Tã lót em bé – Lí do tôi chọn tã vải?
Có lẽ hơi đường đột, nhưng tôi xin tự giới thiệu mình là “Tiến sĩ nghiên cứu về tiểu tiện/đại tiện". Tôi đã quan sát chất thải của con trai mình ngày đêm, và kiểm tra (nghiên cứu) tình trạng sức khỏe của bé.
Đưa con đến bệnh viện hoặc đi nhà trẻ, mẫu giáo chẳng hạn, đôi khi có những dịp bạn cần giải thích tình trạng thể chất của con. Cha mẹ phải truyền đạt tình trạng sức khỏe của con cho bên thứ ba thay cho trẻ, vốn khó diễn đạt tình trạng bất ổn của mình một cách chính xác. Một trong những mẹo để xác định một đứa trẻ có khỏe mạnh hay không chính là dựa vào chất thải.
Vào khoảng 10 năm trước khi tôi bắt đầu nuôi con, có nhiều bà mẹ chỉ sử dụng tã giấy để chăm sóc trẻ, và rất ít người sử dụng tã vải như tôi. Trên thực tế, theo một cuộc khảo sát không chính thức thì 78% trong số 50 bà mẹ chỉ sử dụng mỗi tã giấy, và 20% gia đình sử dụng cả tã giấy lẫn tã vải.
Ưu điểm của tã vải
Tại sao tôi lại thuộc về 20% thiểu số? Lý do chính là tôi muốn cho bé cảm nhận rõ ràng sự bài tiết. Trong thời gian mang thai, tại “Lớp học của mẹ" mà tôi đã tham dự có một thí nghiệm được thực hiện như sau. Đó là một trải nghiệm mô phỏng cảm giác của bé sau khi tiểu tiện bằng cách đổ nước nóng thay cho nước tiểu vào tã giấy. Giống như thông điệp quảng cáo của tã, ban đầu chạm vào rất mịn và khô, nhưng khi nước vẫn còn ấm thì cảm giác rất ngột ngạt, khó chịu. Đặc biệt là vào mùa hè, tôi nghĩ bé sẽ khó chịu nếu không được thay tã ngay lập tức.
Tã giấy tiện Iợi
Chất lượng tã giấy của Nhật Bản được cải thiện qua từng năm. Thoáng khí và mềm mại khi chạm vào. Có vách ngăn chống tràn 3D bao quanh chân để chống rò rỉ hai bên. Có nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo số tháng và cân nặng (tạng người) của bé, và cả tã dán có thể thay trong khi nằm, tã quần có thể thay rất nhanh chóng. Bạn có thể lựa chọn tùy theo giai đoạn phát triển cũng như tính cách của bé (những trẻ năng động sẽ chạy trốn giữa lúc thay tã… ).
Ngoài ra, có loại tã được thêm vào “vạch báo nước tiểu", là một cơ chế đổi màu khi bé tiểu, giúp bạn không cần tháo tã kiểm tra mỗi lần nữa, rất tiện lợi. Lượng nước hấp thụ tối đa là 500 đến 1000cc (5 đến 10 lần tiểu), và không hề bị tràn dù không thay tã sau mỗi lần tiểu.
Vì vậy, một số bà mẹ không thay tã trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, theo như thí nghiệm đã đề cập ở trước, tôi muốn thay tã càng sớm càng tốt sau khi bé bài tiết. Vì vậy tôi chọn tã vải để dễ cảm nhận được độ ẩm và mùi của nước tiểu và phân.
Bảo vệ môi trường
Điều tôi thích ở tã vải là sự khó chịu khi tã bị bẩn, chính bé sẽ dễ dàng học được cảm giác về bài tiết, do đó dễ dàng kết nối với việc tập đi vệ sinh. Ngoài ra, trước khi trẻ có thể tự đi vệ sinh, lượng tã giấy một bé sử dụng lên tới khoảng 7.000 cái. Dù còn tùy vào độ tuổi của bé, nhưng dường như sẽ có khoảng 5 kg rác được thải ra nếu gom lượng tã sử dụng trong 4 ngày.
Nhờ chỉ sử dụng tã giấy vào ban đêm và khi ra ngoài, còn sử dụng tã vải vào ban ngày và khi ở nhà, tôi đã có thể giảm thiểu một chút số lượng tã giấy cũng như rác thải.
Thay vào đó, phải mất thời gian để giặt, nhưng chỉ có 5 đến 7 tã vải và 1 đến 2 túi đựng tã được thêm vào đồ giặt mỗi ngày. Hơn nữa, như tôi đã đề cập lúc đầu, sẽ dễ dàng quan sát lượng, màu sắc và hình dạng của phân và nước tiểu, giúp tôi nắm bắt tình trạng sức khỏe của con.
Tại Việt Nam, tã do Nhật sản xuất có giá tương đối cao. Phải mất 3 đến 4 năm kể từ khi sinh cho đến khi bé có thể đi vệ sinh trong toilet. Bạn hãy cân nhắc công sức và gánh nặng kinh tế để chọn tã phù hợp với gia đình mình nhé!