Cuộc sống tập thể của trẻ bị dị ứng thực phẩm
Khi trẻ bắt đầu cuộc sống tập thể trong các trường mầm non và mẫu giáo, các bậc phụ huynh sẽ luôn có rất nhiều điều lo lắng. Đặc biệt là với các bậc phụ huynh có con bị dị ứng với thực phẩm sẽ lại càng lo lắng nhiều hơn về cách hợp tác với người chăm sóc và nhân viên phục vụ ăn uống cho con mình.
Cứ 10 trẻ dưới một tuổi thì có một trẻ bị dị ứng
Trong những năm gần đây, những nghiên cứu về dị ứng thức ăn đã có rất nhiều tiến bộ, và theo như nghiên cứu thì cứ 10 trẻ em dưới 1 tuổi thì sẽ có 1 trẻ bị dị ứng.
Chính vì vậy, Nhật Bản đang tiến hành nhiều cách hỗ trợ, như Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã soạn thảo “Hướng dẫn về Dị ứng trong Trường Mầm non" và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cũng đã xuất bản “Hướng dẫn về dị ứng thực phẩm trong bữa trưa tại trường" để đảm bảo cuộc sống trong môi trường tập thể của trẻ được an toàn.
Những khó khăn khi trẻ bị dị ứng?
Nhân tiện, học trò của tôi có một học sinh bị dị ứng với mì soba. Nó xảy ra khi cậu bé còn nhỏ.
Hôm đó, cả nhà quyết định ăn mì soba và mẹ cậu bé đã luộc soba cho cả gia đình ăn ngoại trừ cậu vì cậu bị dị ứng. Cái nồi mà được dùng để luộc soba đã được rửa kỹ rồi mới dùng để luộc mì udon dành riêng cho cậu bé. Tuy nhiên, một lượng nhỏ chất gây dị ứng còn sót lại trong nồi vẫn đủ để khiến cậu bé lên cơn co giật, và đã phải gọi xe cấp cứu đến.
Như trong ví dụ trên, chất gây dị ứng thường không nhìn thấy được bằng mắt thường và vẫn có thể gây ra phản ứng dị ứng cho dù bạn có cẩn thận đến đâu.
Ngay cả khi ở nhà, việc lên thực đơn đặc biệt cho trẻ dị ứng cũng như loại bỏ các chất gây dị ứng, chuẩn bị dụng cụ nấu ăn, bộ đồ ăn riêng, miếng xốp rửa v.v… dành riêng cho trẻ đã rất vất vả rồi.
Ngoài ra, cũng rất khó đối phó với các triệu chứng dị ứng của một cá nhân trong nhà trẻ hay trường học, nơi luôn phải lo bữa ăn cho nhiều trẻ em cùng một lúc. Nếu như bột mì là chất gây dị ứng, thì ngay cả khi bạn mở một túi bột ra thì đã không có cách nào để ngăn chặn bụi bột mì lan rộng khắp phòng nấu ăn do gió từ máy điều hòa cả.
Nguyên nhân gây dị ứng đến từ những vật dụng trẻ hay dùng??
Ngoài ra, dù bạn có cẩn thận trong nấu nướng và phục vụ đến đâu thì cũng chưa chắc đã là an toàn tuyệt đối.
Đã có những báo cáo nói rằng ngoài các loại thực phẩm gây dị ứng, thì các loại đất sét làm từ bột mì được dùng làm dụng cụ học tập, hay vỏ hộp bánh kẹo rỗng được dùng trong môn thủ công, đến vỏ hộp trứng, sữa, và chai nhựa PET cũng có thể có những chất gây dị ứng khiến trẻ lên cơn co giật.
Hãy báo lại với trường hoặc nhà trẻ khi con được chuẩn đoán mắc bệnh dị ứng!
Các bữa trưa tại trường ở Nhật bản được dựa trên các chế độ ăn uống đã loại bỏ các loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng, và thực đơn sẽ được trường liên hệ trước với gia đình.
Nếu con bạn được chẩn đoán là bị dị ứng thực phẩm, hãy báo cho nhà trẻ hoặc trường học, và nếu có thể, hãy trao đổi với giáo viên chịu trách nhiệm, những người sẽ trông chừng con bạn khi con bạn ăn uống gì đó.
Hồ sơ nộp lúc nhập học cũng có mục ghi chú dị ứng thực phẩm của trẻ, nhưng để tạo dựng mối quan hệ tin cậy với giáo viên trực tiếp trông coi cũng như khiến bạn yên tâm hơn thì bạn nên trực tiếp trao đổi với họ về các triệu chứng, cũng như cách xử lí khi gặp dị ứng của con bạn từ trước đến nay.
Về cơ bản,"Ăn" là một hoạt động thỏa mãn về vị “ngon" và chia sẻ niềm vui khi ăn uống đó với người ăn cùng.
Mặt khác, đó cũng là nơi mà bạn sẽ dễ có những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như “Thật vui khi được ăn món ngon và trò chuyện với ai đó" hay “Được ăn món ưa thích thế này thật là hạnh phúc quá đi!".
Tích lũy cảm giác tích cực này là điều cần thiết cho sự phát triển và ổn định về cảm xúc cho trẻ. Đặc biệt là trong giáo dục mầm non, rất khó để trẻ em nói lên được những bất thường trong cơ thể mình, vì vậy chúng ta hãy tạo cơ hội cho người lớn cùng trao đổi quan điểm với nhau về sự an toàn của con cái mình nhé!