về hình thức trao đổi công việc, cách thức quản lý và kiểm soát thời gian làm việc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên để nâng cao tinh thần làm việc từ xa.
- Có thể xem workation như cơ hội để nâng cao chế độ phúc lợi của công ty đối với nhân viên, tăng độ hài lòng và lòng trung thành của nhân viên. Doanh nghiệp nên tạo điều kiện bằng cách tìm hiểu và liên kết với các đơn vị lữ hành địa phương để hỗ trợ tối đa cho nhân viên có thể vừa làm việc hiệu quả từ xa vừa nghỉ ngơi thoải mái hơn.
- Xây dựng chiến lược workation cụ thể để hai bên doanh nghiệp – người lao động cùng có lợi: có thể kết hợp việc đào tạo nhân viên tại các địa điểm nghỉ dưỡng để tiết kiệm chi phí của công ty, điều phối nhân sự đến các địa phương với mục đích khảo sát tình hình thị trường đồng thời kết hợp chế độ du lịch nghỉ ngơi cho nhân sự đó.
Tổng kết
Tuy vẫn còn nhiều hoài nghi về hiệu quả và thực tế, song xu hướng làm việc từ xa kết hợp du lịch workation đã mang đến làn gió mới, thay đổi quan điểm về môi trường và hình thức làm việc trong xã hội Nhật Bản. Không chỉ là nhằm giảm đau kinh tế, chiến dịch này còn tạo hiệu ứng tích cực giải quyết vấn nạn làm việc quá sức của lao động Nhật Bản. Cụm từ workation cũng không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ Việt Nam gần đây. Trong tương lai, liệu xu hướng làm việc này có tạo nên một cuộc cách mạng mới trong giới văn phòng Việt Nam như Nhật Bản không nhỉ?