Thói quen tắm bồn độc đáo của người Nhật và muôn vẻ nhà tắm công cộng
Hình như có nhiều người nước ngoài lần đầu đến Nhật rất ngạc nhiên trước thói quen tắm bồn độc đáo của dân bản xứ. Chẳng hạn:
“Không tin nổi mùa hè mà cũng tắm bồn thật lâu!”
“Tắm kiểu gì mà không thay nước, cả nhà già trẻ lớn bé dùng chung một chỗ nước!”
“Sáng không chịu tắm đâu, cứ tối lạnh là lại đi tắm!”
“Nước nóng vậy mà cứ nằm lì trong bồn, đúng là chỉ có dân bản xứ mới chịu được!” v.v.
Những chuyện này chẳng xa lạ gì với người Nhật, nhưng với người ngoại quốc thì lại kỳ lạ biết bao.
Trong đó, có lẽ cái thú đi tắm ở “nhà tắm công cộng” (公衆浴場 kōshūyokujō) là đặc biệt hơn cả. Nhưng người Nhật hầu như không mấy khi dùng từ này, mà hay gọi là “sentō” (銭湯), ghép của chữ 銭 (zeni) nghĩa là “tiền”, và お湯 (oyu) nghĩa là “nước nóng”).
Trong bài này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thói quen tắm rửa nói chung cũng như thú tắm sentō nói riêng của người Nhật các bạn nhé!
Thói quen tắm bồn độc đáo
Người Nhật rất thích kiểu tắm ngâm mình trong bồn nước nóng. Thói quen này đã phổ biến vào thời Edo (1603 – 1868). Ngày nay, nhiều gia đình Nhật có bồn tắm trong nhà để lúc nào cũng có thể tắm kiểu đó.
Thường trước khi ngâm mình trong bồn tắm, người ta sẽ tắm sơ cho thân thể sạch sẽ. Đây là điều cơ bản để cho người tắm sau tiếp tục dùng chỗ nước ấy được.
Nguyên tắc là không tắm sáng, chỉ tắm tối, trước khi đi ngủ. Đối với người Nhật, tắm rửa không đơn thuần là vệ sinh thân thể mà còn là cách thư giãn và giải toả căng thẳng, mệt mỏi trong cả một ngày.
Người Nhật đặc biệt thích tắm nước nóng, nhất là nước có nhiệt độ khoảng 40ºC – 43ºC, có lẽ là khá nóng đối với người nước ngoài.
Bố mẹ thường tắm chung với con cái cho đến những năm đầu tiểu học. Hẳn bạn đã từng thấy cảnh người bố trong phim tắm chung với đứa con gái nhỏ trong phim hoạt hình nổi tiếng “Hàng xóm tôi là Totoro” rồi. Theo người Nhật, tắm chung cũng là một dịp, một cơ hội giao tiếp và gắn bó thân tình với con cái.
Chuyện nhà tắm công cộng ở Nhật
Khắp phố xá có rất nhiều nhà tắm công cộng. Nhiều người, mặc dù nhà có sẵn bồn tắm, vẫn thích đi tắm trả tiền ở nhà tắm, không chỉ vì thích thong thả ngâm mình trong bể tắm lớn để thoải mái thư giãn, mà còn có thể giao lưu, kết nối thân mật với người khác, hơn là lặng lẽ tắm một mình ở nhà.
Ở nhà tắm công cộng, tất cả mọi người đều tắm khỏa thân chứ không mặc đồ tắm. Nhưng tất nhiên là nam, nữ đều có khu vực riêng biệt nên các bạn yên tâm nhé.
Trước kia, người ta thống kê được có hơn 2000 nhà tắm công cộng ở nội đô Tokyo. Hiện nay, con số này chỉ còn khoảng 600. Nguyên nhân có lẽ là người Nhật hiện nay, đặc biệt là giới trẻ, chuộng tắm vòi sen ở nhà cho nhanh gọn.
Phí tắm thường là 460 JPY đối với người lớn (trên 12 tuổi ), 180 JPY đối với thanh thiếu niên (6 – 12 tuổi) và 80 JPY đối với trẻ em (dưới 6 tuổi).
Tên gọi (yagō) của các nhà tắm cũng hết sức độc đáo, chẳng hạn như Matsu-no-yu (Nhà tắm Cây Tùng), Ume-no-yu (Nhà tắm Hoa Mơ), Kame-no-yu (Nhà tắm Con Rùa), v.v.. Ở Nhật, matsu (cây tùng), ume (hoa mơ), kame (rùa), v.v. từ xưa được xem là những hình ảnh tốt đẹp, may mắn nên người ta thích dùng đặt tên các nhà tắm. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiên nhiên như núi Phú Sĩ hay mặt trời mọc cũng rất được ưa chuộng: có rất nhiều nhà tắm mang tên Fuji-no-yu (Nhà tắm Phú Sĩ), Hi-no-yu (Nhà tắm Mặt Trời).
Tường nhà tắm thường trang trí bằng tranh vẽ núi Phú Sĩ, nhìn rất hùng tráng và diễm lệ.
Thông thường, mọi người mang theo khăn tắm và xà phòng từ nhà khi vào nhà tắm. Nhưng nếu quên, bạn vẫn có thể mua tại chỗ với giá rẻ.
Muôn vẻ nhà tắm
Mặt tiền nhà tắm. Rất hoành tráng đúng không các bạn.
Lối vào khu tắm nam và khu tắm nữ. Đừng vào lộn nhé. ^^
Tranh núi Phú Sĩ trên tường nhà tắm. Đẹp quá nhỉ!
Nhiều nhà tắm có những chiếc thau gỗ thế này.
Ở Nhật, nhắc đến “sentō”, người ta thường nghĩ ngay đến “mèo”.
Nếu có dịp, các bạn hãy thử đến tắm tại các nhà tắm nhé! Bảo đảm bạn sẽ thấy thư giãn, nhẹ nhõm và ngủ ngon hơn rất nhiều đấy!
Trong bài sau, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về cách đi tắm ở nhà tắm và điểm qua các nhà tắm nổi tiếng tại khu phố cổ Asakusa.