Hãy dạy con cách sử dụng kéo
Con bạn thường vui chơi như thế nào nhỉ? Đúng là vận động cơ thể ngoài trời cũng tốt nhưng lần này tôi xin gợi ý các bạn cho con vừa chơi vừa sử dụng các đầu ngón tay.
Việc cử động ngón tay nhiều từ khi còn nhỏ sẽ kích thích não bộ và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ở trẻ. Đặc biệt, các kích thích từ bàn tay và ngón tay có tác động rất tích cực đến đại não, nơi điều khiển các kỹ năng tư duy, trí nhớ, ngôn ngữ và vận động cần thiết cho việc học tập. Có nghĩa là con càng cử động ngón tay linh hoạt thì não bộ của con sẽ càng được kích hoạt và trở thành nền tảng cho các thế mạnh khác.
Xem nào, trẻ em bắt đầu có hứng thú với kéo vào khoảng hai tuổi. Cho dù chiếc kéo có nhỏ thể nào thì cũng là vật sắc nhọn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích. Đó cũng chính là lý do chúng ta nên dạy cho các con cách sử dụng kéo đúng và an toàn.
Trước hết, nên cho con sử dụng loại kéo dành cho trẻ em có đầu kéo tròn. Nguyên do là vì kéo dành cho người lớn thì to và nặng đối với tay của trẻ em.
Và bạn phải làm rõ các quy tắc sử dụng kéo. Ở nhà tôi, kéo được sử dụng với các quy tắc sau.
1. Không chĩa kéo vào người khác
2. Tuyệt đối không bao giờ cắt bất cứ thứ gì khác ngoài giấy
3. Luôn ngồi khi sử dụng kéo
4. Không cầm kéo khi đi lại
5. Sau khi sử dụng, khép lưỡi kéo lại và cho vào bao đựng kéo rồi cất vào ngăn kéo (không được để kéo lung tung trên sàn nhà hoặc trên ghế sofa)
Khi cho con làm bất cứ việc gì lần đầu tôi điều nói “Mẹ sẽ làm thử, con quan sát nhé” và làm mẫu cho con xem. Lúc cho con dùng kéo cũng vậy, trước khi cắt giấy thì tôi cho con xem cách mở rồi đóng kéo và để con làm theo.
Kế đến là tập cắt sử dụng giấy có độ lớn (chiều rộng) mà có thể cắt đứt được với một lần cắt. Lúc cắt hãy để con hô thêm vào tiếng “Xoẹt” để con nắm bắt được cảm giác của một lần cắt. Như thế con sẽ có thể cắt liên tục một cách trơn tru. Người lớn đã quen dùng kéo rồi nên một lần cắt chỉ là một lần cắt thôi nhưng con tôi đã rất hứng thú vừa hô “Xoẹt, xoẹt” vừa cắt rất nhiều. Từ từ tăng độ khó bằng cách tăng độ lớn (tăng chiều rộng) của mảnh giấy để con phải mở rộng lưỡi kéo ra (ngón cái và ngón trỏ hoặc ngón giữa phải hoạt động đáng kể) thì mới cắt được.
Ngoài ra, phải luyện tập việc đóng mở lưỡi kéo khi cắt liên tục nữa. Để có thể cắt liên tục, điều quan trọng là không đóng lưỡi kéo hoàn toàn mà dừng lại giữa chừng rồi lại mở lưỡi kéo ra. Con tôi đã vừa tập cắt vừa hô “Xoẹt, xoẹt, xoẹt”. Hình như con rất vui khi lúc đầu phải làm chậm rãi mà dần dần có thể nhanh chóng cắt một cách thành thạo. Con cũng toát ra vẻ tự tin khi đã có thể cắt được nhiều.
Khi con đã quen cắt theo đường thẳng thì có thể tập cắt theo đường vòng cung, đường zíc zắc hay nhiều kiểu khác. Con trai tôi rất thích ô tô nên tôi vẽ những hình chiếu đại khái của ô tô lên giấy. Con rất vui khi chơi bằng cách cắt theo những đường tôi vẽ (trò chơi cắt giấy – kirigami). Dần dần con đã có thể cắt ra những hình mình nghĩ trong đầu như rô bốt, côn trùng mà không cần vẽ đánh dấu trước. Năm nay con học lớp 4 (10 tuổi) và đang là thành viên của câu lạc bộ thủ công ở trường. Hôm trước con đã cắt một con rồng bằng giấy dài hơn cả chiều cao của con và mang về nhà.
Việc sử dụng các công cụ trong khi vui chơi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và kích thích não bộ của con. Quả là một mũi tên trúng hai đích!