Những công nghệ mới ứng phó với dịch COVID-19 tại Nhật Bản
Cũng như tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, sự đổ bộ bất ngờ của đại dịch COVID từ cuối năm 2019 đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân Nhật Bản. Tuy nhiên, chính đại dịch cũng đã giúp mở ra nhiều xu hướng mới trong nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Nhật. Trong bài viết này, hãy cùng WAppuri điểm qua một số công nghệ mới đang được nghiên cứu, ứng dụng nhằm đối phó với dịch COVID-19 tại Nhật Bản nhé.
1. Công nghệ phục vụ cho đời sống sinh hoạt mùa COVID
Trong bối cảnh chưa tìm ra phương pháp điều trị nhanh chóng, hữu hiệu cho người nhiễm COVID-19, việc phát triển các công nghệ liên quan đến khử trùng, công nghệ giúp hạn chế tiếp xúc để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm hiện đang là mối ưu tiên hàng đầu trong việc thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Một số công nghệ phục vụ cho sinh hoạt thường nhật tiêu biểu tại Nhật có thể kể đến là công nghệ xử lý kháng khuẩn/kháng virus SIAA, công nghệ cảnh báo tụ tập đông người và đặc biệt là công nghệ thao tác không chạm (touchless).
Công nghệ xử lý kháng khuẩn/kháng virus SIAA
Trên các phương tiện công cộng, toà nhà công sở, các trung tâm thương mại lớn tại Nhật hiện nay, không khó để có thể bắt gặp các tem nhãn có đề dòng chữ SIAA. Đây là dấu hiệu nhận biết các thiết bị, sản phẩm đã qua xử lý kháng khuẩn/kháng virus theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Công nghệ Chế phẩm Kháng khuẩn (Society of Industrial – Technology for Antimicrobial Articles). Các thiết bị, sản phẩm đã qua xử lý SIAA có thể ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi, cũng như hạn chế virus bám lại, từ đó hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID qua đường tiếp xúc gián tiếp trên các đồ vật.
Xử lý SIAA là quy chuẩn cho công nghệ xử lý đã có từ năm 1998, từ khi dịch COVID bùng phát càng được áp dụng rộng rãi tại Nhật. Hiện nay, công nghệ này đặc biệt được áp dụng nhiều trên những vật dụng nơi công cộng như máy bán nước tự động; ghế ngồi, tay vịn, tay cầm trên xe điện/xe buýt, v.v..
Cảnh báo tụ tập đông người qua phân tích AI
Hiện nay một điểm mấu chốt trong việc hạn chế lây nhiễm COVID là hạn chế nguy cơ lây nhiễm nơi đông người. Từ năm 2020, nhiều ông lớn trong ngành công nghệ điện tử Nhật Bản như Toshiba, NEC, Sony đã lần lượt ra mắt công nghệ hỗ trợ quản lý lượng khách tại các trung tâm mua sắm hay ở các khu phố đông người. Cụ thể, hệ thống AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ phân tích qua camera và đưa ra cảnh báo lây nhiễm dựa trên số lượng người đang tập trung trong một không gian hay mức độ giữ khoảng cách an toàn giữa những người này. Việc nắm bắt tình trạng tập trung của một nhóm người ngay tại thời điểm thực tế giúp nhân viên tại các cửa hàng, trung tâm thương mại hay ban quản lý sự kiện có cơ sở quyết định thời điểm cần đưa ra biện pháp can thiệp khi phát sinh nguy cơ lây nhiễm.
Bàn làm việc tự lọc hút không khí
Bên cạnh phục vụ cho các khu vực công cộng, những sản phẩm công nghệ giúp hạn chế lây nhiễm cho quy mô vừa và nhỏ như công sở cũng rất được chú trọng. Một đại diện tiêu biểu là chiếc bàn làm việc tự lọc hút, làm sạch bọt bắn, hơi thở trong không khí với máy lọc nhỏ gọn gắn trực tiếp dưới mặt bàn. Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động thay đổi mô hình làm việc, chuyển phần lớn nhân lực sang làm việc tại nhà. Tuy nhiên, vẫn có không ít ngành nghề, bộ phận khó có thể triển khai công việc mà không có những buổi gặp gỡ trao đổi trực tiếp. Chính vì vậy, những bàn làm việc kèm máy lọc tự động này giúp chúng ta có thể an tâm hơn trong khi cần họp, trao đổi trực tiếp.
