Bí quyết trường thọ của người dân tỉnh Nagano
Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số, đến 29,1%. Vậy bạn có biết tỉnh nào của Nhật Bản được mệnh danh là vùng đất trường thọ không? Đó chính là tỉnh Nagano. Hôm nay hãy cùng WAppuri tìm hiểu xem bí quyết trường thọ của người dân tỉnh Nagano là gì nhé!
Phòng bệnh bằng cách giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hằng ngày
Nagano ban đầu không phải là tỉnh có tuổi thọ cao. Thậm chí vào năm 1965, nơi đây từng có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao nhất ở Nhật Bản. Lý do là Nagano có nhiều dãy núi bao quanh, mùa đông tuyết rơi dày khó di chuyển nên để bảo quản thực phẩm, người dân sử dụng rất nhiều muối. Những năm 1965 đến 1974, nơi đây có tỉ lệ tiêu thụ muối ăn cao thứ 4 và tỉ lệ tử vong do tăng huyết áp và đột quỵ cao tại Nhật Bản.
Năm 1967, Hội đồng Xúc tiến Cải thiện chế độ ăn uống được thành lập để tiến hành các cuộc điều tra về thói quen ăn uống và tình trạng sức khỏe của người dân trong tỉnh. Từ năm 1981, tỉnh tiến hành chiến dịch giảm muối toàn diện. Họ đo nồng độ muối của các loại thực phẩm mà người dân trong tỉnh thường ăn như súp miso và dưa chua, từ đó đưa ra lời khuyên về việc giảm muối và tổ chức các lớp hướng dẫn nấu món ăn sao cho có vị nhẹ dịu và vừa miệng.
Kết quả là đến năm 1983, tỉnh Nagano đã thành công trong việc giảm lượng muối ăn hàng ngày xuống trung bình 11g. Nguyên nhân gây tử vong số một cũng không còn là đột quỵ hay bệnh mạch máu não nữa.
Bí quyết trường thọ của tỉnh Nagano không phải là chăm sóc y tế sau khi bệnh mà là chăm sóc y tế dự phòng để tránh bị bệnh.
Vì vậy, bạn hãy cân nhắc thật kỹ lượng muối tiêu thụ hằng ngày để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhé.
Cải thiện thói quen ăn uống: ăn chậm, nhai kỹ và bổ sung nhiều rau
Có thể nói rằng để có được một cơ thể khoẻ mạnh và ít bệnh tật, việc cải thiện cũng như hoàn thiện thói quen ăn uống hằng ngày là rất quan trọng.
Đầu tiên là về thời gian dành các bữa ăn. Ở tỉnh Nagano, tổng thời gian trung bình dành cho các bữa ăn trong một ngày là 104 phút, có độ dài đứng thứ ba tại Nhật Bản. Điều này có nghĩa là cần phải ăn chậm và nhai thật kỹ. Việc nhai kỹ sẽ ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều, giảm nguy cơ béo phì. Điều này đã giúp cho tỉnh Nagano trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ người mắc chứng béo phì thấp ở Nhật Bản.
Tiếp theo là ăn nhiều rau. Lượng rau trung bình một người ăn trong một ngày của tỉnh Nagano cũng được xếp vào hạng cao nhất ở Nhật Bản đối với cả nam và nữ. Mức tiêu thụ rau trung bình mỗi ngày trên toàn quốc là 301g, còn của tỉnh Nagano là 379g. Trong khi lượng rau tiêu thụ ít nhất lại là tỉnh Tokushima với 245g thì có thể thấy rằng lượng rau tiêu thụ ở tỉnh Nagano nhiều hơn đến 1,5 lần.
Ngoài ra, Nagano cũng là vùng nổi tiếng với việc trồng, sản xuất các loại rau quả. Rau quả được sản xuất và tiêu thụ ngay tại địa phương sản xuất nên luôn đảm bảo được chất lượng tốt nhất.
Nagano – địa phương sản xuất và tiêu thụ rượu vang đỏ, miso và nấm
Tỉnh Nagano là vùng có tỷ lệ sản xuất rượu vang đỏ tại địa phương cao. Đồng thời, có khoảng 12% sản lượng được tiêu thụ trong tỉnh.
Có bạn chưa biết, rượu vang đặc biệt là rượu vang đỏ có chứa chất chống oxy hoá polyphenol, có tác dụng bảo vệ các tế bào, các mô bên trong cơ thể và bảo vệ hệ tim mạch đó. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra lợi ích của rượu vang đỏ như ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa mất trí nhớ, chống lại các bệnh răng miệng, v.v..
Bên cạnh đó, ngoài rau, có một số loại thực phẩm ở tỉnh Nagano được sản xuất nhiều nhất ở Nhật Bản. Nagano là tỉnh đứng đầu không chỉ về sản lượng miso và nấm mà còn cả lượng tiêu thụ bình quân đầu người. Trong đó, lượng tiêu thụ nấm cao gấp 1,4 lần mức trung bình của cả nước và gần 2,5 lần so với nơi tiêu thụ ít nhất là tỉnh Okinawa.
Vì sao miso và nấm lại được tiêu thụ nhiều như thế? Đơn giản là miso và nấm rất giàu polyamin, rất tốt cho cơ thể, có tác dụng giúp ngăn ngừa, chống lão hoá và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Trên đây là một số bí quyết giúp cho người dân tỉnh Nagano duy trì sức khỏe cũng như kéo dài tuổi thọ. Điều quan trọng nhất là phải có ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính mình. Bạn nên chú ý đến thói quen ăn uống, sinh hoạt trong cuộc sống để tránh mắc bệnh ngay từ đầu, thay vì đợi đến khi bị bệnh thì mới thay đổi. Bạn đã rút ra được kinh nghiệm nào cho bản thân qua bài viết này chưa? Hãy chia sẻ cùng WAppuri nhé!