Bí quyết xin lỗi trong kinh doanh (1) – Truyền đạt cảm giác hối lỗi
Trong kinh doanh, thất bại là điều cấm kỵ. Tuy nhiên không có ai sống trên đời mà không mắc lỗi cả. Quan trọng là cách xử lý sau khi mắc lỗi. Vì tùy vào cách xin lỗi, cũng như bày tỏ thành ý mà cảm xúc của cấp trên hay người đối diện cũng sẽ thay đổi. Tôi sẽ chia làm nhiều phần để giới thiệu tới các bạn những điểm cần chú ý, cũng như làm thế nào để truyền tải tốt nhất cảm giác hối lỗi của bản thân.
Không phải cứ nói xin lỗi là được
Không cần nói thì chắc ai trong các bạn cũng hiểu rằng khi mắc lỗi, điều quan trọng nhất chính là “xin lỗi từ trong tâm", và biết hối lỗi. Thế nhưng, dù cho biết hối lỗi nhưng vẫn không hiểu sao cảm xúc đó lại không thể truyền tải tới đối phương. Có bao giờ bạn xin lỗi mà lại còn làm cho đối phương giận dữ hơn chưa ?
Phía người xin lỗi luôn có tâm lý làm giảm đi trách nhiệm của mình. Mặt khác, phía bên được xin lỗi luôn có khuynh hướng muốn làm tăng trách nhiệm của đối phương. Tức là ở ngay giai đoạn đó đã xảy ra sự khác biệt. Chính vì thế, để có thể truyền tải đến đối phương cảm giác hối lỗi của mình thì cần cho đối phương thấy nhiều hơn là bản thân nghĩ.
Điểm mấu chốt là “đồng cảm" với đối phương
Người Nhật khi xin lỗi thường sử dụng những cấu trúc câu điển hình như “Moushiwake gozaimasen." (Vô cùng xin lỗi), “Sumimasen" (Xin lỗi). Tuy nhiên nếu chỉ xin lỗi không thôi thì sẽ chỉ là xin lỗi suông, sẽ mang lại ấn tượng rằng người đó chỉ đơn giản là nói cho có.
Điểm quan trọng ở đây chính là cho đối phương thấy mình “đồng cảm" với họ. Ví dụ, khi nhắc nhở em bé mới chỉ vừa hiểu rõ ngôn ngữ, thì chỉ tức giận không thôi sẽ không có hiệu quả. Cần bắt đầu từ sự đồng cảm, như “Con khó chịu lắm nhỉ. Cô/chú hiểu, nhưng con không được làm như vậy đâu!"
Với người lớn cũng vậy. Với đối phương đã quá giận và không thể nói chuyện, thì đầu tiên cần ghé tai nghe chuyện của họ. Tiếp theo đó là đồng cảm, cố gắng đứng về góc nhìn của đối phương. Có thể có sự đồng cảm của đối phương dễ dàng hơn khi sử dụng những từ ngữ như sau:
Ví dụ: “Tôi cũng nghĩ giống như lời anh/chị nói."
“Lời anh/chị chỉ dạy quả rất đích đáng."
“Anh/chị giận không phải là không có lý do."
Khi bị chỉ trích về lỗi lầm, mọi người thường hay có suy nghĩ “Tại sao chỉ mình là hay bị chỉ trích?", “Mình không muốn nhận trách nhiệm tí nào." Có tâm lý như vậy cũng là đương nhiên.
Tuy nhiên, thái độ như vậy sẽ bị đối phương hiểu nhầm thành “biện hộ". Để truyền tải được rõ hơn cảm giác hối lỗi của bản thân tới người đối diện, xin lỗi theo những bước sau sẽ mang lại hiệu quả.
- Sử dụng những từ ngữ để xin lỗi như “Moushiwake gozaimasen" (rất xin lỗi)
- Đưa ra những biện pháp xử lý hoặc cải thiện cho sau này
- Sử dụng những từ ngữ đồng cảm, như nhận lỗi “Anh/chị giận là đúng lắm."
- Nhận lỗi và xin lỗi thêm lần nữa
Để đối phương hiểu được cảm giác hối lỗi của bản thân, bạn nên dựa vào 4 bước này nhé.
Vào phần tiếp theo tôi sẽ hướng dẫn các bạn về cách xin lỗi theo từng trường hợp cụ thể.