Ai cũng cận kề với nguy cơ bạo hành trẻ
Mỗi khi có tin tức về hành hạ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì sẽ lại có làn sóng chỉ trích những người phạm tội là cha mẹ “Bố mẹ gì mà tệ vậy chứ!?". Cho dù phong trào “Hãy cùng nhau nâng niu con trẻ" có phát triển thế nào thì các tin tức về bạo hành trẻ em vẫn không bao giờ hết. Vì sao lại như thế?
Bất cứ ai cũng cận kề nguy cơ – Vì sao?
Tôi cho rằng nguyên nhân là do “mọi người đều nuôi con nhỏ cùng với nguy cơ chính họ sẽ thực hiện hành vi bạo hành".
Tôi nghĩ tất cả các bạn đọc bài viết này đều là những người rất quan tâm đến việc nuôi dạy trẻ, bao gồm các bậc cha mẹ, người bảo hộ, hay những người làm công việc liên quan tới giáo dục. Tuy nhiên, việc nuôi và giáo dục trẻ rất khó. Đó là một chuỗi những việc khó khăn, không diễn ra đúng như ý muốn của bạn phải không nào? Tất nhiên cũng có rất nhiều khi bạn có thể vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng song hành vẫn là những lúc gặp nhiều căng thẳng khi phải lo lắng và không biết phải làm gì.
Không phải ai cũng có thể chống chọi lại stress chỉ vì đã là người trưởng thành. Ngoài ra, khi mà căng thẳng về thể chất tích tụ, rồi quan hệ ở nơi làm việc và gia đình không hài hòa sẽ đặt người ta vào một tình cảnh khó khăn. Và khi đó, những gánh nặng tăm lý và xung đột từ việc nuôi dạy con sẽ như giọt nước làm tràn ly. Một người dù có tinh thần mạnh mẽ đến đâu cũng sẽ đến lúc không chịu được căng thẳng nữa.
Khi những sự cáu kỉnh và lo lắng dâng cao đến mức các bậc phụ huynh không thể tự xoa dịu chính mình mà lại chĩa hướng sang “kẻ yếu thế = trẻ con" cạnh bên, thì đó chính là lúc bạo hành xảy ra. Vì vậy, tôi cho rằng tất cả những người trưởng thành, kể cả bản thân tôi, đều mang trong mình nguy cơ lỡ thực hiện hành vi bạo hành.
Tự chăm sóc tinh thần bản thân – Điều rất quan trọng
Hành động “tấn công người yếu hơn hay địa vị thấp hơn mình" có thể thấy không chỉ ở con người mà còn ở loài gà. Như trong ví dụ ở phần mở đầu, có thể là quá sớm để kết luận rằng các bậc cha mẹ bạo hành là những người “không có phẩm chất làm cha mẹ và thiếu tình người nên mới bạo hành".
Ngoài ra, ai ai cũng đều có suy nghĩ rằng “chỉ có mình ổn". Đây là một cơ chế tâm lý gọi là “thiên kiến bình thường" (normalcy bias) trong tâm lý học. Đây chính là một hoạt động “đóng băng" thần kinh, khi bất ngờ gặp phải một điều không may, người ta có xu hướng nghĩ rằng “chỉ có mình ổn thôi" và “đến mức này cũng ổn thôi" để nội tâm bản thân không bị quá mệt mỏi do phải ứng mạnh.
Việc bạo hành cũng vậy, chúng ta vô tình nghĩ rằng “Mình yêu con trẻ đến thế thì sẽ chẳng bao giờ có hành vi bạo hành chúng đâu". Tuy nhiên, bạo hành vẫn có thể xảy ra chính vì tình yêu thương mãnh liệt đó.
Tôi cho rằng để bài trừ hành vi ngược đãi, điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị tâm lý rằng bản thân chúng ta cũng có thể có hành vi bạo hành. Và hãy để ý hơn đến việc trái tim bạn đang mệt mỏi như thế nào, từ đó có ý thức dành thời gian để nghỉ ngơi. Đừng bỏ bê việc chăm sóc tâm trí mình đến mức phát triển thành những hành động không hay.
Đừng ngần ngại cầu cứu khi bạn cần trợ giúp!
Khi thử tìm hiểu hoàn cảnh của những bậc cha mẹ đã bạo hành con mình, tôi thấy có nhiều trường hợp bản thân người đó có tâm hồn đã bị tổn thương nặng nề. Đừng quá kiềm nén chỉ vì “Mình là người lớn cơ mà", “Mình là cha/mẹ mà". Nếu bạn cần giúp đỡ, đừng ngần ngại phát ra tín hiệu cầu cứu thể hiện rằng mình đang “đau đớn" hay “khổ sở" thế nào.
Khi nuôi con, người ta thường xem đứa trẻ là ưu tiên hàng đầu và xem cảm xúc của mình là thứ yếu. Thế nhưng, nếu lòng cha mẹ không tươi sáng, không lành mạnh thì không thể sống hạnh phúc với con trẻ được.
Sao rồi? Sau khi đọc xong bài viết này, bạn hãy thử nhắm mắt lại và thư giãn một chút nhé! Để rồi trong giây lát, hãy hỏi han trái tim mình rằng: “Xin chào! Bạn có khỏe không?".