Bạn có đang bị trầm cảm sau sinh không?
Đứa bé mình luôn mong ngóng đến lúc sinh ra thật lại chẳng thấy đáng yêu gì cả. Không thể giữ được bình tĩnh vì bực mình và tức giận với em bé và những người khác trong gia đình. Cảm thấy chán nản, không có động lực để chăm sóc con cái hay làm việc nhà, hoặc đột nhiên rơi nước mắt… Có người mẹ nào đang ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy không? Có khi đó là “trầm cảm sau sinh" đấy.
Nguyên nhân “Trầm cảm sau sinh"
“Estrogen" và “progesterone" là hai hormone có ảnh hưởng lớn đến cơ thể người phụ nữ. Có thể nghe lạ tai nhưng hai loại hormone này chính là tác nhân gây rụng trứng và kinh nguyệt. Giờ thì bạn thấy hai loại hormone này quen thuộc hơn rồi nhỉ. Chúng cũng có liên quan đến việc mang thai và sinh nở nữa đấy.
Sau khi sinh con, việc hai loại hormone này giảm mạnh khiến cho tâm trạng của các sản phụ không ít thì nhiều cũng lên xuống thất thường. Ngoài ra, việc suy giảm các hormone khác do tuyến giáp tiết ra sau khi sinh cũng khiến các bà mẹ dễ mệt mỏi hơn, mất hết sức lực và chán nản.
Kể cả không như thế thì việc sống cùng em bé đã là một hoàn cảnh đặc biệt rồi. Thế mà những điều “bất thường" lại còn cứ diễn ra trong cơ thể người mẹ nên tâm trạng trở nên thất thường cũng là lẽ thường tình. Trong trường hợp sinh con thứ hai hay thứ ba, dù đã có sẵn kinh nghiệm nuôi con nhưng đây cũng coi như trải nghiệm lần đầu “phải chăm thêm em bé khi mà vẫn phải chăm đứa lớn hơn".
Dấu hiệu nhận biết
Vậy là các bà mẹ đều có thể cảm thấy không ổn định sau khi sinh, nhưng “trầm cảm sau sinh" và “hội chứng baby blues" là hai thứ khác nhau. Tôi đã từng bị baby blues. Đó là cảm giác bất chợt buồn bã, lo lắng vì các vấn đề chăm sóc con: “Thế này có ổn không nhỉ?", ngủ không sâu hay mất ngủ. Những triệu chứng này xuất hiện không lâu sau khi sinh, có thể giảm sau vài tuần, và có thể được cải thiện nhờ sự thấu hiểu và hợp tác của gia đình, những lời chúc mừng và cảm thông từ mọi người.
Trong khi đó “trầm cảm sau sinh" lại có các biểu hiện như kéo dài trên hai tuần, liên tục có cảm giác khổ sở vì “Dù biết phải chăm sóc con nhưng mình không có động lực gì cả", hoặc “Mình không thể làm các công việc chăm sóc con mà các bà mẹ khác làm được như lẽ dĩ nhiên (Mình thật vô dụng và đáng xấu hổ)", và các triệu chứng như ăn quá nhiều (hoặc chán ăn) và mất ngủ (hoặc ngủ quá nhiều) ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Không thể xem thường!
Theo một dữ liệu cách đây không lâu, trong hai năm từ 2015 đến 2016, ở Nhật Bản đã có 92 người mẹ tự kết liễu đời mình. Trầm cảm sau sinh không phải là hiếm khi mà cứ 10 người mẹ thì có 1 người phát bệnh. Đó là lý do tại sao nói sinh con và chăm sóc con là một việc “đại sự" đối với phụ nữ.
“Tâm hồn" của chúng ta là thứ vô hình. Bởi thế có thể chính các bà mẹ cũng không biết rằng sự khó chịu về tinh thần và thể chất của mình chính là “do tâm hồn bị bệnh" mà ra. Vì “trầm cảm sau sinh" là một “căn bệnh" đã được chính thức ghi nhận, nên nó không phải là thứ có thể được chữa khỏi chỉ bằng nỗ lực của bệnh nhân mà cần phải có sự thăm khám của cơ quan y tế.
Đã có những bà mẹ đã thấy khá hơn nhờ được tư vấn hay dùng thuốc. Mọi người cũng nên tìm hiểu về “trầm cảm sau sinh" và hỗ trợ các bà mẹ về tinh thần và thể chất nhé!