Cần thiết là dạy con cảm giác về thời gian
Trước khi đi ngủ tôi thường hay lẩm bẩm “Ôi, hôm nay bận rộn quá đi mất!”
Thật ra thì kể từ khi làm mẹ thì tôi chẳng có lấy một ngày không bận rộn, ngày nào cũng như thể bị cái gì đó rượt theo phía sau.
“Cái gì đó” chính là thời gian. “Thời gian” là một khái niệm mang tính tương đối không thấy được bằng mắt (cách nắm bắt và cảm nhận khác nhau tuỳ vào bối cảnh) và hữu hạn, nên vấn đề nên sử dụng thời gian như thế nào cũng là một câu đố khó ngay cả đối với người lớn. Huống chi là trẻ con non nớt, bảo hình dung về “thời gian” là một việc bất khả thi.
Dạy con cách xác định thời gian
Sử dụng đồng hồ có kim chỉ giờ
Con trai tôi năm nay học lớp 4, một tuần có 2 ngày học 6 tiếng ở lớp, 16h30 là về nhà. Vậy là nhóc chỉ có 4 giờ đồng hồ cho đến lúc đi ngủ, thế là bắt đầu trở nên bối rối. Từ lúc bắt đầu đi học, con chỉ được phép thong thả vui chơi hoặc xem tivi sau khi hoàn thành bài tập về nhà. Để giúp bé tập trung làm bài, tôi cho bé xem đồng hồ có kim chỉ giờ (hay còn gọi là đồng hồ analog).
Nhà tôi gắn đồng hồ kim ở phòng khách hồi lúc con còn đi học mẫu giáo. Kể từ sau khi nhập học, tôi phân chia thời gian để con chuyên tâm làm bài tập và bảo con rằng “Kim dài đến chỗ này (vừa nói vừa chỉ vào số 12) là đi ăn dặm. Cho đến lúc đó con phải làm xong tờ bài tập toán và tập đọc xong bài đọc tiếng Nhật nhé!”.
Tôi cũng nói với con “Kim ngắn chỉ số 6, kim dài chỉ số 12 là đến giờ cơm tối, lúc đó con phải ngừng xem tivi rồi xuống bếp nhé!” rồi mới cho con xem tivi. Đấy là tôi muốn luyện cho con ý thức “bây giờ và lát sau phải/nên/muốn làm gì” bằng cách đặt đồng hồ kim trong tầm nhìn hàng ngày của con.
Đưa ra ước tính thời gian cho các hoạt động
Người lớn thì có thể phần nào cảm giác được những khoảng thời gian “5 phút” hay “30 phút”, nhưng đối với trẻ nhỏ thì hầu như là không thể. Vì vậy, tôi đã đưa ra một số ví dụ về thời gian trôi qua bao lâu để bản thân tự làm một việc gì đó cụ thể để giải thích cho trẻ, chẳng hạn như “thời gian con có thể xem một tập anime mà con yêu thích trên tivi là khoảng 30 phút”, “thời gian đi bộ từ nhà đến trường và lại từ trường đi về nhà là khoảng 1 tiếng”.
Xây dựng nề nếp sinh hoạt
Tôi còn cố định trình tự làm việc nhà hàng ngày của cả hai mẹ con. Tôi cho con biết về trình tự làm việc nhà “Từ 5 giờ rưỡi là mẹ nấu cơm tối, cho đến lúc đó nếu con hoàn thành bài tập viết Hán tự thì mẹ sẽ kiểm tra lại cho con”, hay “Sau khi mẹ lấy và gấp quần áo đã phơi, cho đến giờ cơm tối vẫn còn thời gian trống, mẹ chơi chung với con nhé” để con tự nghĩ và hành động: “Từ 5 giờ là mẹ rảnh tay, cho đến lúc đó mình phải hoàn thành xong bài tập mới được”.
Tôi lặp lại những điều trên hàng ngày, từ khi con lên 9 tuổi, từng chút từng chút một, con đã có thể tự mình lập kế hoạch theo thời gian và thực hiện y như thế, chẳng hạn như “từ bây giờ mình sẽ làm cái này, tiếp theo sẽ làm cái kia, sau đó là được chơi game rồi”, hay “8 giờ rưỡi rồi, phải đi ngủ thôi”.
Lời kết
“Quản lý thời gian” chính là “quản lý hành động của bản thân”. Con người không thể làm thời gian chạy sớm hơn hay trễ hơn. Cái chúng ta co thể chi phối đó chính là “hành động”.
Hành động vào thời điểm đã xác định, hoàn thành việc phải làm trong một khoảng thời gian nhất định. Đó chính là “nền tảng của lao động”. Chính vì thế, tôi muốn hướng dẫn cho con tự biết ghi nhớ và trau dồi phản xạ thời gian ngay từ thuở nhỏ.