Làm gì khi được điều chuyển nhân sự hoặc chuyển công tác? Cách chào hỏi và sự chuẩn bị cần thiết (3)
Sau khi nhận được thông báo nội bộ về việc điều chuyển nhân sự hay chuyển công tác, có bao nhiêu người có thể hiểu và chấp nhận ngay lập tức vấn đề đó? Giả sử là được thăng chức đi chăng nữa thì có lẽ vẫn phải mất một thời gian để bạn có thể dễ dàng chấp nhận một cách tích cực sự thay đổi chức vụ hay việc chuyển sang nơi công tác khác. Nếu bạn không mong muốn về việc điều chuyển nhân sự hay chuyển công tác, chẳng hạn như bạn đang hài lòng với bộ phận hiện tại, hay không cảm thấy sức hấp dẫn ở nơi sắp chuyển công tác đến, thì có thể bạn sẽ rơi vào tình trạng thiếu động lực để làm việc.
Ở hai bài viết kỳ trước, tôi đã giới thiệu một số lời chào hỏi và sự chuẩn bị cần thiết sau khi bạn nhận được quyết định điều chuyển nhân sự hay chuyển công tác. Trong bài viết kỳ này – cũng là kỳ cuối cùng, chúng ta hãy cùng suy nghĩ về những biện pháp khi bạn không thể chấp nhận việc điều chuyển nhân sự hay chuyển sang nơi công tác mới nhé!
Lý do khởi nguồn của việc điều chuyển nhân sự
Nhắc đến điều chuyển nhân sự, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến việc chuyển công tác đến nơi làm việc mới hoặc sự cải tổ nhân sự trong phòng ban. Thế nhưng, ngoài những điều đó, điều chuyển nhân sự còn có thể là việc chuyển đổi lao động giữa các công ty, việc thăng chức, giáng chức, hay nghỉ việc. Mục đích cụ thể của việc này gồm 5 điều sau đây.
- Phát triển năng lực của từng nhân viên
Thay vì làm việc ở suốt một nơi, việc đặt mình vào một môi trường mới sẽ dẫn đến sự phát triển cá nhân và mở rộng phạm vi công việc. - Bố trí nhân sự đúng người, đúng chỗ
Một nhân viên không thể phát huy tốt vai trò trong bộ phận này vẫn có khả năng thay đổi ở một bộ phận khác. - Tránh sự rập khuôn, nhàm chán trong công việc
Bởi vì nếu bạn chỉ mãi phụ trách cùng một nội dung công việc, bạn sẽ dễ trở nên cảm thấy quá thoải mái, chểnh mảng, dẫn đến việc gây ra những điều không tốt. - Nhằm thúc đẩy sự thăng tiến, thăng cấp
Điều này có thể giúp bạn tăng thêm động lực, nhưng ngược lại, cũng có những trường hợp sẽ bị hạ cấp hay giáng chức. - Nhằm đa dạng hóa kinh doanh, tái cấu trúc và cải tiến công nghệ, chẳng hạn như xây dựng thêm doanh nghiệp mới
Hàm ý tái cơ cấu tổ chức.
Việc điều chuyển nhân sự được thực hiện để phát triển nguồn nhân lực, vực dậy doanh nghiệp, và suy cho cùng nó luôn được thực hiện cho mục đích tích cực. Có thể nói rằng đây là một điều cần thiết cho một công ty hay một tổ chức.
Tuy nhiên, điều khó khăn là không phải lúc nào nó cũng có thể thúc đẩy động lực cho nhân viên.
Nếu không muốn bị điều chuyển, bạn có thể từ chối không?
Việc điều chuyển nhân sự đầu tiên sẽ được truyền đạt dưới dạng một thông báo nội bộ (thông báo không chính thức). Thông báo không chính thức có nghĩa là thông báo cho người đó biết trước khi có quyết định điều chuyển chính thức, và thường sẽ được thông báo khoảng một tháng trước khi có quyết định điều chuyển. Tóm lại, đây là một vấn đề bí mật và bạn sẽ ngầm hiểu rằng điều này không được nói với ai khác.
Vào thời điểm nhận được thông báo chưa chính thức, thường thì bạn có thể từ chối việc bị điều chuyển. Mặt khác, sau khi quyết định điều chuyển chính thức được ban xuống, việc từ chối có thể bị đánh giá là vi phạm điều lệ lao động. Trường hợp tệ nhất, bạn có nguy cơ bị xem xét khả năng kỷ luật là sa thải.
Bạn có thể từ chối thông báo điều chuyển chưa chính thức khi có “lý do chính đáng" như những trường hợp sau đây.
- Nếu có sự khác biệt rõ ràng với hợp đồng lao động đã ký khi gia nhập công ty, trường hợp này sẽ là vi phạm hợp đồng về phía công ty (những trường hợp như loại hình công việc hoặc nơi làm việc bị hạn chế).
- Trường hợp bạn đang chăm sóc trẻ em hay người già và phát sinh bất tiện nếu phải thay đổi chỗ ở.
- Có yếu tố bị quấy rối (trường hợp này có thể bị đánh giá là lạm quyền)
Tuy nhiên, rất ít nhân viên có thể nói rằng “tôi xin phép từ chối" sau khi nhận được thông báo điều chuyển chưa chính thưc. Thực tế là rất khó để từ chối.
Sự điều chuyển nhân sự cũng có những lợi ích to lớn nào?
Thật khó để rời khỏi một nơi làm việc quen thuộc và xây dựng mối quan hệ lại từ đầu. Ở một mức độ nào đó, việc cảm thấy tiêu cực về sự điều chuyển là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mà việc chấp nhận điều chuyển ngoài ý muốn lại mang đến sự làm việc tích cực hơn. Ví dụ như, những tài năng mà bạn chưa từng nhận thấy ở bản thân sẽ được bộc lộ sau khi chuyển đến bộ phận khác. Ít nhất là bạn cũng có thể mở rộng phạm vi kiến thức của mình.
Theo nghĩa đó, bạn sẽ có thể cải thiện kỹ năng của bản thân từ một góc độ khác. Bên cạnh đó cũng có những lợi ích về đãi ngộ, chẳng hạn như tăng lương do thăng chức.
Có một số ý kiến từ những người đã từng có kinh nghiệm bị điều chuyển nhân sự, rằng: “Nơi công tác mới vật giá vừa rẻ, lại vừa dễ sống hơn ngoài tưởng tượng", “Tôi có thể trở về nhà đúng giờ tan sở và có nhiều thời gian cho cuộc sống riêng tư"…
Dù cho đó là một sự điều chuyển nhân sự không mong muốn, nhưng nếu bạn thử suy nghĩ một cách tích hơn ngay từ đầu thì sao nhỉ? Thế nhưng, quả nhiên là, nếu bạn không thể chấp nhận được việc điều chuyển, bạn vẫn có thể lựa chọn chuyển việc. Có thể nói rằng việc điều chuyển nhân sự là “một cơ hội để bạn xem xét lại sự nghiệp của bản thân mình" đấy!