Câu chuyện cảm động và thú vị với những cây cầu trên sông Sumida!

Trên sông Sumida có rất nhiều cây cầu với kiểu dáng, phong cách thiết kế và cấu trúc khác biệt. Những cây cầu bắc ngang sông Sumida nhìn như một buổi triển lãm về những cây cầu dọc theo dòng chảy của con sông. 

Hiện tại, có khoảng 40 cây cầu bắc qua sông, gồm cả cầu dành riêng cho tàu điện và cầu bộ hành, trong đó có 18 cây cầu tập trung trong khu vực Asakusa và vùng xung quanh. Trong bài viết này, WAppuri sẽ giới thiệu đến bạn bốn cây cầu tiêu biểu trong khu vực Asakusa.

Cầu Sakura-bashi

Khánh thành năm 1985, Sakura-bashi là cây cầu bộ hành duy nhất bắc qua sông Sumida. Từ chính giữa cầu nhìn xuống phía hạ lưu, bạn có thể thấy toàn bộ khung cảnh tuyệt đẹp của khu vực trung tâm Asakusa

Hai bên bờ sông Sumida trồng hơn 800 cây hoa anh đào. Đến khoảng cuối tháng ba, khi hoa anh đào nở rộ, bờ sông như được nhuộm trong sắc hồng êm dịu. Cây cầu này cũng là một địa điểm lý tưởng để ngắm hoa anh đào.

Du khách đến Asakusa vào cuối tháng 7 hàng năm sẽ có cơ hội tham dự Lễ hội pháo hoa sông Sumida. Vào dịp này, hơn 10.000 phát pháo hoa được bắn lên từ chân cầu.

Từ trên cao, cầu Sakura-bashi trông như một chữ Y khổng lồ.

Tháp Tokyo Sky Tree và cầu Sakura-bashi
Tháp Tokyo Sky Tree và cầu Sakura-bashi
Đôi tình nhân đang thưởng hoa trên cầu Sakura-bashi
Đôi tình nhân đang thưởng hoa trên cầu Sakura-bashi

Cầu Kototoi-bashi

Cái tên “kototoi” có nguồn gốc từ một bài waka (thể thơ Nhật 31 âm tiết với 5 dòng theo khuôn mẫu 5-7-5-7-7) thời Heian cách đây 1200 năm, do nhà thơ Ariwara no Narihira sáng tác. Bài thơ như sau:

Nguyên văn Phiên âm Dịch nghĩa
名にし負はば Na nishi owaba Nếu đúng với tên gọi
いざこと問はむ Iza koto towamu Thì ta muốn hỏi mi
都鳥 Miyako dori Hỡi chú chim kinh kỳ
わが思ふ人は Waga omou hito wa Người ta hằng mong nhớ
ありやなしやと Ari ya nashi ya to Bây giờ đã ra sao?

Người ta bảo rằng hình ảnh “chú chim kinh kỳ” trong bài thơ là loài chim mòng biển màu trắng. Tác giả bài thơ, Ariwara no Narihira, vốn là một vị đại thần trong triều đình trung ương đóng đô tại Kyoto. Một lần vì công việc triều đình, ông phải rời khỏi kinh thành, bỏ lại người yêu đi về vùng đất nay là Asakusa, cách xa 500km. Trong lúc nhớ nhà, ông nhìn thấy những chú chim mòng biển trên bờ sông Sumida, và biết được loài chim ấy tên là “miyako-dori” (đô điểu), nghĩa là “loài chim của kinh đô”, ông đã sáng tác bài thơ trên. Đại ý là: “Thì ra mi là chú chim đến từ kinh thành! Chắc mi phải biết rõ sự tình xảy ra ở đó. Vậy hãy nói cho ta nghe, người yêu dấu mà ta hiện phải rời xa, giờ đang sống thế nào?”

Bạn có biết? Người thời Heian thường làm thơ waka để biểu lộ cảm xúc vui, buồn, giận dữ, hạnh phúc v.v. . 

Đến bây giờ, khi đứng trên cầu Kototoi-bashi, du khách vẫn nhìn thấy rất nhiều chim mòng biển.

