Trẻ em và dinh dưỡng (dành cho trẻ sơ sinh) – Giai đoạn bắt đầu ăn dặm
Ăn dặm
Cậu con trai hiện đang là học sinh lớp 5 của mình sáng nay vẫn ăn cơm rồi đi học như thường lệ, và cu cậu đã từng bú sữa mẹ đến hơn 2 tuổi rưỡi đấy. Khi ấy, dù đọc sách nuôi dạy trẻ hoặc hỏi những người bạn là mẹ bỉm sữa khác thì mình cũng chỉ nghe được rằng: “Bé sẽ ngừng bú sữa mẹ vào giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi". Chính vì vậy, cậu con trai nhà mình đã làm mình khổ sở vì lo lắng: “Chẳng lẽ chỉ có con mình vẫn còn bú sữa mẹ dù đã lớn sao?".
Trẻ sơ sinh hấp thụ nguồn dinh dưỡng từ sữa mẹ và sữa ngoài trong khoảng nửa năm đầu đời. Càng lớn thì hệ tiêu hóa của trẻ càng phát triển và trẻ sẽ mọc răng, cho phép trẻ nhận được dinh dưỡng từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Giai đoạn thay đổi nguồn dinh dưỡng cho trẻ từ sữa mẹ hoặc sữa ngoài sang thực phẩm mà người lớn chúng ta hay ăn gọi là thời kỳ “ăn dặm".
Nhà mình cũng đã bắt đầu thời kỳ ăn dặm khi con được 5 tháng tuổi. Có những trẻ rất tò mò về cảm giác và mùi vị của thức ăn đầu tiên của chúng. Nhưng cũng có một số trẻ lại khó chịu, quấy khóc hoặc không ăn. Bên cạnh đó, việc ăn hay không ăn còn phụ thuộc vào tâm trạng, thể chất của trẻ ngày hôm đó dù cho trẻ có thuộc nhóm tích cực với việc ăn dặm đi nữa.
Nhưng điều đó hoàn toàn bình thường. Về thức ăn cho trẻ, có nhiều thông tin cho rằng “tầm tuổi này thì nên dùng loại này với lượng như thế kia", nhưng dù sao những thông tin đó cũng vẫn chỉ là hướng dẫn. Trẻ sơ sinh cũng có cá tính riêng của chúng, vì vậy các mẹ hãy bình tĩnh đừng vội vàng nhé! Và nếu trẻ không ăn được, hãy bổ sung bằng sữa mẹ hoặc sữa ngoài để thỏa cơn đói và trẻ sẽ lại vui vẻ thoải mái thôi.
Cân bằng giữa ăn dặm và sữa mẹ/ sữa ngoài
Như mình đã đề cập ở phần đầu, khi bắt đầu ăn dặm thì các mẹ đều lo lắng “không biết làm sao để giảm lượng sữa mẹ, sữa ngoài". Có nhiều trường hợp chẳng hạn như: “Bé ăn nhiều thức ăn dặm nhưng vẫn muốn bú mẹ hoặc sữa ngoài", “Bé chỉ uống sữa mẹ và sữa ngoài mà không ăn dặm nhiều". Đối với trường hợp trẻ đầu tiên, từ sau giai đoạn 1 tuổi thì các mẹ hãy thử cho trẻ uống nước ấm thay vì sữa sau bữa ăn dặm. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể cho trẻ ăn vặt nhẹ trong khoảng thời gian giữa những bữa ăn nữa.
Đối với trường hợp trẻ thứ hai, mẹ hãy thử cho bé ăn dặm khoảng 30 phút trước giờ bú sữa. Nếu con không ăn được nhiều, hãy thử cho trẻ ăn dặm từ 30 phút đến 1 giờ sau khi cho con bú. Vì có những trường hợp dù không đói nhưng trẻ vẫn ăn do “vui miệng" với cảm giác và mùi vị của đồ ăn.
Sữa dặm
Trẻ uống sữa ngoài được khuyến khích nên tiếp tục uống sữa dặm sau 9 tháng tuổi. Sữa này được xem là nguồn dinh dưỡng bổ sung cho thức ăn dặm. Đây là loại sữa đặc biệt trong giai đoạn trẻ ăn dặm, cung cấp lượng canxi, chất khoáng và các chất dinh dưỡng mà thức ăn không cung cấp được. Sữa dạng bột nên gia đình cũng có thể dùng để chế biến món cháo bánh mì, món hầm.
Tuy nhiên, những trẻ có thể hấp thụ sắt từ thức ăn như gan, thịt nạc, lòng đỏ trứng gà, rau mồng tơi,… thì không nhất thiết phải uống sữa dặm. Các sản phẩm sữa này cũng có ghi “Dùng đến 3 tuổi" nên trẻ càng lớn sẽ hấp thụ dinh dưỡng từ thiên nhiên và các nguồn khác ngoài sữa dặm. Ngoài ra, trẻ bú mẹ thì không cần uống sữa dặm, bạn nhé!