“Tái định khung” (reframing) để bớt căng thẳng khi nuôi con!
Lần này chúng ta lại tiếp tục chủ đề “Căng thẳng (stress) khi nuôi con" nhé!
Bạn đã làm gì khi có ý định sinh con hay khi đã mang thai rồi vậy? Tôi đoán là rất nhiều phụ huynh đã tìm hiểu về việc mang thai, sinh nở và chăm sóc con. Trong số đó, “sách chăm sóc trẻ em" lại chính là cái phao cứu sinh được nhiều người tìm đến nhất.
Có những “định khung" nào?
Trong những năm gần đây, internet đã trở nên phổ biến, vì vậy cũng có nhiều người tìm kiếm thông tin liên quan đến trẻ em trên mạng. Tôi cũng đã mua và đọc kỹ cuốn sách dày với chủ đề “Lần đầu mang thai và sinh con" rồi dán giấy ghi chú ở những phần mà tôi nghĩ là quan trọng ngay cả trước khi tôi được ban cho đứa con quý giá này.
Nhưng! Có rất nhiều điều trong sách nuôi dạy trẻ không đúng. Nói cách khác, trẻ em (đồng thời là con người) là muôn hình muôn vẻ, không có gì là “tuyệt đối" như là “nó sẽ như thế này" hay “phải làm thế kia mới tốt". Ngoài ra, kinh nghiệm của các bà mẹ tiền bối không phải lúc nào cũng áp dụng cho tôi và con mình được nên đã nhiều lần tôi phải ca thán “Nói thì nói vậy nhưng cái này tôi (con tôi) không làm được…".
Vì vậy, nhìn lại 10 năm nuôi con của mình, tôi có thể nói rằng đó là một chuỗi những sự kiện ngoài dự tính khiến tôi phải thốt lên “Chẳng giống như mình nghĩ chút nào!" hay “Chưa từng nghe luôn đó!".
Chúng ta luôn khá là căng thẳng với những tình huống “không như mong đợi" hay “khác với những gì chúng ta tưởng tượng (lên kế hoạch)" ấy. Ngoài ra, chúng ta còn bị đè nặng bởi áp lực “Phải vững vàng vào vì chúng ta đã trở thành bố mẹ rồi!".
“Tái định khung" là sao?
Vậy thì có một thứ gọi là “tái định khung" (reframing) trong tâm lý học trị liệu. Đây chính là việc đưa sự vật, sự việc bị đóng trong một cái khung (frame) vào một cái khung khác và xem xét lại.
Ví dụ: Giả sử bạn có một cái ly với một nửa nước bên trong.
Cách bạn suy nghĩ là “Mình chỉ có nửa ly nước thôi" hay “Mình có tới nửa ly nước luôn" sẽ thay đổi tâm trạng của bạn rất nhiều phải không nào. Suy nghĩ đầu khiến bạn liên tưởng đến sự “không đủ" hay “thiếu thốn" nên dẫn đến sự thất vọng và lo lắng. Còn cái sau thì lại cho bạn thấy sự “đầy đủ, thỏa mãn" hay “may mắn" nên dẫn đến cảm giác biết ơn và dư dả. Nói cách khác, thay đổi cách nhìn và cách suy nghĩ đồng nghĩa với việc mở rộng khung (frame) để có thể làm giảm bớt “cảm xúc tiêu cực" như khó chịu và suy sụp.
Trong việc nuôi con, “khung (frame)" chính là những việc “phải làm thế này" hay “nên làm thế kia", ví dụ như “cho con bú sữa mẹ hay sữa công thức đến khi con 1 tuổi", “cho con đi ngủ trước 8 giờ tối", “phải tập cho con tự đi vệ sinh được trước khi đi nhà trẻ". Sẽ rất khổ sở nếu bạn cố gắng tuân thủ nghiêm ngặt những điều này.
Các bậc cha mẹ bị căng thẳng khi nuôi dạy con chính là kiểu người rất nghiêm túc và chân thành trong nỗ lực của họ để tránh bị lệch khỏi những cái “khung" trên! Hãy tự tán dương bản thân đi nào! Rồi sau đó hãy tự nhủ với chính mình những câu nói có thể giúp bạn như dễ thở hơn một chút: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", “Thỉnh thoảng cũng có những lúc như thế này nhỉ", “Rồi mình/con sẽ làm được thôi", “Cả mình và con đều là con người thôi, có không như mong đợi thì cũng là lẽ thường".
Thời gian chúng ta gắn mình với con trẻ thật ra rất ngắn so với một đời người rất dài. Nhất là khi bận rộn, ta sẽ thấy thời gian trôi qua hệt như một thoáng chốc thôi.
Sẽ thật tuyệt nếu chúng ta có thể tận hưởng thời gian bên con mà không có quá nhiều căng thẳng trong việc chăm sóc con phải không nào!