Cầu Kototoi-bashi
Cầu Kototoi-bashi nhìn từ mặt bên
Cầu Kototoi-bashi và chim mòng biển
Cầu Kototoi-bashi và chim mòng biển

Cầu Azuma-bashi

Azuma-bashi là cây cầu nằm gần trung tâm Asakusa nhất. Có lẽ cũng vì thế, mà cây cầu này được thừa hưởng mọi vẻ đẹp lộng lẫy, hoa lệ đậm chất Asakusa. Từ chân cầu, bạn có thể nhìn một vòng bao quát từ phố xá Asakusa đến biểu tượng bọt bia vàng nổi tiếng trên nóc toà nhà công ty bia Asahi, hay tháp Tokyo Sky Tree v.v.. 

Cầu Azuma-bashi có lịch sử khá lâu đời, được khánh thành lần đầu vào năm 1774. Đến khoảng năm 1931, cầu được tu sửa lại thành hình dạng hiện nay. Kể từ đó, cây cầu đã trở thành biểu tượng Asakusa được mọi người yêu mến. Nếu đến gần quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra cả hệ thống chiếu sáng và lan can cầu cũng được thực hiện hết sức công phu. Không chỉ ban ngày, cảnh cầu ban đêm cũng vô cùng diễm lệ.

Cầu Azuma-bashi
Cầu Azuma-bashi lúc lên đèn
Cầu Azuma-bashi và toà nhà trụ sở bia Asahi
Cầu Azuma-bashi và toà nhà trụ sở bia Asahi

Cầu Ryogoku-bashi

Nằm xa hơn về phía nam của vùng ngoại vi Asakusa, cách trung tâm Asakusa 3km là cầu Ryogoku-bashi.

Cầu Ryogoku-bashi được khánh thành vào năm 1660, tức đầu thời Edo. Đây là cây cầu cổ thứ nhì trong số những cây cầu bắc qua sông Sumida. Thời đó, lãnh thổ Nhật Bản chia thành gần 100 xứ. Sông Sumida vừa đúng là giới tuyến của hai xứ: Musashi-no-kuni bên bờ tây và Shimousa-no-kuni bên bờ đông. Cây cầu kết nối hai xứ với nhau nên được gọi là “ryōgoku-bashi” (cầu nối hai xứ).

Sau khi cầu xây xong, khu vực hai bên cầu bỗng chốc phát triển thịnh vượng đến nỗi được mệnh danh là “chốn phồn hoa bậc nhất Edo”. Nếu nhìn vào tranh vẽ đương thời, bạn sẽ thấy ở đây có nhiều công trình giải trí như nhà hát kịch, quán ăn, quán trà, hiệu cắt tóc, nhà thuyền (một kiểu lữ quán kết hợp thuyền chở khách tham quan). Cảnh quan vô cùng nhộn nhịp.

Ngày nay, không khí phố phường và vẻ ngoài cây cầu đã thay đổi hoàn toàn, nhưng nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận thấy đây đó vẫn phảng phất dấu tích của thời xưa. Một trải nghiệm bạn không nên bỏ lỡ khi đến thăm Asakusa là du ngoạn sông Sumida trên nhà thuyền (yakatabune). Bến thuyền nằm gần cầu này.

Cau Ryogoku-bashi vao thoi Edo
Cầu Ryogoku-bashi vào thời Edo
Cầu Ryogoku-bashi
Cầu Ryogoku-bashi ngày nay

Khi nói về những cây cầu, chúng ta thường chỉ nghĩ đó là công trình giao thông để vượt sông một cách nhanh chóng và an toàn. Nhưng ở Nhật, khi xây cầu, người ta hay chú trọng đến thiết kế, vẻ đẹp và sự hài hòa với cảnh vật xung quanh. Những chiếc cầu trên sông Sumida cũng không ngoại lệ.

Khu vực Asakusa vẫn còn nhiều cây cầu đáng để chiêm ngưỡng. Nếu có dịp đến thăm Asakusa, bạn hãy cảm nhận những cây cầu bắc qua sông Sumida như một phần trong nét văn hóa lịch sử đậm phong vị Asakusa nhé!

Asakusa,Sumida

Posted by ODAJI