Lý do cần phải chăm sóc tóc sau khi sinh và phương pháp chăm sóc
Có rất nhiều vấn đề phát sinh sau khi sinh. Với tôi thì đó là chuyện số lượng tóc bạc tăng lên chóng mặt.
Tôi sinh con ở tuổi 35 và đã có tóc bạc từ trước khi sinh rồi. Nhưng lúc đó chỉ có lắt nhắt vài cọng chứ không nhiều đến mức nhìn thấy rõ. Vậy mà vào một ngày nọ sau khi sinh, tôi bất chợt nhìn vào gương thì phát hiện một góc đầu chếch về phía bên phải từ đỉnh đầu đã bạc trắng mất rồi!
Ở Nhật Bản, từ xa xưa đã có câu “Tóc sẽ bạc màu nếu lao tâm khổ tứ" (mặc dù điều này chưa được chứng minh về mặt y học), nên tôi đành chấp nhận “Nuôi con là gian khổ trường kỳ mà, tóc có bạc thêm cũng phải chịu thôi". Tuy nhiên, có những lý do nhất định khiến tóc bạc thêm nhiều ở các bà mẹ sau sinh.
Các sắc tố tạo màu cho tóc (melanocytes) được sinh ra từ phần chân tóc.
Nếu sắc tố này không được sản xuất, tóc sẽ không có màu và sẽ bạc đi.
Mất sắc tố ở chân tóc của phụ nữ sau sinh là do giảm nội tiết tố nữ, thiếu dinh dưỡng và căng thẳng. Sự cân bằng nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ dao động đáng kể từ khi mang thai đến khi sinh con. Ngoài ra, khi bước vào lối sinh hoạt tập trung cho em bé, họ có xu hướng ăn uống qua loa.
Ngoài ra, các bà mẹ đang cho con bú sẽ sử dụng các chất dinh dưỡng mà họ đã hấp thu cho đứa trẻ, khiến họ khó duy trì tình trạng cơ thể bình thường. Thêm vào đó, khi bạn cho con bú vào giữa đêm, bạn sẽ bị thiếu ngủ và không thể nghỉ ngơi. Tất cả đều không tốt cho mái tóc của bạn.
Điều đáng tiếc là một khi tóc đã chuyển bạc thì không thể mọc đen trở lại và sắc tố ở chân tóc cũng không tái tạo được. Tuy nhiên, khi sắc tố được kích hoạt, tóc mới mọc sẽ lại có màu đen.
Khi kết thúc thời kỳ cho con bú, sự cân bằng của nội tiết tố nữ sẽ được phục hồi, nhờ đó các sắc tố làm đen tóc sẽ được kích hoạt. Em bé sẽ ngủ xuyên đêm nên mẹ sẽ có nhiều thời gian hơn để ngủ và lấy lại được nhịp sinh học như trước khi sinh. Sau đó, điều quan trọng là phải giữ một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng để sắc tố có thể được kích hoạt.
Không chỉ có tóc bạc mà nhiều bà mẹ còn bị rụng tóc. Đây là một tình trạng gọi là “rụng tóc hậu sản" hoặc “rụng tóc sau sinh". Nếu đến khám ở bệnh viện thì hãy đến chuyên khoa da liễu nhé.
Tóc thường bắt đầu rụng từ 2 – 3 tháng sau khi sinh, đỉnh điểm là khoảng sau 4 – 6 tháng sau đó. Và sau đó thì tóc cũng dần hết rụng và sẽ mọc lại tự nhiên trong khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi sau khi sinh. Cũng giống như tóc bạc, việc rụng tóc là do các nguyên nhân như sự biến đổi cân bằng nội tiết tố giữa trước và sau sinh, nhịp sinh hoạt bị phá vỡ do ưu tiên cho em bé, và thiếu dinh dưỡng do cho con bú.
Ngoài ra, cũng có thể là vì loại dầu gội mà bạn vẫn đang dùng từ trước bỗng dưng không còn hợp nữa sau khi sinh.
Tóc sẽ càng rụng thêm nếu bạn tiếp tục dùng loại dầu gội đó. Thế nên sẽ tốt hơn nếu bạn thay thế nó bằng các sản phẩm hữu cơ ít gây kích ứng da đầu và tóc, hay dầu gội không chứa silicon, dầu gội chứa axit amin. Do tóc dễ bị ảnh hưởng bởi tia cực tím nên cũng sẽ tốt hơn nếu đội mũ và dùng dù che nắng khi đi ra ngoài.
Chỉ riêng chuyện tóc thôi mà bạn cũng thấy được gánh nặng to lớn ảnh hưởng đến cơ thể người phụ nữ do khác biệt giữa trước và sau khi sinh phải không nào! Cả gia đình cũng nên cùng hỗ trợ và để các mẹ có thời gian chăm chút cho cơ thể của mình hơn nhé!