Hương sắc Amami (3) – Vải lụa Oshima tsumugi đặc biệt!
Nhật Bản mùa này ngày nào cũng nóng đến 30 độ. Mùa hè đương nhiên là phải nóng thôi, nhưng gần đây tôi hay tự hỏi không biết hồi nhỏ trời có nóng đến thế này không? Chẳng biết có phải do hiện tượng nóng lên toàn cầu không? Hay đơn giản vì tôi đã lớn tuổi? Dù sao đi nữa, mùa hè mấy năm gần đây quả thật nóng khác thường. Hè năm nay cũng vậy, nhà tôi khi đi vắng cũng vẫn để máy lạnh suốt. Nghĩ đến khoản tiền điện tháng sau, lo thật…
Xin chào các bạn. Tôi là AY, người viết bài.
Hôm nay chúng ta tiếp tục phần 3 của loạt bài hương sắc Amami, là phần tôi mong chờ được viết nhất, giới thiệu về vải lụa Oshima tsumugi.
Nói đến trang phục truyền thống của Nhật Bản là nói đến wafuku (Hoà phục). Việt Nam có chiếc áo dài đáng tự hào khắp thế giới thì Nhật Bản có wafuku. Thường gọi là kimono. Gần đây, trừ những ngày đặc biệt, mọi người không còn bao nhiêu dịp để mặc kimono nữa, nhưng tại thành phố Kyoto của tôi, ta vẫn dễ dàng bắt gặp ngoài phố các cô gái trong trang phục kimono.
Kimono có đến mấy loại. Chẳng hạn, theo thời điểm nhuộm sợi, ta có hàng “tsumugi” nhuộm màu sợi rồi mới đem dệt và “yūzen” hàng đem sợi trắng đi dệt rồi mới nhuộm màu. Thông thường dịp trang trọng mặc hàng yūzen, còn trang phục hàng ngày thì mặc hàng tsumugi.
Chất liệu tsumugi vốn có xuất xứ đa dạng ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng ngày nay nói đến tsumugi thì phía Tây là hàng Oshima, phía Đông là hàng Yūki. Trong đó đặc biệt nổi tiếng là Oshima tsumugi tập trung ở tỉnh Kagoshima và Yūki tsumugi tập trung ở tỉnh Ibaraki.
Và nơi sản xuất lụa Oshima tsumugi lớn nhất chính là đảo Amami Ōshima. Tuy loại hàng này ở Kagoshima cũng có sản xuất, nhưng đảo Amami đặc biệt ở chỗ ngày xưa từng thuộc tiểu quốc Ryukyu và tiểu quốc Satsuma, dường như Oshima tsumugi sản xuất tại đây được dùng để cống nạp cho tiểu quốc Satsuma.
Như đã nói trên, đặc trưng của hàng tsumugi là nhuộm màu sợi trước khi dệt. Đó là vì công đoạn nhuộm màu mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, đảo Amami có kỹ thuật nhuộm hết sức độc đáo chỉ nơi đây mới có gọi là dorozome (“nhuộm bùn”). Tôi đã đến tham quan và quả thật người ta ở trong một chỗ y như là đầm lầy đầy bùn thực hiện nhuộm sợi bằng tay hết lần này đến lần khác. Kỹ thuật nhuộm này tạo nên độ trơn bóng độc đáo, không phai màu, và cảm giác khi tiếp xúc với da cũng rất đặc biệt, khiến nhiều người ưa chuộng Oshima tsumugi.
Để nhuộm xong một tấm phải mất đến gần một năm trời, do đó sản phẩm có giá thành khá cao và việc truyền lại cho thế hệ sau cũng là một vấn đề. Quả thật nhìn vào tiến độ thực hiện, đây đúng là một công việc dài hơi, đáng chán. Nhưng kỹ thuật công phu, tuyệt vời như thế này mà để thất truyền đi thì thật đáng tiếc.
Qua bài viết này, rất mong các bạn Việt Nam có hứng thú đến tham quan nhé.