Công nghệ thao tác không chạm (touchless)
Trong sinh hoạt thường nhật, có nhiều trường hợp cần phải chạm tay đến các đồ vật công cộng như nút bấm thang máy, trong nhà vệ sinh, màn hình ở máy rút tiền, màn hình thực đơn quán ăn, v.v.. Vì vậy, việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm tại các đồ vật này là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến sinh tồn với dịch COVID.
Một công nghệ đang nhận được rất nhiều sự quan tâm tại nhật đó là thao tác không chạm (touchless). Phổ biến hiện nay đó là việc sử dụng tia tử ngoại để nhận biết các chuyển động của ngón tay, từ đó tái hiện các lệnh thao tác cần thực hiện mà không cần chạm trực tiếp vào các nút bấm hay màn hình. Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ này đang thu hút không chỉ những cái tên quen thuộc trong ngành công nghệ như NEC, Mitsubishi mà cả những công ty trái ngành hay start-up tại Nhật. Công nghệ này đã bắt đầu được ứng dụng tại Nhật từ cuối năm 2020 tại một số nơi trên nước Nhật, đặc biệt là tại các cơ sở y tế. Các nhóm nghiên cứu cũng đang tập trung vào việc mang lại cảm giác chân thực hơn cho các thao tác trên không này bằng các thiết lập các nút ảo trực quan ba chiều hay dùng sóng tương tác với đầu ngón tay để tạo cảm giác như khi chạm vào màn ảnh thật.
2. Công nghệ phục vụ cho đời sống xã hội, đời sống tinh thần mùa COVID
Tăng chất lượng cuộc trò chuyện với máy máy trợ thính
Khẩu trang là một vật dụng không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay. Đeo khẩu trang tuy giúp hạn chế lây nhiễm nhưng cũng khiến cho việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn. Nếu như trước đây chúng ta có thể nhận biết một lượng lớn thông tin qua biểu hiện nét mặt, khẩu hình miệng của người đang trò chuyện thì ngày nay dưới thời đại khẩu trang điều này trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Vấn đề này càng được quan tâm hơn ở Nhật Bản, một đất nước có tỷ lệ người cao tuổi chiếm số lượng không nhỏ. Do đó, các loại máy trợ thính – vốn là một thiết bị y tế vốn chỉ dùng cho những người gặp vấn đề thính giác – ngày càng có đối tượng sử dụng rộng hơn. Ngoài việc đa dạng mẫu mã để đáp ứng cho nhiều nhóm người sử dụng, máy trợ thính cũng được gắn kết với những công nghệ mới như AI giúp phân tích tạp âm, lọc và truyền đạt thông tin một cách chính xác hơn, mang lại cuộc trò chuyện có chất lượng cao hơn.
Hoà mình với thiên nhiên qua “khung giếng trời ảo”
Lệnh giãn cách xã hội kéo dài cùng nỗi lo lây nhiễm đang hạn chế cơ hội ra ngoài du lịch, thư giãn của nhiều người, đặc biệt là những người sống ở các thành phố đông dân cư. Trong bối cảnh đó, một sản phẩm cũng đang được chú ý là công nghệ Tenmado Vision (天窓Vision, khung giếng trời ảo) của hãng điện tử nổi tiếng Panasonic. Công nghệ này giúp tái tạo không gian thiên nhiên như bầu trời, cây cối qua sự mô phỏng hình ảnh – âm thanh tự nhiên trong dòng chảy thời gian trên khung giếng trời ảo. Sản phẩm là sự dung hoà của công nghệ hình ảnh với quan điểm biofilia (yêu thiên nhiên) trong thiết kế, giúp tạo ra không gian thư giãn tại nhà hay văn phòng công sở, ở những nơi khó có điều kiện để tiếp xúc với ánh sáng, khung cảnh thiên nhiên.
3. Tổng kết
Hai năm vừa qua, cả thế giới chứng kiến những cuộc chạy đua quyết liệt giữa sức mạnh của tự nhiên với trí tuệ của nhân loại. Là một trong những quốc gia đi theo chính sách chung sống với Corona ngay từ những buổi đầu, Nhật Bản thuộc những quốc gia đang đi đầu trong việc phát triển những công nghệ phục vụ cho việc thích ứng với thời đại này. Hi vọng những công nghệ này sẽ góp phần vào việc bình thường hoá cuộc sống của chúng ta, đồng thời mở lại cánh cửa giao lưu giữa Nhật Bản – Việt Nam nói riêng và giữa Nhật Bản với quốc tế nói chung.