Kỹ năng sống – Dạy con nuôi dưỡng lòng quý trọng đồ vật
Ở trường mẫu giáo của con tôi, từ lúc mới nhập học các bé đã được bảo rằng: “Trong số các thứ rác thải ở nhà, có “báu vật" của các bé. Chẳng hạn như lõi cuộn giấy vệ sinh, hộp hoa quả dùng rồi, khay đồ ăn, nơ buộc các món quà, v.v… Đừng vứt đi nhé!"
Lên tiểu học, học sinh được phát tài liệu minh hoạ: “Những thứ sau đây sẽ dùng trong giờ học, thường ngày các em hãy để ý giữ lại nhé!"
Trong đó, ngoài những thứ kể trên còn có “khay gỗ đựng chả cá kamaboko, đồ đựng bánh flan dùng rồi, xốp đệm chống sốc (màng nhựa xốp có các bong bóng khí, thường gọi là “puchi puchi")", mảnh nhựa buộc miệng bao bánh mì, nắp chai PET, v.v… Hằng năm, đến buổi học thủ công, mỹ thuật, các em sẽ mang đến trường.
Đây đều là những thứ bỏ đi, trong mắt người lớn đơn giản là “rác". Người lớn đa phần chỉ dùng đồ vật với một công dụng thôi, còn trẻ em có thể phát huy trí tưởng tượng để tận dụng lại rác thải thành đồ chơi.
Con trai tôi cũng vậy, nó cắt giấy bìa từ hộp hoa quả cũ ra làm tay chân, gắn vào lõi cuộn giấy vệ sinh để chế tạo người máy! Rồi nó lại lấy những mẩu chỉ len vụn với quả thông (nhặt trên đường đi dạo) dán băng dính vào hộp bánh flan rỗng, chơi thay cho “kendama".
Có nhiều ý kiến nhận xét rằng mấy mươi năm gần đây, ở Nhật chủ nghĩa tiêu thụ được cổ suý quá mức, lòng quý trọng đồ vật đang ngày một mất đi. Để có một món đồ chơi, chúng ta chỉ cần đến gian hàng đồ chơi trong trung tâm mua sắm là tha hồ lựa chọn đủ loại đồ chơi đầy màu sắc.
Vậy nên không cần thiết phải chú tâm giữ lại và tìm cách tận dụng những thứ hàng hoá không còn giá trị sử dụng sau khi hoàn thành công dụng của nó nữa. Chỉ cần mua đồ mới đẹp là xong. Trên thực tế có nhiều đứa trẻ vòi mua rất nhiều người máy.
Vậy mà con trai tôi lại rất quý người máy nó tự làm từ “rác thải". Vì người máy này do con tôi mầy mò làm ra, trên thế gian chỉ có một. Thế nên với con tôi là vô cùng đặc biệt, vì bé đã dồn nhiều tâm huyết trong đó.
Chú tâm và liên hệ với đồ vật một cách chủ động, tích cực chính là nuôi dưỡng lòng quý trọng đồ vật.
Hơn nữa, để cho con trẻ tận dụng phế liệu làm thủ công chơi còn có hai cái lợi. Thứ nhất là nuôi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ khi nỗ lực quan sát món đồ này dưới góc độ của thứ khác. Thứ hai là kích thích năng lực hành động sáng tạo trong quá trình tìm tòi làm cho giống hình dạng mình đã hình dung trong đầu.
Mối liên hệ với đồ vật cũng giống như mối liên hệ với con người. Người nào biết trân quý đồ vật thì đối nhân xử thế cũng trọn vẹn hơn. Hi vọng rằng người lớn chúng ta cũng rèn luyện thói quen không dễ dàng vất bỏ đồ và hãy làm gương cho trẻ thấy thế nào là biết quý trọng đồ vật nhé!