3 “đặc trưng” và “tư tưởng tôn giáo” có ảnh hưởng thế nào trong doanh nghiệp Nhật Bản?
Tại Nhật Bản, nắng ngày càng gay gắt hơn. Nhà tôi nằm ở vùng trồng Ujicha tiêu biểu của Nhật, khắp nơi đều có các nương chè. Vào mùa thu hoạch, người ta giăng bạt quanh thửa chè để tránh nắng chiếu trực tiếp rồi ở trong đó hái chè. Chẳng thấy gì trong các tấm bạt, chỉ nhờ có dãy xe đạp dựng xung quanh mới mơ hồ cảm nhận được sự hiện diện của con người bên trong, cảnh tượng hái chè trông thật lạ lùng làm sao.
Xin chào các bạn. Tôi là AY, người viết bài.
Hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn vài dòng suy nghĩ của mình nhân vừa đọc xong cuốn Tư tưởng tôn giáo điều hành 7 doanh nghiệp lớn (tác giả Shimada Hiromi, nhà xuất bản Kadokawa Shoten).
Nhật Bản có những doanh nghiệp lớn, nổi tiếng trên thế giới. Chắc các bạn Việt Nam cũng có thể kể ngay ra vài cái tên đúng không nào. Trong số đó, cuốn sách đề cập 7 doanh nghiệp. Đó là: Công ty công nghiệp điện tử Matsushita, bây giờ đổi tên thành “Panasonic”. Trong các bạn chắc có người sử dụng sản phẩm tivi hay tủ lạnh của Panasonic chứ? Tiếp theo là Daiei, hiện nay không còn nữa, nhưng trước đây từng là chuỗi siêu thị khổng lồ thống trị thị trường Nhật Bản. Kế đến là công ty xe hơi Toyota, không cần nói cũng biết là nhà sản xuất xe hơi tiêu biểu trên thế giới. Chúng ta cũng có công ty Suntory nổi tiếng với các loại bia và rượu whisky, công ty tàu điện Hankyu điều hành đoàn ca kịch Takarazuka danh tiếng. 2 công ty còn lại là tập đoàn Saison Group với thương hiệu sản phẩm Muji đang tiến nhanh ra thị trường thế giới, và tập đoàn Fast Retailing sở hữu thương hiệu Uniqlo.
Bạn thấy đó, toàn những doanh nghiệp tiêu biểu Nhật Bản, tầm cỡ thế giới cả.
Trước hết, cuốn sách chỉ ra rằng các doanh nghiệp tiêu biểu Nhật Bản này đều có nền tảng triết lý kinh doanh chịu ảnh hưởng từ một đoàn thể tôn giáo nào đó và tư tưởng của nhà sáng lập thường được nhân viên chia sẻ với nhau hệt như cách thức giáo lý truyền bá giữa các tín đồ trong một tổ chức tôn giáo vậy. Dựa trên nhận thức này, tác giả phân tích từng doanh nghiệp như một đoàn thể tôn giáo, và qua đó nắm được cơ sở chiến lược kinh doanh của họ.
Vậy thì tôn giáo có ảnh hưởng thế nào trong doanh nghiệp? Thật ra thì rất nhiều doanh nghiệp ở Nhật đều có đặt bàn thờ trên tầng thượng hay trong toà nhà, và thường có sự giao lưu với đoàn thể tôn giáo, chùa chiền, đền Thần đạo nào đó.
Nhưng điều làm tôi thấy đặc biệt thú vị trong cuốn sách này là mối quan hệ giữa “đặc trưng” và “tư tưởng tôn giáo” trong doanh nghiệp Nhật. Sách nêu các đặc trưng: chế độ tuyển dụng trọn đời (làm việc suốt tại một công ty cho đến 60 tuổi về hưu), chế độ thâm niên (chức vị và lương bổng tăng theo thời gian làm việc trong công ty) và chế độ công đoàn (nghiệp đoàn trong công ty nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động). Sách xuất bản năm 2013, nhưng hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi còn học đại học chuyên ngành kinh tế cũng đã được giảng những điểm tương tự. Sau đó, do ảnh hưởng từ sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng và toàn cầu hóa, những năm gần đây những đặc trưng này có phần mờ nhạt đi, nhưng tôi nghĩ bây giờ vẫn có thể cho đó là đặc trưng của rất nhiều doanh nghiệp Nhật.
Vậy thì, ba đặc trưng này thể hiện thành khuynh hướng thế nào trong doanh nghiệp Nhật? Đó là “sự đồng nhất giữa doanh nghiệp và người lao động”, nói cách khác, đó là mối quan hệ vô cùng gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động. Kết quả là mỗi người lao động xem “danh dự của công ty” mà mình thuộc về cũng như “danh dự của chính mình”. Họ cũng xem công ty giống như gia đình, muốn gắn bó suốt với tập thể đó, hình thành tính cách cộng đồng giữa doanh nghiệp và người lao động.
Vấn đề này ở các doanh nghiệp Việt Nam thì như thế nào? Tôi thật sự rất quan tâm.
Ai cũng biết “doanh nghiệp” cần phải thường xuyên hướng một nhóm người (người lao động) theo một mục tiêu nào đó. Và người lao động cần cảm thấy ở mục tiêu đó một “giá trị” nhất định đối với mình. Ngoài phương diện “tài chính”, mọi người cũng cần phải có sự tán thành, nhất trí về những phương diện: “tiêu chuẩn đánh giá” khi đưa ra quyết định, sự “hợp lý” và “đồng thuận” về giá trị quan, quan niệm về “bản chất của doanh nghiệp lý tưởng” và “xã hội lý tưởng” mà doanh nghiệp hướng đến v.v.. Bên cạnh đó, người lao động với tư cách một thành viên trong doanh nghiệp cũng có sự biến đổi theo thời gian, vậy nên để duy trì tính nhất quán của doanh nghiệp, mọi người nhất thiết phải có chung một “triết lý” chia sẻ với nhau được.
Như vậy, tính đồng nhất giữa doanh nghiệp và người lao động càng mạnh như ở các doanh nghiệp Nhật thì sự gắn kết bằng “triết lý chung” ngày càng cao. Thứ “triết lý chung” này rất gần với kiểu “triết lý trong tổ chức tôn giáo”. Tôi cảm thấy cách lý giải này rất có sức thuyết phục.
Xã hội hiện đại rất phổ biến quan điểm cho rằng thế giới quan lý trí là ưu thế còn sức mạnh của tôn giáo ngày càng bị lu mờ. Nhưng xét trên quan điểm “tư duy và quyết định tập thể” thì cơ cấu tư duy dựa theo tổ chức tôn giáo thật sự là một bước đi rất khôn ngoan. Khi nhận ra điều này, tôi thấy chấn động cả tâm can.
Cuối cùng, tác giả cuốn sách có nhắc đến Peter Drucker, người có sức ảnh hưởng to lớn trong giới kinh tế, quản trị những năm vừa qua. Drucker nói rằng, vào thời con người mới bước vào ngưỡng cửa hiện đại và ngành kinh doanh còn sơ khai, những tổ chức thực hiện cơ chế quản trị theo kiểu ông vẫn đề cập, không đâu khác chính là Quân đội và Giáo hội. Tôi nghĩ điều này góp thêm sức thuyết phục cho những luận điểm tác giả đã nêu.
Về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động Việt Nam, sắp tới tôi phải nghiên cứu thêm nữa mới được.